ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ TRONG VIỆC RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CỦA SINH VIÊN
3.2.2.4. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng người làm báo
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Đảng và Nhà nước ta đã xác định: người làm báo như một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá - tư tưởng, nghĩa là phải tạo nên những thông tin có khả năng thuyết phục, phải trao đổi với công chúng về những vấn đề KTXH, văn hoá và đạo đức... Từ đó thấy được sứ mạng tiên phong của những người làm báo trên tất cả các lĩnh vực rộng lớn của đời sống KTXH của đất nước. Để thực hiện được sứ mạng đó, đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức sâu rộng, giàu nghị lực, can đảm và giỏi nghiệp vụ. Một trong những yêu cầu để cán bộ báo chí thực hiện tốt công việc hằng ngày là được đào tạo và biết cách tích luỹ, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời phải được bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Đạo đức nhà báo gắn liền với phẩm chất nghề nghiệp. Việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo cũng chính là nâng cao tính tư tưởng, tính chân thật, tính chiến đấu của các sản phẩm báo chí, hướng nội dung thông tin vào nhiệm vụ trung tâm là phục vụ sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Đạo đức của người làm báo khi viết bài trước hết là sự trung thực với nguồn tin. Một bài báo chỉ cung cấp thông tin thuần tuý thì chưa đủ, nhà báo phải có chính kiến (dựa trên cơ sở tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng bản chất sự việc), phải đảm bảo tính định hướng trong thông tin để phát huy hết sức mạnh của báo chí và hạn chế mặt tiêu cực. Đạo đức nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để thông qua đó, nhà báo thể hiện lương tâm, trách nhiệm của mình trước nhân dân và đất nước.
Tuy nhiên để làm tốt nhiệm vụ được giao, nhà báo cần có những phẩm chất nghề nghiệp. Trước hết, nó thể hiện ở khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy, lựa chọn những dữ kiện để phân tích, đánh giá thực tiễn một cách đúng đắn, hợp lý; nhạy cảm với cái mới, nhanh chóng nhận biết, nắm bắt được những quy luật vận động của đời sống và thông tin về nó đảm bảo các yêu cầu khách quan, thời sự và tính định hướng. Khi đánh giá về những phẩm chất quan trọng của nhà báo, C. Mác đã viết một cách dí dỏm: “Anh ta là cuốn bách khoa toàn thư sống, có khả năng làm việc bào bất kì lúc nào, ngày hoặc đêm, lúc tỉnh táo hay lúc ngà say, viết và hiểu nhanh như máy..” [46, tr. 228-229].
Nghề báo là một nghề sáng tạo linh hoạt nên không thể bắt buộc người học tuân theo một quy trình định sẵn. Tuy nhiên bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực nghề nghiệp là những khía cạnh cơ bản của nội dung đào tạo đội ngũ làm công tác báo chí nói chung.
Đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các báo, tạp chí dành cho TNSV, bên cạnh việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo, yêu cầu cần phải có sự hiểu biết nhất định về thanh niên nói chung, và SV nói riêng. “Về nguyên lý, báo chí phải hiểu TNSV... Báo chí cần có chiến lược với giới trẻ. Tùy từng trang báo, chương trình cụ thể phải có định hướng, nhưng đừng nghĩ định hướng là giáo điều. Nếu báo chí không định hướng thì cái tốt không vào ngay được” (GS.TS. Đỗ Quang Hưng, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, Tổng Biên tập tạp chí Tôn giáo). Đối với báo SVVN, đối tượng phục vụ chủ yếu là SV, vì vậy những người làm báo cần hiểu biết sâu sắc về sự phát triển, đời sống, nguyện vọng của SV để đưa ra được những thông tin, thông điệp phù hợp. Đối với báo Thanh niên, báo GD & TĐ, SV cũng là một bộ phận quan trọng mà báo hướng tới nên cần thiết phải trang bị những kiến thức cơ bản về đặc điểm SV. Báo PLVN hướng tới đối tượng rộng lớn hơn, nhưng cũng cần chú ý giáo dục pháp luật cho SV là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đội ngũ những người làm báo cũng phải có những hiểu biết nhất định về tâm lý SV hiện nay để có
146
những vấn đề mà đối tượng của mình quan tâm là yêu cầu quan trọng để nâng cao vai trò của báo chí với việc rèn luyện đạo đức của SV.
Nhìn chung đội ngũ cán bộ, phóng viên của bốn tờ báo khảo sát được đào tạo cơ bản, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn cao, được bồi dưỡng về lý luận chính trị. Đội ngũ lãnh đạo của các báo ngày càng được hoàn thiện và nâng cao trình độ. Ban biên tập các báo đa số các đồng chí có trình độ cử nhân hoặc cao cấp chính trị và chuyên môn cao. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, GDĐĐ cho SV, nâng cao vai trò của báo trong xã hội phải có những đổi mới trong khâu bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ phóng viên và cộng tác viên:
- Mở rộng hợp tác, trao đổi, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường ĐH, việc nghiên cứu và các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để phát huy tiềm năng, tận dụng sức mạnh của nhau, tạo sức mạnh tổng hợp trong đào tạo (trao đổi học giả, SV, nhà báo, giáo trình, tài liệu, kỹ thuật, công nghệ...).
- Tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học cho phóng viên, cộng tác viên, SV báo chí. Đây là chìa khoá, là phương tiện hữu hiệu thu nhận thông tin, cập nhật kiến thức, xử lý, trao đổi thông tin và mở rộng giao lưu quốc tế.
- Phát triển mạng lưới cộng tác viên là SV để báo có thể thâm nhập sâu hơn vào đời sống SV trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên, phải chú ý bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cộng tác viên là SV. Đồng thời tăng cường mời các cộng tác viên là chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau như: Giáo dục học, Tâm lý học, Y học, Pháp luật, Lý luận chính trị... để họ chia sẻ những kiến thức hoặc gián tiếp phụ trách các chuyên mục của báo.