Giải pháp về an toàn du lịch trong du lịch văn hoá Nghệ An

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 122)

Phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý, các ban ngành và sự quản lý của tỉnh đối với tình hình an ninh của địa phương trên mọi mặt của đời sống xã hội kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm hạn chế các tệ nạn xã hội, các hoạt động làm ăn phi pháp ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch và dân cư địa phương.

Giải quyết các hiện tượng bán hàng rong, níu kéo, đeo bám khách, cò khách, cò phòng, lừa đảo…trong mùa du lịch biển ở thị xã Cửa Lò gây phiền hà cho khách và làm mất mỹ quan đô thị. Hoặc ở các tuyến, điểm du lịch biển Diễn Thành, khu di tích Kim Liên…

Phối hợp với ngành công an đảm bảo vấn đề an toàn an ninh trật tự ở các khu, điểm du lịch cho du khách. Kiểm soát các hoạt động cò mồi, lừa đảo, trộm cắp tài sản, khủng bố…ảnh hưởng đến an toàn của du khách. Phối hợp với ban an toàn giao thông tỉnh Nghệ An tập trung tăng cường tuần tra kiểm soát, bố trí lực lượng vào những địa bàn phức tạp, những khu, tuyến điểm du lịch văn hóa và trên các trục đường quốc lộ toàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tạo sự an toàn cho mọi người trong đó có du khách khi tham gia giao thông. Hiện nay, địa bàn toàn tỉnh số lượng tai nạn giao thông ngày càng tăng cao, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm tốc độ, lạng lách, đánh võng, chạy lấn đường, chở quá số người quy định, uống rượu bia khi tham gia giao thông...bên cạnh việc ban hành, hoàn thiện các luật lệ, bố trí lực lượng công an giao thông, cần có thêm các hoạt động tuyên truyền mọi người nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông trong đó có cả khách du lịch cũng tham gia giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí, tấm pa nô quảng cáo…nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của mọi người, đảm bảo an toàn giao thông tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Nghệ An với diện tích bãi biển trải dài qua các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc với các hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh của con người, nhằm đảm bảo an toàn mỗi nơi đều có các cơ quan chức năng, lực lượng an ninh, cứu hộ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho con người…Tại khu du lịch biển Cửa Lò nơi diễn ra các hoạt động du lịch văn hóa gắn liền biển, đảo, trên bờ. Thị xã Cửa lò có các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách với sự phối hợp các cơ quan ban ngành như: Đồn biên phòng Bến Thủy – Cảng Cửa Lò(nằm trên đường Bình Minh, Nghi Thủy), trung tâm cứu hộ phòng chống thiên tai(nằm trên đường Bình Minh), công an thị xã Cửa Lò, các cơ quan chức năng khác, các cơ sở y tế luôn thường trực nhằm giải quyết các trường hợp xảy ra. Trong đó trực tiếp quản lý giám sát các hoạt động du khách trên bãi biển nơi hay xảy ra các biến cố có các chiến sỹ trong đội cứu hộ phòng chống thiên tai. Họ được đào tạo huấn luyện bài bản về nghiệp vụ và sơ cấp về cấp cứu, cứu hộ, được trang bị các phương tiện cứu hộ hiện đại như mô tô biển, ca nô, tàu biển... Họ được chia làm ba đội chốt tại ba vị trí trên bãi tắm dài 10km. Đài quan sát gồm hai kính viễn vọng có thể quan sát tầm 30km làm nhiệm vụ theo dõi cảnh báo các du khách, đặt các phao cảnh giới nguy hiểm, đội cứu hộ mặc thường phục, tuần tra theo dõi các hoạt động trên bờ và trên biển, theo dõi thời tiết đặt cảnh báo cho du khách. Khi có trường hợp vượt qua rào cảnh giới hay du khách xuống biển trong tình trạng say rượu bia, du khách sẽ được cảnh báo trực tiếp, qua loa đài hoặc trên biển sẽ có người đi xe mô tô biển cảnh báo. Hoặc có đội cứu hộ “xanh” do 20 đoàn viên thanh niên thị đoàn Cửa Lò cùng đội cảnh giới cứu nạn phối hợp đảm bảo an toàn cho khách.

Như vậy cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, tích cực tham gia đảm bảo an toàn cho du khách trên đường bộ cũng như trên biển những nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh du lịch toàn tỉnh Nghệ An. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, các hộ kinh doanh, du khách trong việc kinh doanh và tham gia giao thông đường bộ, đường biển. Tăng cường các hoạt động tham gia của các cơ

quan đoàn thể, đoàn viên thanh niên trong công tác tuyên truyền, điều hành đảm bảo an toàn trên các trục đường giao thông đường bộ, các khu, các điểm diễn ra hoạt động kinh doanh du lịch…

Thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường là vấn đề ngày nay được rất nhiều người quan tâm. Xã hội hiện nay có nhiều loại dịch bệnh, những loại hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, các loại thực phẩm độc hại và các vấn đề vệ sinh trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến các loại thực phẩm của các cơ sở sản xuất, các nhà hàng khách sạn, các quán xá…kiểm soát các loại thực phẩm dịch bệnh lây lan trong thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra chất lượng các phương tiện đi lại vận chuyển du khách như ô tô, tàu thủy, các phương tiện vận chuyển khác…nhằm đảm bảo an toàn cho khách.

Kiểm soát chặt chẽ những đợt dịch bệnh như cúm gà H5N1, SARD để cho dịch bệnh không lây lan ra khi nó xuất hiện đặc biệt là các khu du lịch có khách du lịch từ mọi miền trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ y bác sỹ trong công tác cứu trợ, cứu nạn, kiểm soát dịch bệnh.

Giữ gìn môi trường trong, sạch, đẹp và tuyên truyền các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường của các hộ kinh doanh, dân cư và khách du lịch nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như môi trường đời sống, văn hóa, kinh tế, xã hội. Ý thức bảo vệ môi trường của các hộ kinh doanh và kinh doanh không làm những việc phi pháp, không sản xuất các sản phẩm độc hại đặc biệt là trong cung cấp thực phẩm, ẩm thực ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và an toàn của du khách. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của khách du lịch bảo vệ môi trường, không xả rác ra môi trường, không phá hoại cảnh quan, di sản, tẩy chay những cơ sở kinh doanh làm tổn hại đến tài nguyên môi trường, và cung cấp các sản phẩm không an toàn.

3.3. Tiểu kết

Qua quá trình nghiên cứu đặc điểm tài nguyên văn hoá và thực trạng khai thác phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An, căn cứ trên những điều kiện thực tế, thực trạng, căn cứ vào lý thuyết, đường lối chiến lược của ngành và của tỉnh, luận văn đã đề xuất một số giải pháp góp phần giải quyết những thực trạng, những tồn tại, hạn chế của ngành du lịch nói riêng và việc phát triển du lịch, kinh tế toàn tỉnh nói chung. Luận văn chủ yếu đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản nhằm tăng cường, nâng cao những lợi thế, thuận lợi và giải quyết hạn chế trong việc khai thác, bảo tồn nguồn tài nguyên văn hoá của tỉnh Nghệ An như: Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước ở các cơ quan ban ngành trong tỉnh Nghệ An, đưa ra các đường lối chính sách, ưu đãi cho ngành văn hoá và du lịch hướng tới sự phát triển bền vững. Giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật là đầu tư xây dựng, trang bị thiết bị các cơ sở hướng tới sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, thu hút đầu tư vốn để xây dựng trang bị cơ sở hiện đại, trang thiết bị đồng bộ, đặc biệt ưu tiên cho các nhà đầu tư ở các huyện thị. Giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong ngành du lịch. Giải pháp nghiên cứu tổ chức các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cung cho mọi nhu cầu của khách du lịch. Giải pháp về marketing quảng bá phân phối sản phẩm chương trình du lịch trong và ngoài nước sao cho khách hàng có nhu cầu có thể tiếp cận được sản phẩm, và tạo thị trường tiềm năng để khai thác. Giải pháp bảo tồn các tài nguyên văn hoá đi đôi với việc khai thác tài nguyên cho du lịch văn hoá sao cho phát huy được giá trị của nó và lưu giữ cho thế hệ tương lai. Cuối cùng là giải pháp về an toàn du lịch là an toàn về an ninh trật tự xã hội, an toàn trong các loại hình dịch vụ , an toàn trong vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Các nhóm giải pháp hướng tới mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên văn hoá phong phú của tỉnh Nghệ An, bên cạnh đó đưa vào khai thác nhằm phát huy các giá trị của nó phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi tham quan,

tìm hiểu của con người và nâng cao ý thức con người bảo vệ nguồn tài nguyên đó cho tương lai. Từ đó tăng khả năng kinh tế cho người dân, nâng cao hoạt động dân trí đời sống con người và hướng tới sự phát triển của con người.

KẾT LUẬN

Qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu nguồn tài nguyên văn hóa và thực trạng khai thác nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ cho sự phát triển du lịch tỉnh Nghệ An. Luận văn đã nêu ra được những đặc điểm điều kiện của nguồn tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An bao gồm cả tài nguyên văn hóa vật thể như các di tích, danh thắng kiến trúc cũng như các văn hóa phi vật thể như phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, ẩm thực… nổi tiếng như khu di tích Kim Liên gắn liền với tuổi thơ, quê hương của vị chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều vị anh hùng có công với đất nước, những người dân nơi đây cùng với nhân dân cả nước viết lên những trang sử hào hùng về cuộc đấu tranh bảo vệ, gìn giữ đất nước. Mảnh đất này có nhiều tài nguyên tự nhiên hài hòa với cuộc sống con người tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Thiên Nhẫn, thành Lục Niên, các thác nước như thác Sao Va, sông Lam núi Quyết, biển Cửa Lò…với nguồn tài nguyên phong phú và những điều kiện kinh tế xã hội khác rất thuận lợi cho ngành du lịch Nghệ An phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó còn những tồn tại khó khăn trong công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa cũng như việc khai thác các tài nguyên trong các hoạt động du lịch. Nghệ An là một tỉnh đất rộng, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, lại phải hứng chịu nhiều khắc nghiệt của thời tiết như, khí hậu khô nóng, mưa nhiều, bão và lũ lụt cho nên ảnh hưởng nhiều tới việc phát triển kinh tế và phát triển hoạt động du lịch tạo tính thời vụ trong kinh doanh du lịch. Công tác đầu tư và thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế do cơ chế chính sách và công tác quản lý chưa đồng bộ, thông thoáng, thiếu trọng tâm. Các công ty, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn còn manh mún cò con, nhỏ lẻ khả năng cạnh tranh trên thị trường còn nhiều hạn chế. Chất lượng lao động còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực và ngoại ngữ. Công

tác xúc tiến quảng bá du lịch kém do đầu tư kinh tế không nhiều. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch chỉ tập trung một số trung tâm du lịch còn các huyện thị thì nghèo nàn, yếu kém. Những hạn chế việc khai thác nguồn tài nguyên, việc xây dựng chương trình du lịch, sản phẩm có khả năng hấp dẫn hay phù hợp nhu cầu của du khách. Những năm qua Nghệ An chú trọng phát triển một số sản phẩm du lịch dựa trên những tiềm năng sẵn có của tài nguyên sinh thái và biển đảo còn những tài nguyên văn hóa chưa khai thác thành sản phẩm thu hút khách. Tuy nhiên, Nghệ An bước đầu có những thành công nhất định như thu hút một lượng khách lớn về khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế hơn hẳn một số tỉnh trong khu vực miền Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Có những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách như du lịch văn hóa biển Cửa Lò, hay một số loại hình du lịch tham quan khu di tích, danh thắng, các lễ hội lớn, dân ca, ẩm thực, làng nghề…và mang lại khoản thu lớn đóng góp cho thu nhập của toàn tỉnh. Tạo công ăn việc làm cho nhân dân, làm thay đổi bộ mặt đô thị, bộ mặt kinh tế toàn tỉnh. Nghệ An cần nỗ lực nhiều mặt để khắc phục khó khăn và phát huy những giá trị, nội lực nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững.

Tóm lại, nguồn tài nguyên văn hóa của Nghệ An vẫn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả và bền vững, ngành du lịch Nghệ An còn phải nỗ lực nhiều về mọi mặt để có thể đạt được những mục tiêu ngành đã đề ra…Trong chương ba, luận văn căn cứ vào những chiến lược, thực trạng và đưa ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả khai thác bền vững nguồn tài nguyên văn hóa trong kinh doanh du lịch cũng như giữ gìn yếu tố giá trị văn hóa bản địa trước mọi nguy cơ của thời đại. Cụ thể như các giải pháp về tổ chức quản lý trong du lịch nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý và các cơ chế chính sách, các hành lang pháp lý tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Giải pháp về trang bị, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đặc biệt chú trọng các cơ sở có chất lượng cao và xây dựng

trang bị cơ sở vật chất ở các huyện thị nhằm thu hút khách du lịch và phát triển du lịch các huyện thị. Giải pháp nâng cao chất lượng lao động trong du lịch văn hóa. Giải pháp về khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa tiềm năng vào các chương trình du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp nhu cầu của khách và duy trì bảo vệ các di sản. Giải pháp marketing nhằm quảng bá sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình, phân phối các sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Giải pháp bảo tồn tài nguyên du lịch trước những tác động của mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Giải pháp an toàn du lịch cho du khách về an ninh trật tự cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…Tác giả hy vọng được đóng góp một số ý tưởng nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại trong việc khai thác tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An. Do nhiều điều kiện khách quan chủ quan trong quá trình nghiên cứu và thực hiện luận văn còn nhiều thiếu sót, hạn chế kính mong sự quan tâm tham gia đóng góp của mọi người, những người nghiên cứu khoa học, những ý kiến nhận xét đó sẽ giúp cho tác giả có thể hoàn thiện luận văn hơn trên mọi góc độ khoa học.

Một phần của tài liệu tìm hiểu việc khai thác các tài nguyên văn hóa của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển du lịch (Trang 122)