Về giáo dục:

Một phần của tài liệu Phong cách hài trong các tiểu phẩm báo chí hiện đại qua ba nhà báo Lý Sinh Sự , Lê Thị Liên Hoan, Thảo Hảo (Trang 52 - 53)

Một trong số không ít bài nói về giáo dục một cách "tức cười" mà sâu sắc, đậm chất nhân văn của người cầm bút là bài Xin ngành giáo dục hãy chờ

(28.10.2003). Tác giả đã bàn đến chủ trương tăng học phí bằng ngòi bút hài hước mà thiết thực. Việc tăng học phí không những gây phản ứng dữ dội trong nhân dân mà bản thân Lý Sinh Sự cũng phải "lộn tiết" mà la lên với gã đài phường: "Nếu cậu không đủ tiền cho con đi học thì sắm cho nó cái hòm đánh giày. Người ta toàn là các đấng bậc, học hàm, học vị cao vời vợi, lại không tính toán bằng cậu hay sao?" Một câu nói tưởng như rất cá nhân của hai người nhưng nó toát lên một nội dung sâu sắc, một vấn đề cười đến … nghẹt thở. Đó là một chủ trương được đưa ra bởi các "đấng bậc, học hàm, học vị cao vời vợi" mà mới manh nha ở ý đồ đã khiến dân "khát chữ" muốn khóc không chỉ vì giá học phí cao mà quan trọng hơn còn vì " chỉ sợ tiền thì tăng mà thi vào đại học rụng như sung". Rồi cái băn khoăn, lo lắng của nhân dân được định thần bằng cái kết trớ trêu của cuộc sống ấy là " xin ngành giáo dục cố gắng chờ đến khi lương tối thiểu tăng lên gấp 10 lần hiện nay, phụ huynh chúng em sẽ "chơi đến cùng" đấy!" Cái hy vọng tăng lương gấp 10 lần để bà

con cho con em mình theo học thì quả là đau xót. Bởi nói đến lương thì chỉ một bộ phận cán bộ công chức rất nhỏ mới mơ mộng và đợi chờ. Còn lại đa số con em nông dân không có lương thì chẳng phải đường đến trường đã có quá nhiều rào cản mà cái lớn nhất là chủ trương tăng học phí thiếu suy xét sao?

Qua bài này, chúng ta thấy đối tượng được tấn công chính là các vị chức sắc trong ngành giáo dục- những người đã nghĩ ra chiêu "tăng học phí" để "chấn hưng giáo dục". Chúng ta hoàn toàn có căn cứ để cười vào cái chủ trương của họ. Nhưng đồng thời cũng thấy đau cho nền giáo dục nước nhà, đau cho chính mình bởi đang phải ngày đêm trông chờ vào sự đổi thay của ngành giáo dục mà lại là kết quả của sự hoạch định chiến lược có thể coi là thiếu nhân văn, thiếu giáo dục của mấy vị quan chức nọ. Họ đáng bị chê cười, bị châm biếm và là đối tượng cần bị nhân dân lên án, tác động "giáo dục" họ để họ phải điều chỉnh từ trong ý thức của mình trước khi bắt đầu làm một việc gì đó cho giáo dục nói riêng, cho sự phát triển nước nhà nói chung.

Một phần của tài liệu Phong cách hài trong các tiểu phẩm báo chí hiện đại qua ba nhà báo Lý Sinh Sự , Lê Thị Liên Hoan, Thảo Hảo (Trang 52 - 53)