Đây là vấn đề khiến báo chí tốn nhiều giấy bút để vào cuộc vì mục tiêu " an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà". Nhưng hoạt động quản lý và điều hành giao thông của các cơ quan chức năng và của người tham gia giao thông còn nhiều điều bất cập. Và đó là kết quả của nhiều hoạt động mang tính hệ thống, có căn nguyên của nó. Nên Lê Thị Liên Hoan đã nhìn nhận vấn đề đó ở một góc độ khác. Bài Phỏng vấn một chiếc gương chiếu hậu (3.2003) đề cập một vấn đề thời sự là chủ trương quy định bắt buộc xe gắn máy phải gắn gương chiếu hậu để quan sát phía sau nhằm đẳm bảo an toàn giao thông. Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản thế, tác giả đã mở rộng đến các nhà văn hoá "càng nhìn sâu vào quá khứ sẽ càng tiến chắc về tương lai", và "nó là thứ để bà con nhìn thẳng vào hoàn cảnh của mình chứ không nhìn vào nhan sắc".
Tiểu phẩm Cuộc trò chuyện giữa lái xe và một giám đốc (3.2005) lại đặt ra một vấn đề về người quản lý và điều hành cơ quan được ví như người lái xe. Qua câu chuyện cho thấy, sự an toàn, đảm bảo tốc độ phát triển bền vững cho công ty, cơ quan cũng như an toàn cho chuyến xe trên đường vậy.
Nó phụ thuộc vào khả năng điều khiển của tài xế. Nhưng thực tế hiện nay có không ít "tài xế" lái xe chỉ nghĩ đến vị trí và tính mạng của mình mà không quan tâm đến hành khách hoặc hàng hoá trên xe. Thậm chí, khi gặp chỗ khó khăn thì đùn đẩy trách nhiệm cho người khác kiểu:"Nếu không có chỗ lùi, không có chỗ chờ, không có chỗ vòng thì sao?- Thì thời điểm ấy, tớ giao xe cho tay phó lái. Tớ đi bộ đón đầu". Rồi một hiện tượng thực hiện biện pháp "gia đình trị" để đảm bảo an toàn cho mình giống xe chỉ chở người nhà. Đó là hiện tượng đáng lên án hiện nay trong các cơ quan xí nghiệp. Nó được lột trần khá tinh tế qua câu: "cố gắng chở người nhà".
Bên cạnh đó, thông qua câu chuyện hóm hình của một khách đi lậu vé tầu vì ngại chờ đợi mua vé, tác giả đề cập đến vấn đề chúng ta đang trong tình trạng chờ đợi không đáng hoặc nhầm lẫn mà dẫn đến lãng phí thời gian công sức không cần thiết, thậm chí "rất nhiều cá nhân chờ trong… vô vọng". Cho nên, "cuộc đấu tranh rút ngắn sự chờ đợi là cuộc đấu tranh còn rất gay go, vì ai cũng dễ mang ảo giác là mình đang thừa vận tốc, mặc dù đã lâu rồi ta vẫn…ngồi im".[Cuộc trò chuyện giữa trưởng tàu và khách đi lậu vé (6.2005)].