Trạng thái chiếm lĩnh trong không gian vật lí

Một phần của tài liệu Dịch chuyển không gian trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện (Trang 46)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Trạng thái chiếm lĩnh trong không gian vật lí

Trong Tây Du Ký, mỗi lần xin “ấn thông hành” từ Đại Đường đến Tây Trúc là một lần chiếm lĩnh không gian của thầy trò Đường Tăng. Sự chiếm lĩnh không gian được thể hiện về mặt địa lý: hiểu rất rõ về địa hình sông, núi và hoạt động của yêu quái; về mặt tinh thần: giải quyết triệt để những nỗi khổ niềm đau mà nhân dân bản xứ phải chịu đựng do yêu ma, quỷ quái hay bá đạo hoành hành... Chẳng hạn, khi qua núi Hỏa Diệm với lửa cháy bừng bừng Tôn Ngộ Không đã chiếm lĩnh được không gian này bằng việc dùng quạt ba tiêu để dập tắt Hỏa Diệm Sơn. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thì việc chiếm lĩnh không gian còn thể hiện thông qua việc Lưu Bị chiếm thành Tây Xuyên, Tư

47

Mã Ý bị Gia Cát dồn vào hang Hồ Lô… Do đó, sự chiếm lĩnh không gian còn được hiểu là một rạng thái vượt qua chướng ngại và làm chủ không gian vật lý trong một thời điểm nhất định. Có thể nói sự chiếm lĩnh không gian là một motif khá phổ biến và tiêu biểu trong văn học du ký, trong tiểu thuyết thần ma, dã sử, kiếm hiệp thậm chí trong thơ.

Không gian hiện thực trong tiểu thuyết Linh Sơn chủ yếu gắn với người kể chuyện ngôi thứ nhất, không gian điểm luôn được định vị một cách cụ thể.

Nhân vật đã chiếm lĩnh không gian núi non hiểm trở bằng phương thức chinh phục độ cao của rất nhiều núi non trong hành trình của mình. Trong thực tế, núi rừng và hang động là không gian chủ đạo của toàn tác phẩm. Không gian núi non trùng điệp không chỉ hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, mĩ lệ mà đặc biệt tạo cảm giác thiêng liêng khi xuất hiện rất nhiều chùa chiền, đền miếu gắn với Phật giáo, Đạo giáo cùng những tín ngưỡng dân gian của các dân tộc bản địa. Không gian rừng núi trong mối tương quan với những vị thiền sư, đạo sĩ… tạo cho không gian tôn giáo một màu sắc u huyền, linh thiêng bí ẩn.

Không gian rừng núi cũng chính là nơi chứa đựng những cạm bẫy nguy hiểm “rừng thiêng nước độc” hay yêu ma quỷ quái, trùng độc rắn rết, thú dữ làm hại đến con người… Rừng núi ở trong trạng thái nguyên sinh vừa mang vẻ đẹp mĩ lệ, tinh khiết vừa chứa đựng rất nhiều hiểm nguy và lo ngại đối với đời sống con người. Đó cũng là không gian gắn với những truyền thuyết và huyền thoại diệu kỳ trong tiểu thuyết Linh Sơn. Đó là không gian núi với: ngọn núi Nhật Phong tương truyền là nơi Hồng Hài Nhi xuất hiện (chương 34), là hang động của Thạch lão gia – một thần nhân trong truyền thuyết của dân tộc Khương ở trung phần của núi Cùng Lai (chương 2), các vùng núi miền nam An Huy, núi Phạn Tịnh và vào dãy núi Vũ Di (chương 30, 65), dãy

48

núi Ngũ Lĩnh ở địa đầu bốn tỉnh Qúy Châu, Tứ Xuyên, Hồ Bắc và Hồ Nam (chương 39), núi Võ Đang (chương 65), dãy Đại Tuyết Sơn (chương 80) …

Theo từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: “núi là một biểu tượng của cái siêu tại, siêu phàm với tính cách là trung tâm của những hiện tượng hiển linh trong khí quyển và rất nhiều sự tích thần hiện” [33, 699]. Cũng trong lịch sử văn hóa phương đông và trong tôn giáo thế giới, núi rừng thường là nơi các khất sĩ, bậc tu hành lựa chọn tìm đến để tu tập. Không gian núi cao gần với quan niệm về sự siêu thoát thành đạo.

Núi rừng, hang động gắn với đền miếu xuất hiện dày đặc trong 9 chương của cuốn tiểu thuyết gắn với cả người kể chuyện ngôi thứ nhất và thứ hai. Miền núi, vùng dân tộc ít người nơi nhân vật đi qua chính là không gian bao quát chứa đựng những không gian nhỏ. 25 lần nhân vật dịch chuyển lên không gian núi cao đồng thời cũng là khám phá những khe núi, hang động bí ẩn hay là những khu rừng nguyên sinh trên núi, những vách đá dựng đứng …

Núi non gắn với sự mở rộng không gian lên cao, với tư thế “đăng cao” khiến con người dễ tiếp cận với cái bao quát, cái khí khái thanh thoát, hào sảng rộng mở trong tâm hồn. “Núi sâu tịch lịch đạo tâm sinh” (Trương Duyệt). Hành trình lên núi cao cũng có khi là cảm khái nhớ quê hương như trong thơ Liễu Tông Nguyên (773-819), là cảm xúc hào sảng mang tầm vũ trụ của con người trong thơ Lí Bạch (701- 762)… Có thể nói những bậc thiền nhân và hiền nhân thường thiết tha với cảnh lặng, người nhàn gần gũi với đại ngộ về tính không.

Tư thế đăng cao vốn là một phương thức chiếm lĩnh không gian vật lí và tâm hồn quen thuộc trong văn học. Nhân vật đã đạt được trạng thái “leo lên đỉnh một quả núi” (chương 74), với độ cao 2500m ở trại quan sát gấu trúc (chương 6), trong độ cao 3200m trên dãy núi Ngũ Lĩnh (chương 39) hay trên đường đi Tây Tạng ở độ cao 4000m so với mực nước biển nhân vật sưởi ấm

49

cùng kíp công nhân cầu đường (chương 64)… Có thể nói bằng phương thức đăng cao, nhân vật đã chiếm lĩnh độ cao và chiếm lĩnh không gian quan sát.

Bên cạnh không gian núi cao đem lại cái nhìn thoáng rộng và siêu thoát theo hướng mở rộng lên cao thì sông hồ là không gian dưới thấp. Rất nhiều con sông nổi tiếng xuất hiện trong hành trình của nhân vật như sông Trường Giang, Hoàng Hà, Cẩm Giang, Ngân Giang… Dòng sông như là “biểu tượng cho sự lưu chuyển dưới mọi dạng thể, của cái chết và sự đổi mới”[33, 41]. Bên cạnh đó, không gian “dòng sông quên lú” là không gian tâm lí, kỳ ảo được thể hiện với tần số cao trong chương 66. Đó là dòng sông quên lú với những xác chết trôi nổi trong giấc mơ của nhân vật như dòng xoáy của cuộc đời đầy những bất ổn.

Trong 81 chương của tác phẩm, 25 chương nhân vật có sự chủ động chiếm lĩnh độ cao của rừng núi và 15 chương dịch chuyển theo hướng của sông nước. Đặc biệt nếu như hành trình của ta là chiếm lĩnh không gian sừng sững, bất động trên cao thì hành trình của mi chủ yếu gắn với không gian chảy trôi của sông nước xuống thấp. Dòng sông chính là không gian của sự chảy trôi, không gian của sự buông bỏ hay là một trạng thái mất kiểm soát của con người trong không gian. Cao Hành Kiện cho rằng kỹ thuật dòng ý thức cũng như một dòng sông, ông viết: “tư tưởng và tình cảm, ý thức và vô thức, lí trí và những rung đ ộng, kích thích cùng dục vọng và sự buông thả , v.v... giống một dòng sông u tối. Từ khi sinh ra đến khi chết đi dòng sông đó chảy hoài không c ạn, thậm chí ngay cả lúc ta ngủ say, dòng chảy đó cũng khó lòng mà gián đoạn . Còn hoạt động tư duy lí tính c ủa con người chẳng qua chỉ như là những ngo ̣n đèn làm dấu chỉ đường cho thuyền bè trên dòng sông u tối ấy.” [16].

Có thể nói “sự chảy xuôi của dòng nước về đại dương là sự trở về với trạng thái bất phân, là lối vào của Niết Bàn” [33, 41]. Dòng sông vẫn chảy

50

mãi không dừng, đó còn là Độ không của lối viết, mênh mang không bờ bến, đó còn là dòng chảy của thời gian, là sự chìm nổi trong vô minh, địa ngục: “Mi ngập sâu vào giữa dòng sông Quên lú, cỏ nước ôm quấn lấy mi như những lo toan phiền não của cuộc đời. Lúc đó nỗi tuyệt vọng lìa bỏ mi hoàn toàn và mi dò dẫm đi trên bờ nước. Mi giẫm vào các hòn cuội mà mi quặp lấy bằng các ngón chân. Nó tựa như mi đi trong mơ ở giữa con sông đen địa ngục; một ánh áng xanh đen lóe lên ở nơi các giọt nước bắn tung tóe”. Hay “Dòng sông chảy giữa khu rừng đen tối như mực tạo thành một tấm màn che kín mít trước bầu trời và mặt trời; những người đàn bà chết đuối chạm quệt vào mi và thở dài, mi chẳng thiết bỏ trốn (chương 66). Dòng sông quên lú chính là sự trở về, là cái chết: “ trong dòng sông quên lú tất cả đều là bình đẳng, nơi đến cuối cùng của người và sói luôn là cái chết”.

Đối lập với tư thế chủ động chiếm lĩnh không gian là trạng thái bị động với motif đi lạc thể hiện sự bí ẩn và rộng lớn của không gian thiên nhiên trong trạng thái tịch mịch và nguyên sinh của rừng núi. Trong 5 chương (chương 10, 16, 18, 35, 65) nhât vật đã thể hiện nỗi sợ hãi mất phương hướng trong không gian của rừng nguyên sinh: “ trong rừng cây thủy sam dựng lên đến một chiều cao chóng mặt ở hai bên, bóng tối hoàn toàn đặc sệt đến mức nó tạo thành một bức tường dầy mà người ta có cơ va phải nếu đi lên một bước. Ta quay lại một cách bản năng” (chương 16). Rừng tượng trưng cho vô thức bở sự tối tăm mà đối diện với nó khơi dậy trong con người nỗi sợ hãi bóng tối, cái chết và hư vô. Lạc hướng trong không rừng nguyên sinh cũng là sự lạc lối trong tâm hồn con người không ngừng do dự, luôn luôn hoài nghi về cuộc đời. Motif đi lạc còn là sự bủa vây của nỗi sợ hãi và bóng tối mang tính bản năng: “Ta nhìn lên cao: một hình thù khổng lồ đen ngòm dựng vào bầu trời, ta khiếp đảm… hay “dưới những móng vuốt to tướng của con ma núi hung dữ này, ta ngộp thở” [14, 152].

51

Nếu không gian và tư thế đăng cao gợi cảm giác thoát tục, an lạc, siêu phàm thì sự lạc lối trong không gian khơi dậy nỗi sợ hãi bản năng cố hữu. Đối diện với rừng sâu núi cao, Cao Hành Kiện lại một lần nữa được đối diện và suy nghiệm về lẽ nhân sinh, về sự chảy trôi đưa đẩy của cuộc đời trong vòng xoáy của xã hội. Câu chuyện Người rừng ở chương 61 làm ta nhớ đến Sống Mà Nhớ Lấy của Valentin Rasputin, Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh… tất cả sự lạc lối này xuất phát từ một hoàn cảnh nhất định. Còn trong Linh Sơn,

Người rừng là hiện thân của nỗi sợ hãi xuất phát từ cuộc đại cách mạng văn hóa với những bi kịch to lớn gắn với người tri thức.

Một phần của tài liệu Dịch chuyển không gian trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)