Giải pháp về phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ cho du lịch văn hoá Nghệ An

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 112)

du lịch văn hoá Nghệ An

Phát triển hệ thống giao thông liên tỉnh tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Cụ thể như: nâng cấp, mở rộng các đường quốc lộ 1A, quốc lộ số 7, 48, 49, 15A. Hoàn thiện quy hoạch hai bên đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh, hoàn thành tuyến quốc lộ 15 nối 17, 48 và đoạn 48 từ huyện Quế Phong lên cửa khẩu Thông Thụ. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên huyện, liên xã, thôn nhằm phục vụ khai thác tiềm năng du lịch văn hóa. Xây dựng tuyến đường quốc phòng nối liền các huyện miền Tây Nghệ An, tuyến đường ven biển Quỳnh Lưu và các điểm du lịch nổi trội.

Nâng cấp hệ thống đường tại Vinh, Cửa Lò, trang bị ánh sánh, cây xanh, vỉa hè, thông tin, cấp thoát nước tạo bộ mặt đô thị hiện đại nhằm thu hút khách. Hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy, cảng biển như sông Lam, Cửa Hội, kênh nhà Lê (Đô Lương), Cửa Lò, Bến Thủy. Nâng cấp sân bay Vinh theo Quy hoạch giai đoạn 2006 – 2015 đạt cấp Hàng không 4C đủ tiêu chuẩn đón các máy bay vận tải cỡ lớn, mở một số tuyến sang Viêng Chăn, Đông Bắc Thái Lan, đảo Hải Nam Trung Quốc nhằm thu hút khách quốc tế và khách nội địa. Bên cạnh đó nâng cấp khả năng cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc, cơ sở y tế cho các khu du lịch.

Tập trung đầu tư các dự án phát triển du lịch văn hóa vùng cửa khẩu biên giới, phục vụ cho hoạt động du lịch, thương mại tại các khu vực cửa khẩu gia tăng và hệ thống đường giao thông tới các cửa khẩu. Các dự án phát triển khu du lịch thương mại cửa khẩu bao gồm: Khu du lịch thương mại cửa khẩu Nậm Cắn – Kỳ Sơn. Khu du lịch thương mại cửa khẩu Thanh Thủy – Thanh Chương. Khu du lịch cửa khẩu Thông Thu – Quế Phong.

Nâng cấp chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đi kèm kiểm tra giám sát hoạt động. Khuyến khích đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở lưu trú, nhà hàng và khu vui chơi giải trí ở các huyện thị nhằm thay đổi bộ mặt đô thị và thu hút khách du lịch tới các điểm du lịch nơi đây hướng tới sự phát triển kinh tế toàn tỉnh. Bên cạnh đó tăng tính liên kết các cơ sở cung ứng dịch vụ với các nhà kinh doanh du lịch nhằm phong phú chuỗi phân phối sản phẩm dịch vụ bổ sung cho nhu cầu của du khách nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và chất lượng dịch vụ như hệ thống các cửa hàng lưu niệm, làng nghề truyền thống, trung tâm thương mại mua sắm, các loại dịch vụ khác.

Tại các trung tâm du lịch như thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật nên thu hút số lượng khách lớn cho nên cần phát huy điều đó và nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên và nhiều loại dịch vụ nhằm hướng tới khai thác thị trường khách quốc tế và những tập khách có khả năng chi trả cao. Còn ở các huyện thị ở vùng đồng bằng và đặc biệt các huyện miền núi phía Tây thì cần phải kêu gọi đầu tư của các nhà kinh tế nhằm xây dựng các hệ thống cơ sở vật chất như nhà hàng, khách sạn đủ tiêu chuẩn, các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, hệ thống giao thông, phương tiện đi lại bổ trợ cho các hoạt động tham quan du lịch. Cần phải có các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư ở các huyện thị như giảm thuế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích cho việc đầu tư…nhằm làm thay đổi bộ mặt đô thị ở nông thôn mới có khả năng thu hút phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 112)