Chương 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN TẠI CỤC HẢI QUAN QUẢNG NINH
2.1.2. Những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động kiểm tra sau thông quan tại Cục Hải quan Quảng Ninh
Cục Hải quan Quảng Ninh
2.1.2.1. Thuận lợi
Do yêu cầu cải cách, phát triển hiện đại hóa Hải quan và thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế như: WCO, WTO, ASEAN, APEC,… cùng với yêu cầu tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật nghiệp vụ tiên tiến về Hải quan với mục tiêu chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” thì KTSTQ là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình cải cách, phát triển hiện đại hóa Hải quan Việt Nam nói chung và Cục Hải quan Quảng Ninh nói riêng; đặc biệt, năm 2011 được Tổng Cục Hải quan chọn là “Năm KTSTQ”. Vì vậy, hoạt động KTSTQ tại Cục Hải quan Quảng Ninh thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tổng Cục Hải quan và cấp ủy, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh trong việc định hướng và triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Hệ thống văn bản pháp luật về KTSTQ tiếp tục hoàn thiện hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động KTSTQ (Luật Hải quan năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung Luật Hải quan năm 2005; Nghị định số 154/2005/NĐ-CP; Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009; Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010; Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013; Quyết định số 621/2006/QĐ-TCHQ về Quy trình phúc tập hồ sơ và KTSTQ; Quyết định số 1383/2009/QĐ-TCHQ ngày 14/7/2009 về Quy trình KTSTQ, kiểm tra thuế đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu; Quyết định số 2579/QĐ-TCHQ ngày 5/12/2011 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1383); Quyết định số 3550/2013/QĐ-TCHQ ngày 01/11/2013 về Quy trình KTSTQ, kiểm tra thuế đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu thay thế Quyết định số 1383/2009/QĐ-TCHQ.
Cơ cấu tổ chức bộ máy hợp lý, đội ngũ công chức KTSTQ tại Cục Hải quan Quảng Ninh có tuổi đời bình quân còn trẻ, có nhiệt huyết công tác và được đào tạo các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác phối kết hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành trên địa bàn được duy trì và phục vụ có hiệu quả hoạt động KTSTQ. Cơ sở vật chất,
trang thiết bị cho lực lượng KTSTQ được quan tâm, đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu; các trang thiết bị hỗ trợ như: máy tính xách tay, camera, máy ảnh, máy ghi âm,.. được trang cấp đầy đủ theo nhu cầu; hệ thống máy tính được cài đặt và phân quyền cho phép công chức KTSTQ được khai thác tất cả các chương trình quản lý nghiệp vụ của ngành Hải quan.
2.1.2.2. Khó khăn
Khối lượng công việc phải giải quyết lớn, bình quân hàng năm có trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động XNK qua địa bàn, số lượng hồ sơ phát sinh khoảng trên 40.000 bộ, trong đó số hồ sơ được miễn kiểm tra, thông quan luồng xanh chiếm trên 70% (đây là đối tượng chính của KTSTQ). Tuy nhiên, lực lượng công chức KTSTQ tại Cục Hải quan Quảng Ninh còn mỏng (năm 2006 có 8 công chức; năm 2007 có 14 công chức; năm 2008 có 16 công chức; năm 2009 có 22 công chức; năm 2010 có 24 công chức; năm 2011 có 36 công chức; năm 2012, 2013 có 36 công chức).
Công chức KTSTQ đa số còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề, có ít kinh nghiệm thực tế và kỹ năng làm việc nên còn nhiều lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả công việc còn nhiều hạn chế. Cá biệt có công chức có tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại, chọn chỗ, chọn việc.
Ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp không cao, có doanh nghiệp do vô ý dẫn đến sai sót, vi phạm pháp luật; tuy nhiên cũng có doanh nghiệp cố ý lợi dụng kẽ hở của chính sách để gian lận, trốn thuế. Khi bị KTSTQ thì trây ỳ, né tránh, không hợp tác với cơ quan Hải quan; một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục phá sản, giải thể… gây khó khăn cho hoạt động KTSTQ.
Hoạt động KTSTQ nhằm thẩm định việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động XNK hàng hóa, vì vậy phải thường xuyên thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ tại các cá nhân, tổ chức có liên quan như: Ngân hàng, Thuế, Công an, Quản lý thị trường, các đơn vị và cá nhân sản xuất, tiêu thụ hàng hóa XNK… Tuy nhiên, việc phối kết hợp với các tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa hiệu quả, việc cung cấp thông tin, tài liệu thường xuyên bị
kéo dài thời gian, hiệu quả thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng KTSTQ. Trang thiết bị, cơ sở vật chất mặc dù đã được Tổng Cục Hải quan và Cục Hải quan tỉnh quan tâm, đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng về lâu dài cần có quy hoạch định hướng dài hạn, xứng tầm với vị trí, vai trò của hoạt động KTSTQ trong quản lý Hải quan hiện đại. Hiện tại trụ sở Chi cục KTSTQ vẫn nằm trong khối văn phòng Cục, chưa có trụ sở riêng, chưa được đầu tư các trang thiết bị như: Máy giám định tài liệu, ô tô…
Chế độ đãi ngộ đối với công chức KTSTQ chưa được quan tâm đúng mức, công chức KTSTQ không được hưởng phụ cấp đặc thù (như lực lượng làm công tác kiểm soát CBL, công tác tin học và công tác Quản lý rủi ro), chưa có cơ chế trích thưởng từ kết quả KTSTQ (như lực lượng thanh tra, kiểm toán), vì vậy chưa động viên công chức KTSTQ yên tâm công tác lâu dài, chưa thu hút được công chức vào lực lượng KTSTQ làm việc.