Trên cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm về hoạt động KTSTQ tại một số Cục Hải quan địa phương có điều kiện địa lý, loại hình xuất nhập khẩu tương đồng với Cục Hải quan Quảng Ninh, từ đó rút ra những bài học cho hoạt động KTSTQ tại Cục Hải quan Quảng Ninh như sau:
- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo:
Trong công tác chỉ đạo điều hành, cần xác định rõ quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo Cục và công chức Hải quan trong việc chuyển đổi mạnh mẽ, tiến tới chuyển đổi căn bản phương thức quản lý từ kiểm tra trong thông quan sang KTSTQ; thống nhất nhận thức và xác định hoạt động KTSTQ là một khâu quan trọng trong quá trình phát triển, hiện đại hoá Hải quan. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phải có kế hoạch cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và lộ trình thực hiện.
- Thực hiện quy trình thủ tục về KTSTQ:
+ Công tác phúc tập hồ sơ tại các Chi Cục Hải quan cửa khẩu là một phần không thể tách rời khỏi hoạt động KTSTQ, để hoạt động KTSTQ đạt hiệu quả như mong muốn, các Chi Cục Hải quan cửa khẩu tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác phúc tập hồ sơ nhằm kịp thời phát hiện các sai sót trong quá trình thông
quan hàng hóa, giảm thiểu các rủi ro và sai sót lặp đi lặp lại. Nếu công tác phúc tập hồ sơ làm tốt sẽ giảm đi một khối lượng lớn công việc phải thực hiện tại khâu KTSTQ, đồng thời đây là nguồn thông tin rất hữu ích cho hoạt động KTSTQ.
+ Với những hành vi, thủ đoạn gian lận của doanh nghiệp đã được phát hiện trong các khâu nghiệp vụ khác như: thông quan; điều tra chống buôn lậu, thanh tra, quản lý thuế…và kết quả KTSTQ của các địa phương khác, bộ phận quản lý rủi ro kịp thời thiết lập các tiêu chí phân tích, cảnh báo cho lực lượng KTSTQ có biện pháp phòng ngừa và phát hiện những vi phạm tương tự trong hoạt động KTSTQ.
+ Trong quá trình thực hiện qui trình KTSTQ, kịp thời phát hiện các quy định bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp… để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Bố trí nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhận lực cho hoạt động KTSTQ:
+ Nguồn nhân lực có tính chất quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động KTSTQ. Công chức KTSTQ phải được trang bị kiến thức về pháp luật Hải quan, nguyên tắc kế toán, kỹ thuật kiểm toán, ngân hàng, thương mại quốc tế, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, đặc biệt quan tâm đến liêm chính Hải quan. Vì vậy, cần tiến hành rà soát, sắp xếp và bổ sung đội ngũ công chức KTSTQ phù hợp với chuyên ngành đào tạo nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường của công chức KTSTQ. Đảm bảo số lượng công chức KTSTQ đạt tỷ lệ chiếm 10% quân số toàn Cục Hải quan tỉnh theo đúng quy định.
+ Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại các chuyên đề nghiệp vụ có liên quan đến hoạt động KTSTQ như: kiểm tra chứng từ thương mại, chứng từ ngân hàng, thanh toán quốc tế, kỹ năng thẩm vấn…; cử công chức đi đào tạo chuyên sâu tại các tổ chức ngoài ngành để đào tạo ra những chuyên gia về một số lĩnh vực phục vụ cho hoạt động KTSTQ. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức KTSTQ tự học để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt.
- Bố trí trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động KTSTQ:
Quan tâm trang cấp đầy đủ trang thiết bị làm việc, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động KTSTQ như: máy tính, máy ghi âm, máy ảnh, ô tô, máy giám định tài
liệu… bố trí trụ sở của lực lượng KTSTQ riêng biệt, không bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các đơn vị khác như hiện nay.
- Trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành:
Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành; hoạt động phối hợp phải đảm bảo phải được thực hiện bằng các qui chế phối hợp với những quy định cụ thể về: nội dung, phạm vi, thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu; trách nhiệm bảo mật thông tin…. Định kỳ hàng năm phải tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy chế phối hợp.
- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động KTSTQ:
+ Thực hiện niêm yết công khai các văn bản qui định về KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan, nơi làm thủ tục Hải quan để cộng đồng các doanh nghiệp biết và chủ động nghiên cứu.
+ Thông qua hoạt động KTSTQ và tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp chủ động tuyên truyền về lợi ích cũng như các quy định của pháp luật về KTSTQ để cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hiểu và ủng hộ hoạt động KTSTQ.