Phong tục tập quán tiêu biểu

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 36)

Nghệ An là vùng đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nắng gắt, gió lào, bão lũ thiên tai, mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt…cho nên cuộc sống con người nơi đây khó khăn, vất vả hơn các vùng miền khác. Nhưng cũng vì lý do đó nên con người nơi đây sống lam lũ, chịu thương, chịu khó và có sức sống mãnh liệt vươn lên khó khăn. Người Nghệ có tính cộng đồng cao, các phong tục tập quán tốt đẹp như: truyền thống yêu nước, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống khoa bảng...

Tính cách và phong cách của con người Nghệ An có ba loại: Một kẻ bình dân khố chạc (tiếng địa phương là khố dây, chỉ hạng người cùng cực). Một con người chữ nghĩa văn chương. Một chiến sĩ tiền phong cách mạng. Cả ba nhân vật đều có bốn đặc điểm chung nhau: Cái chất lý tưởng trong tâm hồn. Sự trung kiên trong bản chất. Sự khắc khổ trong sinh hoạt. Sự cứng cỏi trong giao lưu. Vì điều kiện đời

sống sinh hoạt khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng thiên tai bão lụt, đất đai khô cằn, cuộc sống khó khăn cho nên người Nghệ xưa có sự tích “cá gỗ” và khẩu vị ăn thường ăn mặn, cay, uống nước chè chát, tính cách thì có phần “gàn”. Trong sinh hoạt gia đình và mối quan hệ trong gia đình người Nghệ giống phong tục miền Bắc, thường coi trọng nam giới, người chồng là chủ gia đình, có tính cách gia trưởng, phụ nữ đa số là lam lũ chịu thương chịu khó chăm sóc gia đình. Quan hệ con người trong làng xóm, gia đình, họ hàng, tổ chức xã hội có ảnh hưởng nhiều của Nho giáo. Trong giao tiếp ứng xử người Nghệ coi trọng tính cộng đồng, hiếu khách, “làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhìn chung phong tục tập quán của người Nghệ An về tục cưới hỏi, ma chay, thờ phụng tổ tiên, chăm sóc mồ mả ông bà tổ tiên, lễ tết, hội hè, truyền thống gia đình cũng tương tự những phong tục của người dân miền đồng bằng Bắc Bộ. Người Nghệ xưa ưa tính cộng đồng làng xã, tạo nên tổ chức cộng đồng chặt chẽ, mỗi làng xã là một vùng kinh tế có đủ các thành phần như nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thương buôn bán. Tuy nhiên kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, làng xã có tục lệ riêng, có thờ thành hoàng và những người anh hùng có công xây dựng bảo vệ tổ quốc, mỗi vùng có lễ hội riêng, nhân dân cùng nhau tụ tập tổ chức tham gia lễ hội và tập trung ở các đình làng, đền chùa miếu mạo, nhà thờ lớn của làng. Đến nay văn hóa làng xã vẫn có nhiều ảnh hưởng tới suy nghĩ và cuộc sống con người nơi đây nhưng với thời kinh tế mở cửa con người đang dần thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện đại.

Người Nghệ An có truyền thống hiếu học, ham học, coi trọng thi cử và từ xưa đến nay cống hiến rất nhiều hiền tài cho đất nước, cùng với anh em cả nước chung lưng đấu cật xây dựng và bảo vệ tổ quốc trước mọi họa xâm lăng của các đế quốc hùng mạnh. Với tinh thần đoàn kết, chịu khổ chứ không chịu nhục cùng nhau đấu tranh cống hiến hết mình cho tổ quốc được độc lập tự do, xây dựng truyền thống tốt đẹp làm tấm gương đạo đức cho con cháu ngày sau noi theo. Ngày nay khi đất

nước được hòa bình Đảng và nhân dân cùng nhau đoàn kết hoàn thiện và xây dựng xã hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp, giàu mạnh…

Một số huyện miền núi phía Tây Nghệ An với nhiều các dân tộc thiểu số anh em cùng nhau sinh sống như: Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ đu, Tày Poọng(Thổ)…tạo nên nền văn hóa đa dạng về bản sắc từ các phong tục tập quán sinh hoạt hằng ngày cho đến các tập tục ma chay, cưới hỏi, kiến trúc nhà ở, trang phục, món ăn. Các tộc người có địa bàn cư trú riêng, sống theo nhiều làng bản dọc các thung lũng núi đồi, khe suối, có tập tục, quan niệm về tổ chức xã hội khác nhau, tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng gắn liền với kho tàng văn học dân gian về các vị thần, về câu chuyện cuộc sống xa xưa của tổ tiên dân tộc họ đầy màu sắc sử thi và huyền bí.

Dân tộc Thái Nghệ An hiện có khoảng 285.000 người chiếm 72% thành phần các dân tộc sinh sống nơi đây gồm các nhóm: Tày Mường, Tày Thanh lưu trú rải rác trên chín huyện miền núi. Có nguồn gốc di cư từ Lào, Trung Quốc cách đây khoảng 500 năm, họ sử dụng tiếng Tày – Thái hiện nay có nguy cơ mai một, họ có chữ viết thể hiện trên giấy gió, lá cây. Họ hiện giữ tập tục, tín ngưỡng, kho tàng sử thi, truyện thơ, gia phả, ca dao, tục ngữ…văn hóa khá đa dạng phong phú.

Dân tộc Thổ Nghệ An còn có tên gọi là dân tộc Mường(tiền Việt Mường) gồm các nhóm: Mọn (sống ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp), Kẹo (ở Nghĩa Đàn), Cuối (Tân Kỳ), Đan Lai, Lý Hà, Tày Poọng (Tương Dương). Trong đó nhóm người Mường có nguồn gốc từ Thanh Hóa, còn nhóm tiền Việt Mường là người bản địa sống ở các vùng đồng bằng di cư lên miền núi. Hiện nay có khoảng 63.000 người, tiếng Thổ thuộc ngữ hệ Việt Mường, họ nói tiếng dân tộc mình và tiếng Thái và có đời sống văn hóa, tín ngưỡng, kho tàng dân gian khá phong phú.

Dân tộc H’Mông còn có tên là dân tộc Mèo gồm hai nhóm là H’Mông trắng, H’Mông đen có khoảng 29.000 người, có nguồn gốc từ Trung Quốc di cư sang Việt Nam khoảng 300 năm trước, sinh sống chủ yếu ở ba huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Họ sống ở trong nhà trệt bằng gỗ, sống thành các bản nhỏ ở

vùng núi cao, gần biên giới Việt Lào. Tiếng H’Mông thuộc hệ ngôn ngữ Mông – Dao. Hok tin thờ trời đất, thần linh và nhiều loại ma theo thuyết vạn vật hữu linh, họ có các tục lệ ma chay, lễ tết, chợ phiên, tổ chức các lễ hội với các trò chơi dân gian bản địa, điệu nhảy, câu hát sôi nổi, chế tạo các nhạc cụ và các nghề thủ công truyền thống như dệt, thêu, nhuộm, in sáp, rèn sắt…

Dân tộc Khơ Mú: có khoảng 30.000 người, có nguồn gốc từ Thượng Lào di cư đến Nghệ An cách đây khoảng 300 năm sinh sống ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Họ sống trong nhà sàn cột đơn giản, thành các bản nhỏ giữa rẻo đất cao trong thung lũng, núi đồi thấp. Tiếng nói thuộc ngữ hệ Môn – Khơ me và không có chữ viết riêng. Họ tin thờ các con thú, trời, đất, thần linh. Có các lễ, hội hàng năm và lưu giữ các truyện thơ kể sự tích bản mường, lao động sản xuất, tình yêu nam nữ. Có làn điệu hát Tơm, chế tạo sử dụng các nhạc cụ và các kinh nghiệm về đan lát sản phẩm mây, tre, nứa, giang…rất nổi tiếng.

Dân tộc Ơ đu có trên 530 người, có nguồn gốc từ Lào di cư sang Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở hai bản Xốp Pột xã Kim Hòa và bản Com xã Kim Đa huyện Tương Dương. Tiếng Ơ đu thuộc ngữ hệ Môn – Khơ me, hiện nay chỉ có người già mới biết tiếng dân tộc mình, họ chủ yếu dùng tiếng Thái, Kh mú và tiếng Kinh, họ không có chữ viết riêng. Họ tin thờ nhiều loại ma, thần theo thuyết vạn vật hữu linh chi phối các hoạt động con người. Họ có tục cưới vợ cho người chết, người bị hổ vồ được cho là do Then bắt làm người hầu, tục ở rể, tục lại mặt, tục nộp tiền Kl ây cho cha mẹ vợ, tục dâng món thịt sóc khô, cá ướp muối, tục đổi tên theo họ vợ khi ở rể. Họ cho rằng linh hồn ở đỉnh đầu và thân xác nên tránh xoa đầu trẻ con. Hàng năm họ tập trung tại bản Xốp Pột làm lễ cúng trời đất, đón sấm, tổ chức lễ hội và các trò chơi dân gian của dân tộc mình.

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 36)