Nước ta đang trong thời kỳ CNH- HĐH trên đà phát triển theo con đường tiến lên XHCN. Trong thực trạng cải cách nền kinh tế và xu thế hội nhập toàn cầu đã tạo cho đất nước nhiều cơ hội phát triển kinh tế, gặt hái được những thành công bước đầu, song cũng xuất hiện nhiều khó khăn trở ngại. Do đó, nếu báo chí với vai trò trung gian tham gia quản lý và giám sát xã hội mà kịp thời phát hiện những yếu kém lạc hậu, chỉ ra những bất cập đúng lúc sẽ giúp các ngành, các cấp điều chỉnh kịp thời. Với tinh thần đó, các bài viết của Lý Sinh Sự trong chuyên mục "Nói hay đừng" trên Báo Lao Động đã phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự kinh tế búc xúc đang đặt ra. Tác giả tập trung bám sát thực tiễn, phản ánh về một vấn đề nào đó qua tiếng cười châm biếm vạch rõ những sai trái, ung nhọt, sự yếu kém, bất cập trong quản lý hay lao động sản xuất.
Tiểu phẩm: Lợi thế thành yếu thế (2004) tác giả đề cập đến thực tế trớ trêu là hội nhập kinh tế thế giới trong khi đất nước ta "giáo dục" từ nhỏ cho trẻ em là "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu" mà mãi vẫn nghèo. Mặc dù thực tế đất nước tiềm năng lớn nhưng tiêu cực quá nhiều khiến không thể phát triển được. Cái tức cười là nó vừa giàu mà vừa nghèo. Vừa có thể ngợi ca, tự hào, vừa có thể xót xa, tủi hổ.
Còn Phương châm chậm chắc (07.7.2003) là tiểu phẩm đánh giá nền kinh tế nước ta phát triển trong trạng thái cần cảnh báo rằng: thà rằng chậm chắc còn hơn nhanh mà ẩu. Bởi vì nhiều chỗ làm nhanh nhưng kết quả do làm
ẩu, do biển thủ công quỹ, ăn chặn, làm láo báo cáo hay… nên chất lượng kém, thất thoát nhiều.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc định hướng lao động sản xuất phát triển kinh tế, nhà nước ta đã có nhiều chủ trương như: Dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mùa vụ,… trong quá trình thực hiện đã gặp phải không ít bất cập. Chẳng hạn, tiểu phẩm Chuyển đi đổi lại (20.5.2004) là một ví dụ. Tác giả đã bắt đầu về thực tế cuộc chuyển đổi lớn cơ cấu cây trồng (trong bài là cây mía) không hợp lý ở nhiều nơi theo kiểu phong trào, làm lấy được, làm theo chỉ thị và dự báo hiệu quả trên …giấy, nên hậu quả cuối cùng thua lỗ nông dân phải gánh chịu đói nghèo.