Đầu tư phát triển mạng lưới trong NHTM là việc mở rộng quy mô ngân hàng, mở rộng thêm các chi nhánh, các phòng giao dịch trên thị trường đã được
khảo sát. Việc phát triển mạng lưới nhằm mục đích mở rộng thị trường thu hút thêm nhiều khách hàng mới, tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng thuận tiện trong việc giao dịch với ngân hàng, từ đó làm tăng doanh thu , lợi nhuận và nâng cao uy tín, thương hiệu và sức mạnh trên thị trường. Hệ thống mạng lưới là một trong những công cụ quan trọng quyết định sức mạnh cạnh tranh của NHTM. Do đó nội dung đầu tư phát triển mạng lưới là một nội dung không thể thiếu trong hoạt động đầu tư nâng cao NLCT của mỗi NHTM. Một ngân hàng có hệ thống mạng lưới CN/PGD càng rộng khắp, hình ảnh ngân hàng càng được quảng bá rộng rãi giúp ngày càng có nhiều đối tượng khách hàng biết đến ngân hàng. Đây chính là một kênh công cụ cạnh tranh bằng quảng cáo hữu hiệu của ngân hàng.
Nội dung đầu tư này là việc các ngân hàng đẩy mạnh phát triển hệ thống, kênh phân phối và các cách tiếp cận, thu hút khách hàng:
- Phát triển kênh phân phối truyền thống: mở rộng hệ thống các chi nhánh, đại lý, tăng cường hợp tác với các ngân hàng , tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
- Phát triển kênh phân phối hiện đại: ATM, home banking, Internet banking, E Banking...Các kênh phân phối hiện đại với ưu thế chi phí giao dịch thấp , tốc độ thực hiện nhanh đang dần trở thành xu hướng chung trong kinh doanh ngân hàng.
Đầu tư phát triển mạng lưới trong NHTM là nội dung quan trọng ảnh hưởng đến quá trình tồn tại, phát triển bền vững của ngân hàng. Với phạm vi và nội dung nghiên cứu của luận văn xin đi sâu vào phân tích hai nội dung của đầu tư phát triển mạng lưới ảnh hưởng có ảnh hưởng quan trọng tới năng lực cạnh tranh trong NHTM là: vị trí kinh doanh chiến lược và tài sản cố định.
* Đầu tư vị trí kinh doanh chiến lược:
Bất cứ NHTM nào cũng sẽ coi việc phát triển mạng lưới là một biện pháp quan trọng để mở rộng thị phần và nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện định hướng ngân hàng bán lẻ. Trong nội dung đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới thì một nội dung vô cùng quan trọng chính là vị trí kinh doanh. Vị trí kinh doanh là nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Trong thuật ngữ marketing, Place (Vị trí) là một trong 4P chiếm vai trò quan trọng của sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp (các P còn lại bao gồm Price - Giá bán, Product - Sản phẩm, Promotion - Quảng cáo).Vị trí cũng được xem là yếu tố tồn tại lâu dài nhất trong 4P nói trên, đối với một số đơn vị, nhất là ngân hàng, những nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp luôn rất coi trọngvị trí, nơi đặt hội sở của mình.
Chọn vị trí không chỉ đơn thuần là chọn một tòa nhà để làm trụ sở kinh doanh, chọn vị trí đúng còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả một hệ thống doanh nghiệp. Theo các chuyên gia phân tích thì nhữngyếu tố cơ bản để chọn một địa điểm cho hội sở chính của ngân hàng bao gồm:
- Khu vực xung quanh hội sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch cần phải phù hợp và hỗ trợ tối đa cho các hoạt động của doanh nghiệp. Đối với ngân hàng, vị trí thuận lợi cần phải ở trung tâm đô thị, là đầu mối tập trung cho hoạt động điều hành đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi đến giao dịch.
- Việc lựa chọn vị trí của hội sở chính, các chi nhánh, phòng giao dịch còn có mối liên quan mật thiết đến cơ sở hạ tầng của khu vực đó. Bất cứ một ngân hàng đầu tư nào cũng quan tâm đến vấn đề này vì họ cho rằng một địa điểm dễ tìm, có điểm đậu xe và giao thông thuận tiện cũng là một cách thể hiện sự quan tâm đến khách hàng của họ.
- Cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố cần phải được xem xét như: điện, nước, Internet, không gian làm việc, phòng họp… để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc và cũng để khách tới giao dịch cảm thấy thoải mái với các tiện nghi hiện đại của tòa nhà.
- Yếu tố an ninh không chỉ là vấn đề quan tâm của những nhà dịch vụ ngân hàng mà còn của chính khách hàng. An ninh trong khu vực có trụ sở ngân hàng đó thế nào? Có được bảo vệ hoặc chiếu sáng tốt không?...
- Một địa chỉ ở khu vực kinh doanh sầm uất sẽ tăng thêm uy tín cho ngân hàng, đó là điều chắc chắn. Vị trí của tòa nhà hiển nhiên phải xứng với tầm vóc và
vị thế của ngân hàng, để khách hàng và đối tác có được sự tin tưởng khi sử dụng dịch vụ, đồng thời cũng để nhân viên cảm thấy tự hào khi được làm việc trong một tòa nhà hiện đại và hoành tráng.
- Cuối cùng không thể không nói tới phong thủy khi xác định vị trí cho hội sở của ngân hàng. Người ta luôn tin rằng, việc vận dụng phong thủy vẫn có thể tạo nên những “thần thoại”. Đó chính là lý do một số ngân hàng lớn đã rất chú trọng tới vấn đề phong thủyvà tuân theo phong thủy một cách tín cẩn.
* Đầu tư tài sản cố định:
Đầu tư vào tài sản cố định là một nội dung rất quan trọng bởi đầu tư vào nội dung này đòi hỏi khối lượng vốn lớn và thời gian đầu tư lâu dài. Có thể nói tài sản cố định cũng như hệ thống hạ tầng cơ sở của một chi nhánh ngân hàng là bộ mặt của chi nhánh đó. Nếu không được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản thì vốn bỏ ra rất lớn nhưng không hiệu quả lại không tạo được ấn tượng và niềm tin đối với khách hàng. Trong dịch vụ ngân hàng huy động vốn, các khách hàng có nhu cầu gửi tiền rất quan tâm vào uy tín của ngân hàng mà mình sẽ gửi tiền và điều đầu tiên khách hàng nhìn thấy ở một chi nhánh ngân hàng là cơ sở vật chất của chi nhánh đó. Nếu một ngân hàng có được một hệ thống cơ sở vật chất tốt thì niềm tin của khách vào chi nhánh đó cũng lớn hơn. Mặt khác, khi có được cơ sở vật chất đầy đủ thì sẽ tạo được một môi trường làm việc ổn định, có hiệu quả cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Hoạt động đầu tư tài sản cố định phải tạo ra cơ sở vật chất và hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ tạo nên sự nhất quán của toàn hệ thống ngân hàng. Điều này ảnh hưởng quan trọng tới việc gây dựng hình ảnh đồng bộ, chuyên nghiệp của ngân hàng, tăng tính cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường.