- Quan toà: Bậy, ta không lười Chỉ trong một ngày nay, ta đã xử hai vụ cướp xe, hai vụ cướp tiệm vàng và một giật dây chuyền khiến nạn nhân té
2.2.4. Đặc điểm kết cấu:
Về kết cấu tiểu phẩm, cả ba nhà báo giống nhau ở chỗ không ai nói thẳng cái cần nói ra ngay mà thông qua cái rào đón, cái đưa đẩy để bắt đầu câu chuyện rồi thúc đẩy cao trào, thậm chí tạo kịch tính rồi "phang" một cái kết đắc địa về vấn đề đang được luận bàn. Nhưng tất cả đều không tạo thành một lối mòn trong kết cấu mà họ có độ co giãn khá linh hoạt. Đó là tuỳ từng vấn đề mà triển khai theo cái mạch: đặt vấn đề, phân tích, kết luận.
2.2.4.1. Lý Sinh Sự:
Tiểu phẩm của Lý Sinh Sự đảm bảo thành phần kết cấu cơ bản gồm:
Tít- tiêu đề: Là tạo sự hấp dẫn, thậm chí thể hiện ngay phần linh hồn, cái mâu
thuẫn cốt lõi của vấn đề (như đã phân tích trong phần tít bài của Lý Sinh Sự). Song, nội dung bài thì do sự chế định của khung chuyên mục có hạn, các tiểu phẩm của ông được triển khai rất gọn, kết cấu thể hiện sự chặt chẽ, thống nhất
trong giới hạn khoảng 300 đến 500 chữ mà nêu bật, phản ánh trọn vẹn, phân tích, bình luận đơn giản mà sâu sắc, dễ hiểu các vấn đề thời sự. Nó thể hiện qua 3 phần cơ bản:
Mở bài - nêu vấn đề: Ở đây tác giả vào đề một cách tự nhiên, tạo được
sức hút nhờ không đao to búa lớn mà bằng cái chào hỏi, cái đặt vấn đề gợi ý nói chuyện giữa gã đài phường và ông Lý (ông Sự). Thể hiện cũng rất linh hoạt lúc thì Ông Sự gặp Gã đài phường:" Tình hình này có lẽ tớ phải "quay lại" thời kỳ đun than tổ ong thôi cậu ạ. Hai trăm ngàn một bình gas rồi. Muốn ăn bữa cơm cá diếc kho nhừ với tương, tiền nhiên liệu gấp đôi tiền thức ăn". Gã đài phường tỏ vẻ thông cảm: - Bác nghĩ cũng phải" [ Tăng lương có sướng? (13.10.2005)].
Lúc thì Gã đài phường đến hỏi ông Sự, gợi chuyện bằng cái thắc mắc:- " Ta có nên trao đổi ít phút về cái quần đùi không bác Sự? [Quần đùi luận (24.8.2003)].
Hay: " Bác Sự có ý kiến gì về chuyện công nợ không, chứ em nghe dân họ đàm tiếu nhiều lắm. Ông Sự nhìn gã đài phường, lên giọng: - Cậu là ký giả, phải hướng dẫn dư luận theo định hướng của trên, cớ sao lại cứ nghe " bọn buôn dưa lê" họ đàm tiếu? Lập trường đến đâu?"[ Chỉ tóm anh trọc đầu
(23.03.2003)].
Và cũng có lúc là ông Sự tự luận đi thẳng vào vấn đề chính mà ông sẽ đưa lên "bàn mổ" để phanh phui cái mâu thuẫn, nghịch lý cho bàn dân thiên hạ cùng cười, cùng ngẫm: " Ngày nay, từ tỉnh cho chí nhà quê, có người không cần uống rượu tây, thậm chí không cần nước khoáng vì đã có nước vối, nhưng không ai nói không với xăng dầu. Đừng nghĩ nông dân ít dùng xăng dầu mà nhầm. Xe công nông, xuồng máy ở nông thôn ngốn xăng dầu kém gì xe du lịch?"[ Vẫn ca tiếp " bài ca xăng dầu"!(22.12.2003)].
Thân bài - phân tích, mổ xẻ, bình luận vấn đề: Tất cả những vấn đề mà tiểu phẩm của Lý Sinh Sự đề cập là những sự việc đang xảy ra trong thực tiễn cuộc sống xã hội, nóng hổi tính thời sự. Trong phần thân bài này, tác giả dùng cách để cho các nhân vật xuất hiện đối thoại với nhau vừa nói thật, vừa như đùa bằng bút pháp hài hước, giọng văn dí dỏm biến các luận cứ, luận điểm không chỉ là những con số, những tình huống, những sự việc trần trụi mà được kết nối, xâu chuỗi khéo léo trong sự phân tích, luận bàn lô gíc, thuyết phục vừa có tình, vừa có lý để làm sáng tỏ bản chất vấn đề. Trong phần này thể hiện sức mạnh của trí tuệ, kinh nghiệm,… cuả tác giả, thể hiện bản lĩnh cá nhân và thể hiện trách nhiệm xã hội của tác giả.
Kết luận vấn đề: Ở phần này, thường là nhận định của tác giả hoặc của
nhân vật phát biểu nhưng đó cũng chính là ý tưởng của tác giả được gửi qua nhân vật. Nó là sự khẳng định hoặc phủ định một điều gì đó đã được đem ra luận bàn trong tiểu phẩm.
Ví dụ: + "Nói "không" mà không có biện pháp khắc phục thì chỉ là "không không chủ nghĩa" mà thôi! [26.8.2005];
+ "Dân không lương, lẹt bẹt chẳng có bổng lộc mà phải đóng góp nhiều quá. - Xưa nay vẫn thế. Thời chiến dân còn dỡ nhà lấy gỗ lát đường cho xe qua đi đánh giặc, có ai tiếc gì đâu. Nay sang thời bình dân vẫn tự nguyện tự giác làm ăn, ra đường còn đội mũ bảo hiểm nghiêm túc đấy! [ Ăn mau lên!(15.12.2004) ].
+"Đúng là tất cả chúng ta đang sống trên mảnh đất di sản của tổ tiên. Chỗ nào cũng phải trân trọng bảo vệ, giữ gìn. Vì thế không được chia lô bán vung xích chó lên để kiếm lời như giai đoạn vừa qua nữa đâu đấy!"[Sống trên di sản (21.11.2004)].
2.2.4.2. Lê Thị Liên Hoan:
Với đặc trưng sử dụng hình thức hỏi đáp để triển khai vấn đề, kết cấu các tiểu phẩm của Lê Thị Liên Hoan cũng đảm bảo gồm các phần: Tít, Mở bài, Thân bài, Kết luận. Nhưng đặc biệt ở chỗ toàn bộ các thành phần kết cấu không thể hiện thành khối mảng như kiểu của Lý Sinh Sự mà bằng mạch hỏi đáp từ đầu đến cuối. Và cái vấn đề không được đặt ra để giải quyết ở ngay từ những câu đầu tiên mà là qua vài câu hỏi đáp xa xôi một chút. Thêm vào đó, tác giả này thường triển khai vấn đề kiểu mở rộng đi xa, về gần rồi mới xoáy vào trọng tâm. Mỗi tác phẩm, người ta thấy hình bóng của nhiều vấn đề khác nhau được gợi mở quanh vấn đề trọng tâm. Cho nên, để nắm được vấn đề, hiểu được đúng, rõ tư tưởng chủ đề chính, đòi hỏi độc giả phải theo dõi hết tác phẩm. Chẳng hạn, trong bài: Phỏng vấn một bạn đọc sách(7.2003), tác giả bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi: " Thưa anh, với tư cách là một bạn đọc, anh quan tâm nhất là tên nhà văn, chất lượng nghệ thuật hay giá bán?" Nhưng Bạn đọc lại trả lời lái đi xa hơn: "Tôi quan tâm nhất là những cuốn sách đầu tiên của các tác giả đầu tiên". Sau đó cuộc tranh luận diễn giải kéo dài với trọng tâm lý giải về sự khác nhau giữa lúc mới vào nghề văn và lúc đã thành danh nhiều nhà văn im hơi lặng tiếng vì "lối sống nghệ sỹ nghiền nát mất rồi". Tiếp đến, vấn đề được mở rộng hơn khi tác giả kéo cả Hội nhà văn vào cuộc, là chất xúc tác góp phần làm "tha hoá" không ít nhà văn. Và toàn bộ bài, đọc đến hết độc giả mới nhận ra mục đích của cuộc chuyện trò nhằm cảnh báo tình trạng nhiều nhà văn đang dần "bị tha hoá", đánh mất cái khởi điểm chân chính, hừng hực khí, tâm huyết viết vì những trang văn đúng nghĩa của nó bởi chính cái lối sống thực dụng, buông thả, tự cao của nhà văn khi được đứng vào Hội.
2.2.4.3. Thảo Hảo:
Trong ba nhà báo viết tiểu phẩm được khảo sát thì Thảo Hảo là người có kết cấu linh hoạt nhất. Bà không đi theo một công thức cố định kiểu Phỏng vấn (Lê Thị Liên Hoan) hay Cuộc trò chuyện…(Lý Sinh Sự và Lê Thị Liên Hoan) mà triển khai một kết cấu vẫn gồm bốn yếu tố Tít chính, Mở bài, Thân bài, Kết. Nhưng Thảo Hảo thường viết vòng vo rồi mới bám vào vấn đề chính. Cái mở đầu không thể hiện ngay cái mâu thuẫn định làm sáng tỏ mà thường bắt đầu bằng những câu chuyện dẫn dắt, bằng các trích dẫn, bằng hồi ức mang tính "thời sự xa xưa" để sau đó viện dẫn đối chiếu, so sánh, liên hệ với thực tại. Chính điều này làm cho tác phẩm của bà thường dài hơn của Lý Sinh Sự, và ngang ngửa với độ dài tiểu phẩm của Lê Thị Liên Hoan. Có thể nhận thấy một lối viết zic - zắc rõ nét. Nó khiến người đọc nhiều khi cảm thấy "bực mình" vì cái lối vòng vo gần đến đích rồi tác giả lại lái sang cái khác, hoặc dừng lại mà đắn đo, mà rào đón, rồi cuối cùng lại nói "xổ toẹt" ra. Nhưng nhờ cách đó, tác giả đã tạo ra tâm lý đang "tức tức", "thèm thèm", "thấp thỏm"… ở công chúng thì thấy hả hê khi cái kết được đưa ra đường đột như …phim chưởng. Điều đó được thể hiện trong hầu hết các tiểu phẩm, chẳng hạn trong bài Hàng không có biết thương dân?, tác giả nói về hiện tượng hàng không hay sai giờ, nhà chờ quá hẹp khiến chờ lâu phải "gây gây sốt" vì nắng, cảnh người thân "dài cổ", "mỏi cẳng" đứng chờ ở nhà ga. Rồi chuyện cái màn hình thông báo giờ bay, chuyến bay quá bé, thông báo chủ yếu bằng tiếng Anh trong khi "chẳng mấy ai hiểu họ nói gì". Sang đoạn tiếp theo, tác giả tái hiện lời quảng cáo rất hay của hàng không, thái độ phục vụ tốt trên máy bay… Và đột ngột "quẳng ra" một cái kết: "Ôi! Những sự vất vả lúc còn dưới mặt đất… Thật là trái ngược với lúc ở trong thân tàu bay, cơm được bưng và nước được rót, chẳng cần động đến tí chân tay!"