Tìm về cội nguồn văn hóa, lịch sử

Một phần của tài liệu Dịch chuyển không gian trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện (Trang 69)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.2. Tìm về cội nguồn văn hóa, lịch sử

Một trong những lí do khác phát sinh từ chuyến đi đã được nhà văn nhắc đến rất cụ thể đó chính là hành trình sưu tầm văn hóa. Trong thực tế, Cao Hành Kiện không nhận mình là một nhà văn tầm căn mà ông quan hơn cả chính là nền tảng lịch sử văn hóa trong mối quan hệ chính thống và phi quan phương. Nhà văn cho rằng: “toàn bộ lịch sử được viết cho đến nay chỉ là lịch sử biên niên về các hoàng đế hay về những người cầm quyền, không có cuốn

70

nào nói về nền tảng của lịch sử văn hóa. Tôi đã đặt cho mình mục đích viết một cuốn sách về lịch sử văn hóa Trung Hoa”[15, 669]. Vì lẽ đó, trong tác phẩm này, Cao Hành Kiện đã làm nổi bật những nét độc đáo, riêng biệt của các vùng văn hóa dân tộc trong đất nước Trung Hoa. Nhà văn đã tiếp cận trực tiếp những hoạt động nghệ thuật đặc trưng mang tính vùng miền với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt là không gian diễn xướng văn hóa.

Trong tiểu thuyết Linh Sơn, không gian diễn xướng văn hóa được tác giả thể hiện rất sinh động, cụ thể. Đó là không gian ở Hỉ Xuân Đường với người kể chuyện ở Quán Nhất Phẩm Hương trà trong thị trấn núi Ô Y (chương 5): “Đặt phách xuống, ông lấy một cái dùi nhỏ gõ liên hồi vào một cái trống mà mặt da hơi chùng, tạo ra một âm thanh đơn điệu, còn tay kia, ông nắm lấy một vòng tròn các quả nhạc nho nhỏ, trên cái vòng tròn có xâu những mảnh kim loại lắc kêu lanh canh. Ông từ từ lắc nó rồi tiếp bằng cái giọng khàn khàn.” [14, 56]. Đó còn là không gian kịch nghệ của người Đạo sĩ già với những đứa con của ông trong căn nhà nhỏ ở nông thôn (chương 49): “Đầu tiên hai tay ông nâng lên một bát nước trong, miệng lầm rầm rồi búng một cái rẩy nước ra bốn góc nhà. Khi nước bắn vào chân những người chen chúc ở cửa, một tiếng râm ran lớn lẫn với tiếng cười cất lên (…) Thình lình ông vén tay áo dài đập mạnh vào một cái phách trên bàn, làm các tiếng cười nín bặt.” [14, 417].

Không gian được mô tả đậm chất diễn xướng và mang tính chất Carnaval, ranh giới giữa người nghệ sĩ và khán giả bị xóa nhòa, đậm chất folkore (chương 5, 49). Chính dạng không gian này đã tạo cho tác phẩm màu sắc cổ kính, kỳ ảo và có sức cuốn hút đặc biệt như đi vào thế giới của huyền thoại, cổ tích một cách chân thực nhất. Hiện thực này giúp ta liên tưởng đến những A-e-đơ, Ráp-xô đơ (từ thế kỷ VI trước công nguyên ở Hy Lạp) với vai trò là những nghệ nhân kể truyện và trường ca, họ được mệnh danh là “những người khâu nối các bài ca”[26, 55]. Chính sự xuất hiện của những nghệ nhân

71

thuyết thư đã đóng vai trò quan trọng vào việc bảo vệ, khôi phục những giá trị mỹ học chân chính của folklore.

Không chỉ thế, Cao Hành Kiện cho rằng hành trình kiếm tìm văn hóa bản địa chính là phương thức tiếp cận văn hóa chân thực và thú vị giống như nhà sư Trần Huyền Trang trong hành trình sang Thiên Trúc có viết: “Học phải cốt kinh lịch cho xa, nghĩa là phải cốt khai thông cho đến nguồn gốc, nếu chỉ trông ngóng ở một nơi thì chẳng bao giờ đạt được những uyên áo”[51,40-41]. Quả thực, kinh lịch của nhà văn chính là một cách thức tiếp cận văn hóa chân thực và sống động. Dịch chuyển không gian khi này mang ý nghĩa là mở mang và sưu tầm văn hóa truyền thống dân tộc. Trong hành trình tìm kiếm ca dao, dân ca, tác giả đã đi sâu vào những vùng bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa. Cao Hành Kiện đã thực hiện một chuyến đi xuyên không gian, từ những huyền thoại, từ những di tích văn hóa cổ, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tàng văn hóa, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng… để viết lên một tác phẩm đậm chất văn hóa và giàu bản sắc dân tộc.

Thông qua sự dịch chuyển không gian, hành trình của Cao Hành Kiện đã củng cố thêm vốn hiểu biết phong phú, cùng những suy ngẫm riêng của tác giả đối với nền văn hóa truyền thống Trung Hoa. Cao Hành Kiện cũng cho ta thấy những huyền thoại và truyền thuyết Trung Hoa rất phong phú và có nhiều dị bản khác nhau. Mặt khác ông cũng cho rằng một khi dân bản địa đã có ngôn ngữ riêng thì dân tộc đó hoàn toàn có nền văn hóa độc đáo của họ.

Trong bài “Đọc Linh Sơn của Cao Hành Kiện”, Trương Thái Du tương đối cực đoan khi cho rằng Linh Sơn: “lạc đường trong mặc cảm Ơ đíp văn hóa và Cao Hành Kiện đã oán thán Nữ Oa, quy kết Hạ Vũ rồi làm tình với chính mình để sinh ra Linh Sơn” [10]. Dù nói thế nào, Cao Hạnh Kiện vẫn có cách nhìn riêng về văn hóa, lịch sử: “lịch sử có thể hiểu nó như thế nào cũng được, và cái ấy mới thật sự là một phát kiến vĩ đại” (chương 71).

72

Có thể nói, con người và không gian văn hóa Bắc – Nam từ thần thoại, truyền thuyết Nữ Oa, Nghiêu Thuấn đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc Hán. Sự mở rộng không gian của Cao Hành Kiện đến những vùng văn hóa phía sông Dương Tử đã tạo nên một sự nối kết dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc giữa phương bắc và phương nam, giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số.

Nhà văn không ngừng củng cố kiến thức lịch sử văn hóa từ những di sản văn hóa vật thể trong các viện bảo tàng, các khu bảo tồn thiên nhiên miền núi; mặt khác làm nổi bật những di sản văn hóa phi vật thể còn âm ỷ chảy trong tiềm thức của con người hiện đại. Nghĩa là truyền thống văn hóa từ thời cổ vẫn còn lưu truyền trong dân gian, dù mai một nhưng vẫn chảy trong huyết quản của người dân bản địa.

Trong hành trình ấy, nhà văn đã có điều kiện tiếp xúc với những huyền thoại và truyền thuyết văn hóa của dân tộc Hán cũng như vùng dân tộc thiểu số như Di, Mèo, Khương, Thổ Gia. Ngay từ chương 2, giữa các cao nguyên Tây Tạng và đồng bằng Tứ Xuyên, tại xứ sở dân tộc Khương, trong trung phần của núi Cùng Lai nhân vật đã chứng kiến sự tôn thờ lửa như một tàn dư của nền văn hóa khởi thủy của loài người: “Tổ tiên các dân tộc đều đã thờ lửa, cái mang đến cho họ văn minh ban đầu. Lửa là một vị thần. Ngồi trước lửa, hắn uống rượu nhưng trước khi nhấp, hắn nhúng một ngón tay vào trong bát rồi vẩy lên trên đống than hồng bắt đầu kêu xèo xèo và phì ra một làn khói lam…Ta dâng lễ này lên thần bếp vì nhờ ngài mà chúng ta có cái ăn cái uống”.[14, 23]. Không chỉ thế, rất nhiều truyền thuyết về các vị thần và ma quái còn lưu lại trong tiềm thức văn hóa của dân tộc được nhà văn tái hiện. Như thần lửa Chu Dung (chương 34), Những điệu nhảy, lời ca, hoạt động tế lễ của các dân tộc còn duy trì trong đời sống sinh hoạt của dân bản xứ như điệu nhảy Ca Trang của dân tộc Khương (chương 2). Những nghệ nhân thuyết thư trong thị trấn Ô Y (chương 5), bài Cổ Bồn Ca trong trại các dân tộc Di và được các đạo sĩ hát để gọi hồn người quá cố vẫn lưu hành tại Giang Lăng đất cũ của người nước Sở

73

(chương 20), hay “Lời Tế Trống” của những người Mèo (chương 41)... Có thể nói, những di sản văn hóa truyền thống độc đáo và thú vị đã mai một đi nhiều do hoạt động kiểm soát của cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc đương thời, tuy nhiên Cao Hành Kiện vẫn cho ta thấy được sức sống âm ỉ của dòng văn hóa truyền thống trong tiềm thức mỗi dân tộc bản địa.

Sự bén rễ và ăn sâu của tôn giáo vào trong đời sống tinh thần của dân tộc cũng được nhà văn thể hiện một cách trang trọng và tinh tế. Đặc biệt là sự xâm nhập của Phật Giáo và Đạo giáo đến tín ngưỡng và truyền thống văn hóa dân gian. Trong tập tiểu luận của mình Cao Hành Kiện cho rằng những không gian tôn giáo luôn mang tính độc lập và không đi trước quyền lực chính trị, cũng không ngăn cản sự phát triển của văn hóa Trung Quốc [34, 68].

Không gian tôn giáo tín ngưỡng với những nghi thức tế lễ đã đem con người xích lại gần với các cõi giới cao siêu. Thông qua đó thể hiện những ước mong về một cuộc sống thái bình, hạnh phúc và phát đạt. Đó là không gian trang nghiêm thanh tịnh của Phật giáo gắn với các vị trụ trì, những nhà sư thoát tục; là không gian Đạo giáo gắn với những bậc đạo sĩ chính thống hay những đạo sĩ dân gian đóng vai trò là pháp sư. Nếu như không gian tôn giáo chính thống trang nghiêm, thanh tịnh thì những không gian Đạo Giáo và Phật giáo đã có xu hướng hòa trộn vào nhau và cùng tồn trại trong tín ngưỡng dân gian (chương 14).

Đạo giáo chính thống đã hóa thân vào đời sống dân gian một cách tự nhiên không mang tính kinh điển cũng như hình thức lễ nghi chính thống. Ta có thể thấy ở chương 49 hình tượng người đạo sĩ già và các con của ông múa hát trong đám đông chen lấn xô đẩy để thấy vai trò quý báu của văn hóa dân gian: “các người con trai ông mang chiêng, trống, não bạt đến, một cái chiêng bé và một cái chiêng to móc vào giá gỗ… Ông đã thay đổi hẳn cốt cách, mặc đạo bào, áo dài cũ màu tím của đạo sĩ, áo vá và có trang trí hình cá âm dương

74

cùng những bát quái… Người làng đủ lứa tuổi được chiêng trống đánh thức dậy đang chen nhau ở bậc cửa. Khung cảnh biến thành một buổi lễ náo nhiệt.”[14, 417].

Từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng phong phú, nhiều màu sắc phần nào cho ta thấy nền văn hóa Trung Quốc thật rộng lớn, muôn hình muôn vẻ. Bằng giọng điệu trần thuật khách quan, Cao Hành Kiện xem đại cách mạng văn hóa là nguyên nhân gây hại đến vốn văn hóa phong phú và giàu có của Trung Hoa. Tác phẩm ngầm kêu gọi tinh thần bảo vệ văn hóa truyền thống dân gian và tạo điều kiện lưu giữ và phát triển văn hóa theo từng phương thức phù hợp.

Một phần của tài liệu Dịch chuyển không gian trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện (Trang 69)