Trong xã hội hiện nay, sức tác động của báo chí đối với công chúng ngày càng mạnh. Báo chí không ngừng sáng tạo, tìm ra những lối đi riêng, mới cho cách thể hiện thông tin báo chí vừa thời sự vừa tác động sâu rộng, hiệu quả đến công chúng. Trong đó có một thể loại tiểu phẩm báo chí đang tỏ ra rất lợi thế trong việc sáng tạo các tác phẩm báo chí vừa đậm chất thời sự mà lại uyển chuyển linh hoạt, tấn công sắc bén vào nhận thức của công chúng, vào xã hội.
Dưới góc nhìn truyền thông báo chí, phong cách ngôn ngữ báo chí (đã trình bày phần trên) phải thực hiện chức năng thông tin và tác động. Để đạt hiệu quả tốt, các tác phẩm báo chí bên cạnh việc lựa chọn thông tin gì để phản ánh (yếu tố về nội dung) thì phản ánh như thế nào (yếu tố về hình thức) cũng hết sức quan trọng. Tiểu phẩm báo chí với thế mạnh của mình là thông tin thời sự nhưng bằng chất giọng hài hước nhẹ nhàng mà sâu sắc đã thực sự ấn tượng, thu hút được công chúng và có sức lay động lòng người cao. Điều này được lý
giải khi chúng ta đánh giá hiệu quả của một tác phẩm báo chí trên cơ sở việc nghiên cứu tâm lý tiếp nhận của độc giả sẽ rõ. Thực tế xã hội hiện đại công chúng đang ngập chìm trong xã hội bùng nổ thông tin đa dạng, nhiều chiều. Chính yếu tố này vừa tạo điều kiện cho họ dễ dàng tiếp cận thông tin nhưng cũng dễ gây áp lực khi cứ phải tiếp xúc nhiều với những thông tin khô cứng, gân guốc. Cho nên, nhu cầu công chúng cũng cần tiếp nhận thông tin dưới dạng "mềm" hơn. Đó là cách viết sao cho giúp công chúng vừa thư giãn, bớt căng thẳng mà vẫn lĩnh hội được những vấn đề thiết thực của cuộc sống đang đặt ra và phương hướng giải quyết những vấn đề đó. Và nó đáp ứng được một trong những tiêu chí của báo chí hiện đại là vừa thông tin vừa thư giãn đồng thời nâng cao dân trí trên cơ sở của sự tác động định hướng nhận thức và hành vi của công chúng theo chiều hướng tích cực.
Chẳng hạn, về vấn đề liên quan đến cách ăn mặc của ca sỹ khi biểu diễn, tác giả Lý Sinh Sự không thông tin dưới dạng văn bản, chỉ thị cứng nhắc mà đã bàn đến vấn đề bằng một tiểu phẩm hài hước có tiêu đề: Hở một nửa là được?(14.9.2004). Ngay ở tiêu đề bài báo đã là một dấu hỏi(?). Và bằng chất giọng hài hước hóm hỉnh, tác giả tái hiện thực tế nực cười bằng một tình huống:" … trước khi diễn, hội đồng nghệ thuật đã đề nghị Hồ Quỳnh Hương đổi áo vì hở nhiều quá, nhưng cô này vẫn mặc vì lý do "không có áo nào khác"(?!). Vấn đề là đến nay đã rõ là nếu hở 3 phần 4 ngực như cô Hương đã mặc như thế là vi phạm. Còn hở ít hơn, ví dụ hở một nửa chắc không sao, bác nhỉ?" Rồi phương châm chống ăn mặc gây "phản cảm" trong ca sĩ được lý giải khiến "gã đài phường" hiểu rằng :"Hát phải hoà với nhạc. Như thế nếu hát nhạc "não tình" thì ca sĩ phải rũ ra như dưa héo. Còn hát " tóc gió thôi bay" thì đương nhiên đầu phải trọc tếu hoặc dựng đứng, cứng đơ như dây thép!".
Với cách thể hiện tiểu phẩm dưới dạng cuộc trò chuyện giữa hai người về một vấn đề hiện thực, tác giả đã lồng ghép vừa bình luận thời sự, vừa hóm hỉnh so sánh khiến công chúng đọc nó phải "phì cười" vì cái cách quản lý máy móc, thiếu chặt chẽ, thiếu thực tiễn của các vị quản lý nghệ thuật biểu diễn khiến ca sỹ và họ cứ săn nhau như "mèo vờn chuột". Cuối cùng thì "cấm hở" nhưng thực ra "càng cấm càng hở". Và cái tức cười bật ra ngay từ tiêu đề tác phẩm Hở một nửa là được? Nó là một câu hỏi vừa khẳng định, vừa nghi vấn, nhưng thực ra ý đồ tác giả thể hiện là để phủ định cái kiểu nửa chừng- đã cấm hở lại còn một nửa cũng được.
Rõ ràng với tác phẩm báo chí viết theo phong cách của một tiểu phẩm hài hước như vậy, hiệu quả truyền thông đã rất cao nhờ cách đặt vấn đề và thể hiện, chứng minh vấn đề nhẹ nhàng mà thâm thuý. Nó khiến công chúng cười đấy nhưng rồi lại không thể không nghĩ về cái mình đã cười. Mà xét theo lý thuyết và thực tế truyền thông báo chí thì khi một thông điệp đưa ra khiến công chúng thích thú đọc, xong rồi lại ngẫm nghĩ và có những hành động nhất định về nó thì đã là một sự thành công. Mặc dù không thể kiểm chứng thực tiễn hiệu quả tác động của tác phẩm đó, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định rằng, bất kể ai sau khi đọc xong bài Hở một nửa là được?, ít nhiều cũng phải có cái nhìn khác hơn, đúng đắn hơn về thực tế ăn mặc của ca sỹ ở Việt Nam và nhìn nhận khách quan hơn về họ, đồng thời cũng đánh giá được mức độ đúng đắn, hữu dụng của một quyết định quản lý.
Do đó, "Tiếng cười, nhất là tiếng cười mang nội dung chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật tinh tế, có khả năng lan truyền nhanh chóng, chẳng những không ai kìm lại được, mà mọi người còn bị lôi cuốn theo, kể cả những kẻ cùng lũ với đối tượng bị mang ra để cười" [59; 44]. Cho nên, tiểu phẩm báo chí thực sự lợi hại trong việc dùng cái hài hước để đi vào lòng người và nhanh
chóng tạo lập, định hướng dư luận xã hội về một vấn đề nào đó. Và nó đã góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh đào thải, ngăn chặn cái xấu, cái ác kìm hãm xã hội phát triển, đồng thời cũng làm cho đời sống của nhân dân thêm trong sạch lành mạnh hơn, giúp con người thêm yêu đời và tin tưởng nhau hơn.