Lao động trong du lịch văn hóa tỉnh Nghệ An

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 67)

Lao động trong ngành du lịch bao gồm hai loại trực tiếp và gián tiếp. Theo số liệu của Sở văn hóa thể thao và du lịch Nghệ An, năm 2007 có 4.524 lao động, năm 2008 có 4.777 lao động. Trong cơ cấu lao động tỉ lệ lao động nữ chiếm 45%, còn lại lao động nam chiếm 55%. Lao động thường xuyên chiếm 55%, lao động thời vụ chiếm 45%. Lao động chủ yếu tập trung tại hai trung tâm du lịch lớn của cả tỉnh, phần lớn tập trung ở thị xã Cửa Lò, sau đó đến thành phố Vinh, số ít tập trung tại các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Số lượng lao động tại các cơ sở lưu trú trong toàn tỉnh năm 2008 có 5.137 lao động, trong đó thị xã Cửa Lò có 2.411 lao động, thành phố Vinh 2.071 lao động, còn các huyện có 655 lao động.

Trình độ lao động theo thống kê có 03 người trình độ trên đại học chiếm 0,1%, trình độ đại học và cao đẳng có 318 người chiếm 14,4%, trình độ trung cấp có 1.139 người chiếm 42,9%, sơ cấp là 678 người chiếm 25,5%, lao động phổ thông là 453 người chiếm 17,1% tổng số lao động thường xuyên.

Nguồn nhân lực nhìn chung thiếu và yếu về nhân lực có chất lượng, có chuyên môn nghiệp vụ cho nên ảnh hưởng lớn tới chất lượng của dịch vụ du lịch của toàn tỉnh. Những lao động có chuyên môn, đào tạo chuyên sâu về du lịch còn chiếm khá ít và chủ yếu tập trung ở một số khách sạn lớn, có thứ hạng cao của thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Phần lớn các khách sạn, nhà nghỉ trên toàn tỉnh

đặc biệt là ở thị xã Cửa Lò có nhiều mô hình kinh doanh cơ sở lưu trú gia đình, sử dụng vốn cá nhân đầu tư kinh doanh nhỏ lẻ và cùng với mọi người trong gia đình trực tiếp phục vụ khách cho nên hầu như họ không được qua đào tạo về quản lý kinh doanh khách sạn. Lao động phục vụ cũng chung tình trạng tương tự cho nên mọi yếu tố cấu thành sản phẩm có chất lượng không cao. Ngoài ra du lịch tại Cửa Lò còn có ảnh hưởng của tính mùa vụ, vào mùa du lịch từ cuối tháng tư cho đến đầu tháng chín dương lịch lượng khách đến du lịch văn hóa biển rất đông, có những thời điểm xảy ra tình trạng quá tải. Cho nên nhu cầu thu hút lượng lớn lao động thời vụ làm việc cho các cơ sở kinh doanh nơi đây, số lượng lao động này chủ yếu là lao động phổ thông, có những trường hợp lao động có độ tuổi từ 13 tuổi trở lên cũng tham gia phục vụ tại một số nhà hàng dọc bãi biển, hay những lao động vừa tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Những lao động này chủ yếu không qua đào tạo bất cứ trường lớp nào, không có chuyên môn và nghiệp vụ về phục vụ buồng, lễ tân, bàn, bar, bếp…Họ đến tham gia vào lao động phục vụ khách du lịch trong mùa du lịch, sau đó họ lại trở về làm ruộng hoặc những ngành nghề khác.

Tình trạng chất lượng hướng dẫn viên du lịch làm việc tại các trung tâm, công ty lữ hành cũng có nhiều những vấn đề bất cập. Số lượng hướng dẫn viên không nhiều đặc biệt hướng dẫn viên khách du lịch quốc tế, chất lượng khả năng của hướng dẫn viên còn nhiều hạn chế. Một số công ty lữ hành tại Nghệ An tuyển hướng dẫn viên còn chú trọng về hình thức mà bỏ qua các yêu cầu cần thiết khác như các kỹ năng xã hội, kiến thức lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ…cho nên họ không đảm nhiệm được hết các công việc của mình, thay vì giới thiệu và hướng dẫn cho du khách về lịch sử đất nước, truyền sống dân tộc, phong tục tập quán, cảnh quan, con người tạo sức hấp dẫn cho chương trình du lịch thì họ chỉ làm được công việc dẫn đường, lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho du khách. Số lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ rất ít ỏi chỉ tập trung ở các công ty lữ hành như công ty lữ hành du lịch khách sạn Phương Đông, công ty lữ hành khách sạn Sài Gòn – Kim Liên, công ty lữ hành

khách sạn Hữu Nghị. Những công ty này mới có đủ điều kiện để điều hành các tuor du lịch bán cho khách quốc tế, một số công ty khác thì không đủ điều kiện cấp thẻ hướng dẫn thì họ lại liên kết với một số công ty lữ hành ở các tỉnh lân cận hoặc thuê các hướng dẫn được cấp thẻ từ nơi khác về để đáp ứng nhu cầu du lịch của khách du lịch nội địa đi quốc tế và khách du lịch quốc tế vào Nghệ An.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có một số trung tâm đào tạo nghề và các trường đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành du lịch nhưng số lượng chưa nhiều, một số trường không liên kết đào tạo với Tổng cục du lịch cho nên học viên ra trường gặp khó khăn trong quá trình cấp thẻ hành nghề. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo còn nặng về lý thuyết, việc thực hành trên thực tế còn nhiều hạn chế. Các trường đào tạo chưa có liên kết sâu với các công ty, cơ sở kinh doanh du lịch, hiệp hội du lịch Nghệ An để tạo cho sinh viên được tiếp xúc trực tiếp, trải nghiệm với công việc, qua đó thu hút tinh thần ham học hỏi và kiến thức từ thực tế cho sinh viên. Tại một số khách sạn, công ty du lịch lớn, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho lao động khá tốt, các chế độ lao động, lương thưởng cho nhân viên đầy đủ, ổn định nên thu hút lao động và yêu cầu chất lượng lao động cao. Ngược lại phần đông các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú và các dịch vụ khác chạy theo lợi nhuận, doanh thu cho nên họ không tạo điều kiện cho lao động học thêm để nâng cao tay nghề. Một lý do nữa mà các công ty du lịch không tạo điều kiện cho lao động đó là do nhận thức của một số lao động không làm việc ổn định tại các cơ sở mà cũng muốn tìm đến các cơ sở có ưu đãi tốt hơn cho nên phía các công ty họ không muốn đầu tư cho lao động học tập nâng cao tay nghề, vì tốn kém về tài chính và công sức đào tạo mà lao động cũng không gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có số lượng đông đảo các lao động gián tiếp cung cấp các dịch vụ bổ sung khác thuộc các ngành nghề khác nhau cung ứng các dịch vụ cho du khách và các lao động làm việc tại các điểm, các di tích và tại nơi diễn ra các hoạt động du lịch văn hóa. Nhìn chung hoạt động buôn bán, cung ứng dịch vụ chủ

yếu tập trung tại các điểm du lịch trung tâm thuộc Nam Đàn, Vinh, Cửa Lò và một số các cơ sở dọc các tuyến đường giao thông liên tỉnh, kinh doanh nhỏ lẻ ở các huyện thị. Nhưng ý thức kinh doanh của một số người dân, lao động chưa cao cho nên thái độ phục vụ khách du lịch không nồng nhiệt, tạo những ấn tượng không hay cho các du khách. Tuy nhiên, tại các điểm du lịch trung tâm trong tỉnh như khu du lịch Kim Liên – Nam Đàn, đội ngũ cán bộ và công nhân viên tổ chức, hoạt động bảo tồn, bảo vệ, đón tiếp khách rất tốt. Hướng dẫn viên giới thiệu về con người, cuộc đời, gia đình, cảnh quan toàn thể các di tích trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hay, giọng nói truyền cảm, xúc động làm lay động tâm hồn của du khách. Du khách đến với nơi đây không ít người đã rơi lệ, cảm kích trước cuộc đời, con người của Bác Hồ. Đội ngũ hướng dẫn viên được chọn lựa kỹ càng về hình thức, năng khiếu, được đào tạo bài bản. Nhân viên làm việc tại các khu bảo tàng, các cửa hàng lưu niệm và các khu dịch vụ khác khá nhiệt tình, nồng hậu nhằm tạo những ấn tượng tốt trên quê hương Bác Hồ. Hoặc tại thành phố Vinh, các điểm du lịch lớn cũng có đội ngũ nhân viên khá nhiệt tình, nồng hậu với du khách, đa số dân cư địa phương tại các điểm du lịch văn hóa trong tỉnh thường rất mến khách, sống chất phác, thật thà. Các doanh nghiệp du lịch tại Vinh và Cửa Lò có sự cạnh tranh nhau về chất lượng và thương hiệu cho nên họ luôn phát triển năng lực, thái độ phục vụ du khách của nhân viên nhằm tạo ra các loại sản phẩm dịch vụ chất lượng cao vừa thu hút khách, vừa mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Nghệ An đã thành lập được Hiệp hội du lịch Nghệ An nhằm nâng cao chất lượng lao động cũng như chất lượng các sản phẩm dịch vụ cung ứng. Nhiều cơ quan ban ngành, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp bước đầu liên kết và đã có những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề cho lao động, khuyến khích việc học tập, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên giúp họ nâng cao tay nghề và tinh thần hăng say làm việc, gắn bó yêu nghề.

Nhìn chung bên cạnh những tồn tại về các vấn đề của lao động phục vụ trong ngành du lịch, toàn tỉnh đã luôn nỗ lực khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ khách du lịch. Chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ du khách của đội ngũ lao động, công nhân viên chức ngày càng được cải thiện rõ rệt, điều đó thể hiện qua sự khen ngợi, yêu mến của du khách trong và ngoài nước đối với nơi đây. Có rất nhiều du khách từ các cơ quan, đoàn thể trên nhiều vùng miền khác nhau đã trở lại sử dụng các dịch vụ và tiếp tục tham quan tìm hiểu các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa của Nghệ An, ví dụ như thị xã Cửa Lò hàng năm đón khá nhiều du khách du lịch miền Bắc, nhiều nhất là du khách của thành phố Hà Nội về nghỉ biển và tham quan, thưởng thức các sản phẩm du lịch văn hóa địa phương.

Ngành du lịch Nghệ An cần phải nỗ lực nhiều trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ cũng như thái độ phục vụ và văn hóa trong kinh doanh du lịch nhằm tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao thu hút khách du lịch và hướng tới phát triển du lịch văn hóa Nghệ An. Bởi nhân lực là yếu tố quan trọng, là trung tâm của mọi vấn đề. Phát triển năng lực của con người là việc sống còn của doanh nghiệp, họ là những đối tượng tham gia trực tiếp phục vụ khách du lịch, là người cung cấp cuối cùng các dịch vụ cho du khách…Ngành du lịch Nghệ An cần phải phối hợp các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch nhằm bồi dưỡng đào tạo nâng cao tay nghề, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người lao động trong công việc, đề cao văn hóa trong kinh doanh du lịch cũng như văn hóa ứng xử trong kinh doanh và với môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn. Như vậy mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển bền vững được.

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 67)