Các làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 44)

Nghệ An từ thuở xa xưa cha ông đã phát triển nghề thủ công phục vụ cho đời sống như tạo các công cụ lao động sản xuất, các nhạc cụ, đồ tế, đúc chạm trổ trống đồng, đồ gốm sứ, đồ mộc… làm nên nền văn hóa Đông Sơn cùng các vùng miền khác trên cả nước. Sau này trải qua bao thời gian thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước, cuộc sống thay đổi theo nhu cầu của cuộc sống nhiều làng nghề xuất hiện rồi mất đi nhưng vẫn để lại những giá trị tinh thần và vật chất cho con cháu đời sau lưu giữ. Để phát huy tinh thần dân tộc cũng như giữ gìn các giá trị văn hóa và phát triển các làng nghề phục vụ cho nhu cầu đời sống mang lại hiệu quả kinh tế, tỉnh có các chủ trương đường lối chính sách để phục dựng khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống. Hiện nay sức sống của các làng nghề đang được xây dựng và tương lai sẽ đưa vào phục vụ du lịch nhằm quảng bá sản phẩm du lịch địa phương, phát triển kinh tế. Một số sản phẩm thủ công truyền thống như: đan nứa trúc ở Xuân Nha (Hưng Nguyên), rèn ở Nho Lâm (Diễn Châu), chạm trổ đá ở Diễn Bình ( Diễn Châu), dệt ở Phường Lịch (Diễn Châu), gốm gia dụng bằng tay và bàn xoan Viên Thành (Yên Thành), dệt thổ cẩm, thêu đan của đồng bào dân tộc Thái, Mường, H’mông…ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An.

Làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ, làng mây tre đan, dệt thổ cẩm, làng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ ở huyện Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Con Cuông. Hiện nay có nhiều làng nghề khuyến khích xây dựng, phục dựng đủ tiêu chí và được các sở ban ngành công nhận. Những làng nghề này tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả về kinh tế, tạo ra các sản phẩm cho con người, cho khách du lịch và xuất khẩu ra nước ngoài. Quan trọng nhất là lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống bản địa trên

các sản phẩm, lưu giữ những giá trị của cộng đồng làng xóm…đó là nguồn tài nguyên quý giá mà chúng ta để lại cho con cháu đời sau. Theo thống kê một số làng nghề đủ tiêu chuẩn như:

Về ngành mây tre đan có làng Phong Anh, Phong Cảng, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Làng Thái Thọ, Thái Lộc, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Làng Phú Liên, xã Quỳnh Long, Huyện Nghi Lộc. Làng Thọ Thành, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành.

Về ngành trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa có làng Kim Tân, huyện Diễn Châu. Làng Ngộc Sơn, huyện Đô Lương. Làng Khánh Sơn, Làng Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. Làng Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Làng Đăng Sơn, huyện Đô Lương.

Ngành dệt thổ cẩm của các huyện miền núi phía tây Nghệ An có làng Yên Thành, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông. Làng Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Làng Diềm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Làng Môn Sơn – Lục Dạ, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.

Ngành mộc dân dụng có làng Trung Kiên, huyện Nghi Lộc. Làng Chế Biến, xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn. Làng Quỳnh Hưng, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu.

Đá mỹ nghệ có làng mỹ nghệ thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp...

Đến Nghệ An du khách đều biết một số đặc sản như kẹo cu đơ được nấu bằng mật và lạc, lạc rang hạt đều thơm đổ vào bánh đa giòn có vị ngọt đậm ăn kèm với nước chè rất ngon, các làng nghề nấu kẹo lạc tập trung ở ven sông Lam huyện Hưng Nguyên có từ thời Pháp thuộc và làng nghề nấu kẹo lạc ở huyện Diễn Châu. Ngoài ra còn có đặc sản tương bần ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn nổi tiếng câu “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” đã có từ xa xưa, tương có hương vị riêng khác hẳn với các loại tương ở các vùng miền khác, là sản phẩm có thể dùng làm quà cho du khách khi đến thăm quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh.

Làng nghề phát triển giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung, lao động vùng biển nói riêng, góp phần giữ gìn và phát triển văn hoá truyền thống, đặc biệt đẩy nhanh quá trình đô thị hoá cho nông thôn để nông dân ly nông nhưng không ly hương và làm giàu trên chính quê hương mình. Ngoài ra, làng nghề còn có ý nghĩa nhân văn, đó là sử dụng được lao động già cả, khuyết tật, trẻ em mà các khu vực kinh tế khác không nhận. Đến nay, Nghệ An đã phát triển mới được 83 làng nghề, giải quyết việc làm thường xuyên và không thường xuyên cho 17.500 lao động, tạo ra giá trị sản xuất hàng năm trên 350 tỷ đồng. Trong đó, các xã ven biển có 14 làng nghề (bình quân 2 xã có 1 làng nghề), cơ cấu như sau làng nghề chế biến nước mắm có 5 làng (36%), làng nghề đóng mới, sữa chữa tàu thuyền có 3 làng (21,5%), làng nghề mây tre đan xuất khẩucó 2 làng (14%), làng nghề móc sợi có 3 làng (21,5%), làng nghề ươm tơ dệt đũi có 1 làng (7%). Nếu phân theo địa bàn thì ở Quỳnh Lưu có 8 làng, Diễn Châu 4 làng, Nghi Lộc 1 làng và Cửa Lò 1 làng…

Một số làng nghề truyền thống xưa đã mất đi do thời gian, chiến tranh và sự thay đổi của cuộc sống, ngày nay có nhiều làng nghề xuất hiện đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và khôi phục những làng nghề xưa, đề cao giá trị cách lao động sản xuất của ông cha xưa truyền lại cho con cháu ngày nay. Cách Thành phố Vinh 11km về phía Đông của thị xã Cửa Lò, là làng nghề nước mắm Nghi Hải. Đặc thù ở làng nghề này là các chủ cơ sở kinh doanh và khai thác và chế biến nước mắm. Sản phẩm làng nghề ở đây là các hàng chế biến từ hải sản như: Cá, tôm, và các loại khác. Làng nghề vừa thành lập, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh là tự có và theo một quy trình mua bán các loại hải sản và đưa về chế biến, theo các công đoạn khác nhau. Ở đây có các làng nghề và các chủ cơ sở nổi tiếng như: Nước mắm Huyền Biên, nước mắm 19/5, nước mắm Hải Giang 1, ngoài một số các sản phẩm trên các chủ cơ sở còn chế biến một số mặt hàng như: tôm chua, cá khô, mắm chua, cá ép khô.... Sản phẩm được sản xuất theo các quy trình chế biến bằng

phương pháp cổ truyền đã có từ lâu đời của dân tộc, kết hợp với những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại. Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chủ yếu gồm các loại cá biển như: cá cơm, cá ve, cá nục, cá trích, mắm chua từ cá cơm.... được muối tự nhiên và được khai thác ở vùng biển Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An cung cấp sản phẩm cho con người và khách du lịch. Hiện nay nước mắm Cửa Lò đang được quy hoạch thành làng nghề xây dựng thương hiệu để du khách tham quan làng nghề và bán sản phẩm truyền thống đặc trưng văn hóa ẩm thực Nghệ An.

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 44)