3.1.1.1. Cơ sở pháp lý để phát triển nguồn lực thông tin
Môi trường pháp lý có ảnh hưởng đáng kể đến việc tổ chức hoạt động thông tin và xu hướng phát triển của nó. Gần như tất cả các nước phát triển đều có môi trường thuận lợi để phát triển hoạt động thông tin, thị trường sản phẩm và dịch vụ thông tin và Việt Nam cũng không nằm ngoài số đó.
Trong nền kinh tế tri thức, để xây dựng cơ sở tri thức, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam phải khai thác mọi phương tiện sẵn có cho việc tiếp thu tri thức từ bên ngoài và tạo ra tri thức ở trong nước. Vì không có một nước nào có thể tạo ra tất cả tri thức mà mình cần nên việc học tập từ những nước bên ngoài là một yếu tố quyết định chiến lược thành công cho tất cả các nước. Vì thế chính phủ mỗi nước cần có các chính sách trong việc sử dụng thông tin và tri thức để phát triển. Đó là những chính sách để đẩy mạnh việc thu nhận tri thức như: tìm ra các phương pháp mới và hiệu quả hơn cho sản xuất hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại; Thu hút đầu tư nước ngoài: hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài là những người đi đầu trong đổi mới, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước nỗ lực đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt nhất và khai thác các tác động lan tỏa về tri thức tiềm năng; Tạo cơ hội tiếp cận tri thức kỹ thuật độc quyền thông qua cấp giấy phép sử dụng công nghệ…Chính sách nâng cao năng lực hấp thụ tri thức. Chính sách để trao đổi tri thức trong thời đại thông tin.
66
Ý thức được những tác động to lớn của kinh tế tri thức đối với sự phát triển của nhân loại, sự phồn vinh và tăng trưởng bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc, những cơ hội và thách thức nó đặt ra đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã xem khoa học và công nghệ là một trong hai quốc sách hàng đầu. Song song đó Đảng và Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách, đường lối ưu tiên phát triển thông tin, tri thức như:
- Chỉ thị số 58/CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) ngày 17 tháng 10 năm 2000 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa”.
- Quyết định số 219/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9 tháng 9 năm 2005 về phê duyệt chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010. Xây dựng Chiến lược phát triển thông tin Việt Nam chính là nhằm xác định những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cơ bản và những giải pháp chủ yếu để thúc đẩy toàn bộ hệ thống thông tin cả nước không ngừng phát triển, cung cấp ngày càng kịp thời thông tin đa dạng, phong phú, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thông tin đã mở đường cho các cơ quan thông tin, những nhà cung cấp thông tin như DNTT Vĩ An cơ hội để xây dựng và phát triển nguồn lực thông tin cung cấp cho người dùng tin, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời kỳ đổi mới tiến vào kinh tế tri thức của Việt Nam.
3.1.1.2. Các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn lực thông tin
DNTT Vĩ An là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thông tin, nhưng hiện nay doanh nghiệp chưa có một văn bản chính thức về chính sách phát triển nguồn lực thông tin. Như phân tích trên, chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của chính sách phát triển nguồn lực thông tin đối với mỗi cơ quan
67
thông tin, vì vậy để có được nguồn lực thông tin đủ mạnh doanh nghiệp cần xây dựng chính sách phát triển nguồn lực thông tin.
Chính sách phát triển nguồn lực thông tin sẽ khái quát về chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển của doanh nghiệp, bản chất và phạm vi của nguồn tin mà doanh nghiệp định xây dựng. Chính sách này sẽ đưa ra những hướng bổ sung ưu tiên cũng như mức độ bổ sung cho từng chủ đề, từng chuyên ngành cụ thể. Đồng thời, chính sách cũng đưa ra các tiêu chuẩn lựa chọn, các loại hình tài liệu cụ thể cũng như các tiêu chí loại bỏ những tài liệu không còn phù hợp.
Cơ cấu của chính sách phát triển nguồn lực thông tin bao gồm các phần chính như sau: Trước hết là các quan điểm chung về phát triển nguồn lực thông tin của doanh nghiệp, ở đây cần phải nêu lên được chức năng của doanh nghiệp, vai trò của doanh nghiệp trong xã hội, quan hệ của doanh nghiệp với các doanh nghiệp có cùng chức năng. Đồng thời đề cập đến đối tượng người dùng tin của doanh nghiệp, đặc điểm người dùng tin và đặc điểm nhu cầu tin của họ. Đặc biệt cần nhấn mạnh diện bổ sung, các tham số của nguồn lực thông tin, số nguồn báo đang có, số sản phẩm và dịch vụ thông tin đang khai thác và sử dụng, loại tài liệu nào sẽ được ưu tiên bổ sung, các mức độ bổ sung, số lượng bản bổ sung….
Chính sách phát triển nguồn tin cần đưa ra một cách chi tiết về những lĩnh vực chuyên môn, như vậy sẽ xác định được các lĩnh vực chuyên môn theo đối tượng người dùng tin và xác định mức độ bổ sung của các lĩnh vực chuyên môn.
Chính sách phát triển nguồn lực thông tin được xây dựng dựa trên cơ sở nguồn kinh phí mà doanh nghiệp bỏ ra. Vì vậy các yếu tố về diện bổ sung, mức độ bổ sung, lựa chọn loại hình tài liệu hay lựa chọn nhà cung cấp….đều phải được cân nhắc, tính toán một cách thận trọng và hợp lý.
68
Để chính sách phát triển nguồn lực thông tin đạt được các mục tiêu đặt ra, người đứng đầu doanh nghiệp phải nắm bắt các điểm yếu, điểm mạnh của nguồn lực thông tin hiện có, nắm được đối tượng người dùng tin và nhu cầu tin; cũng như xu hướng phát triển của khoa học công nghệ và truyền thông trong tương lai.