Vai trò của nhà nước trong cung cấp dịch vụ công

Một phần của tài liệu Cải cách dịch vụ công qua thực tiễn tỉnh Cao Bằng (Trang 41)

Trong những năm qua, nhà nước đã mở rộng việc cung ứng dịch vụ công ra khu vực tư nhân, song vai trò của nhà nước vẫn có những giá trị không thể thay thế bởi tính quan trọng và cấp thiết của nó. Như vậy ngoài chức năng quản lý đã nêu trên thì nhà nước đảm nhiệm cả chức năng cung cấp dịch vụ công - chức năng phục vụ. Khác với chức năng quản lý xuất phát từ những yêu cầu về nguyên tắc, tổ chức của bộ máy nhà nước, chức năng phục vụ xã hội bắt nguồn từ "nhu cầu cụ thể của các tổ chức và công dân, ngay cả khi các nhu cầu này có thể phát sinh từ những yêu cầu của Nhà nước" [10]. Hơn nữa chức năng này cũng nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong thay đổi quan niệm về vai trò của nhà nước - quan niệm nhà nước xây dựng nền hành chính phục vụ, trong đó người dân là khách hàng.

Song song với việc chuyển giao ngày càng nhiều dịch vụ công cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thì chất lượng cung cấp dịch vụ công ở khu vực nhà nước không ngừng được đổi mới với những cam kết mang lại chất lượng tốt hơn cho người sử dụng dịch vụ. Theo tôi, nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tiếp nhằm thực hiện những vai trò sau:

- Cung cấp các dịch vụ hành chính công

Hành chính công có liên quan đến mức độ thỏa mãn các nhu cầu công cộng của xã hội, nó tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội và trở thành một quá trình tất yếu của một quốc gia. Khi cung cấp các dịch vụ này, nhà nước sử dụng quyền lực công để tạo ra dịch vụ như cấp các loại giấy phép, đăng ký, chứng thực, thị thực, đăng ký kinh doanh. Đó là khi nhà nước phát huy năng lực quản lý công cộng mang tính quyền uy để điều hòa các mối quan hệ xã hội; đó là sự giúp đỡ của nhà nước đối với những địa phương nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, cứu tế xã hội…

- Duy trì trật tự xã hội, an ninh; quản lý tài nguyên đất nước

Những nhiệm vụ này ở nước ta vẫn hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Nói như vậy bởi vì một số nước khác đã xã hội hóa ngay cả loại dịch vụ mang tính công cộng này. Đề đảm bảo an toàn an toàn, bí mật quốc gia và để phát triển đất nước theo quy hoạch, mục tiêu chung, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng thì nhà nước cần thiết giữ vai trò chủ đạo cung ứng các dịch vụ này.

- Vai trò bảo đảm sự công bằng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân

Bản chất của dịch vụ công là cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho người dân, đảm bảo - đó là loại hàng hóa công cộng. Còn đối với khu vực tư nhân, mục tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận. Chính vì thế nhà nước cần phải đảm trách những dịch vụ cần thiết nhằm đảm bảo sự công bằng mà không hoàn toàn phụ thuộc vào lợi ích kinh tế. Nếu các dịch vụ công phó thác hoàn

toàn cho khu vực tư thì lợi ích của người nghèo, những khu vực kém phát triển sẽ không được bảo đảm.

Bảo vệ quyền và lợi ích của công dân cũng là một nhiệm vụ quan trọng cần đến vai trò của nhà nước. Thông qua việc cung cấp dịch vụ công, nhà nước sử dụng quyền lực của mình để bảo đảm quyền dân chủ và quyền hợp pháp khác của công dân. Việc bảo đảm cung cấp đầy đủ chất lượng và số lượng dịch vụ đồng nghĩa với việc bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân.

Thêm nữa, trong trường hợp khu vực tư nhân không đủ sức hoặc không muốn cung ứng thì nhà nước phải đảm nhận trách nhiệm này. Ví dụ như xây dựng mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng, điện, trường học với nguồn vốn lớn.

- Vai trò đảm bảo phúc lợi xã hội

Đối với các khu vực kém phát triển và những đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng chính sách, người nghèo… nhà nước phải bảo đảm các dịch vụ công được cung cấp thường xuyên và kịp thời như chính sách về y tế, bảo hiểm y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ khác.

- Đối phó với những khiếm khuyết của thị trường

Dịch vụ công chịu những ảnh hưởng và không nằm ngoài quy luật của cơ chế kinh tế thị trường. Những dịch vụ lựa chọn ngày càng nhiều hơn, tốt hơn và chi phí cao hơn. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng có một thị trường đầy đủ các tiện ích của nó. Nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Lúc đó vai trò của nhà nước trở nên vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn sự gián đoạn cung cấp dịch vụ công do những hạn chế của thị trường. Nhà nước cần phải cân đối giữa một bên là thị trường tự do và bên kia là trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của nhà nước đối với nhóm người thiệt thòi. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các dịch vụ phải được cung cấp với mức phí vừa phải và không để người dân bị ảnh hưởng bởi sự thất bại của thị trường.

Một phần của tài liệu Cải cách dịch vụ công qua thực tiễn tỉnh Cao Bằng (Trang 41)