Đặc điểm quy trình công nghệ

Một phần của tài liệu hoàn thiện kế toán quản trị chi phí sản xuất tại công ty ô tô toyota việt nam (Trang 62)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY Ô TÔ TOYOTA VIỆT NAM

2.1.2.2. Đặc điểm quy trình công nghệ

Công ty ô tô Toyota Việt Nam hiện đang tiến hành lắp ráp nội địa năm dòng xe: Camry, Corolla, Vios, Innova và Fortuner với quy trình sản xuất khép kín lần lượt qua năm phân xưởng: xưởng Dập – xưởng Hàn – xưởng Sơn – xưởng Lắp ráp – xưởng Kiểm tra.

Do công ty ô tô Toyota Việt Nam là công ty lắp ráp và sản xuất ô tô nên nguyên vật liệu đầu vào chủ yếu là linh kiện lắp ráp nhập khẩu từ các công ty thuộc Tập đoàn Toyota Nhật Bản. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hoá đạt được tương đối cao so với các công ty cùng ngành - khoảng 20% trên tổng chi phí thành phẩm. Bên cạnh những vật liệu chính đã được nội địa hoá như bộ ghế xe, dây điện, ăng ten, bộ dụng cụ, ắc quy, la- răng, một số loại tấm thép gia cố khung xe Fortuner, tấm thép dập để dập nên vỏ thân xe…, công ty ô tô Toyota Việt Nam còn nội địa hoá được một số những mặt hàng phụ

tùng lắp lên xe để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng khách hàng cụ thể như bộ đài đĩa trên xe ô tô, la-răng, bộ thảm lót sàn…

Quá trình lắp ráp một chiếc xe thành phẩm từ xưởng Dập đến xưởng Kiểm tra chi tiết như sau:

* Tại xưởng Dập:

Dập là công đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất một chiếc ô tô trong nhà máy. Công ty ô tô Toyota Việt Nam chỉ dập vỏ thân xe và một số chi tiết dập khác ở bốn dòng xe: Corolla, Vios, Innova và Fortuner. Có hai phân đoạn chính được thực hiện trong xưởng dập: dập bằng máy và gia công bằng tay.

Thép tấm được mua về là tấm dập bán thành phẩm đã được tạo hình cơ bản tại nhà cung cấp nội địa hoặc nhập khẩu từ Indonexia và Thái Lan (chỗ lắp cánh cửa, lắp kính hoặc nắp bình xăng…).

Tại phân đoạn dập bằng máy, thép tấm được đưa vào máy dập để dập tạo hình khối. Tuỳ theo tấm dập là của dòng xe nào mà sử dụng khuôn dập và số lần dập phù hợp để tạo thành bán thành phẩm chuyển sang phân đoạn gia công.

Tại phân đoạn gia công, bán thành phẩm được tạo lỗ nhỏ nhờ vào những đồ gá có độ chính xác cao, rồi sau đó được chuyển sang phân đoạn mài để loại bỏ những phần rìa được tạo ra từ công đoạn dập và công đoạn tạo lỗ.

Đầu ra của xưởng Dập là vỏ thân xe, cánh cửa và một số chi tiết khác. Những chi tiết này được chuyển sang xưởng Hàn.

* Tại xưởng Hàn:

Công đoạn tiếp theo của quy trình sản xuất sau công đoạn Dập là công đoạn hàn các chi tiết với nhau để tạo nên vỏ thân xe, cánh cửa và một số những chi tiết hàn nhỏ khác. Cả năm dòng xe mà Công ty sản xuất đề được hàn tại xưởng Hàn. Tuy nhiên, đối với hai dòng xe bảy chỗ là Innova và Fortuner, có thêm công đoạn Hàn khung xe bên cạnh công đoạn hàn các chi tiết giống như các dòng xe còn lại.

Trước tháng 2 năm 2012, xưởng Hàn được chia thành hai dây chuyền. Dây chuyền Hàn số 1 để hàn Hiace, dây chuyền Hàn số 2 hàn các dòng xe còn lại. Từ tháng 2 năm 2012, công ty không sản xuất và lắp ráp dòng xe Hiace nữa mà thay vào đó là nhập khẩu nguyên chiếc nên dây chuyền Hàn số 1 cũng được dỡ bỏ.

Về tổng quan, có hai phân đoạn trong dây chuyền Hàn: Thứ nhất là phân đoạn hàn phần khung chính của xe. Ở phân đoạn này, các chi tiết trần xe, vỏ thân xe sẽ được

hàn với nhau bởi các điểm hàn. Số lượng và vị trí các điểm hàn được tiêu chuẩn hoá trong bản vẽ thiết kế, công ty cũng sử dụng những đồ gá với nhiều kích thước và đặc điểm khác nhau để đáp ứng được yêu cầu chính xác trong việc hàn các chi tiết. Thứ hai là phân đoạn hàn những chi tiết nhỏ trên xe. Ở phân đoạn này, các chi tiết nhỏ sẽ được hàn với nhau thành những cụm chi tiết nhỏ hơn và được hàn vào khung xe.

* Tại xưởng Sơn:

Sau khi được hàn, phần khung xe được chuyển sang xưởng Sơn, bắt đầu công đoạn sơn màu cho thân xe. Mỗi một khung xe sau khi ra khỏi xưởng hàn được gắn với một loại mã màu nhất định, số lượng về màu của mỗi loại xe được quyết định theo kế hoạch sản xuất phù hợp nhất với nhu cầu thị trường. Tại xưởng Sơn, khung xe trải qua những phân đoạn như sau:

Tại phân đoạn tiền xử lý bề mặt, khung xe được tẩy dầu và rửa nước để loại bỏ dầu thừa, bụi và sạn trên bề mặt sau hàn. Sau đó là phân đoạn định hình bề mặt; tại phân đoạn này, những đường xước rất nhỏ sẽ được tạo ra trên bề mặt cần sơn, mục đích để tăng độ bám của sơn sau này. Tiếp theo, khung xe được chuyển sang bể Phốt-phát, tại bể này, một màng phốt-phát mỏng được tạo ra mục đích để sơn điện ly bám được vào bề mặt chi tiết tốt hơn. Ở giai đoạn cuối của phân đoạn tiền xử lý bề mặt, thân khung xe được rửa nước cất để đảm bảo được làm sạch hoàn toàn, sẵn sáng cho phân đoạn tiếp theo – phân đoạn sơn điện ly.

Khung xe theo hệ thống băng chuyền được chuyển vào bể sơn điện ly. Mục đích của giai đoạn này là dựa vào liên kết ion giữa kim loại và sơn để tạo ra lớp sơn chống gỉ, tạo bề mặt phẳng để lớp sơn lót có thể bám đều và tốt nhất. Do lớp sơn điện ly được tạo ra từ liên kết ion giữa kim loại và sơn, nên phần sơn bám cơ học lên khung xe sẽ được loại bỏ trong giai đoạn rửa nước cất trước khi được chuyển vào lò sấy – giai đoạn cuối cùng của phân đoạn sơn điện ly. Sau khi được sấy, lớp sơn chống gỉ sẽ rắn lại và bám chắc hơn vào bề mặt của khung xe.

Bao ngoài lớp sơn điện ly chống gỉ là lớp sơn lót. Do bề mặt của sơn điện ly có độ bóng nhẵn không tốt nên cần thiết sơn lót để tạo độ bóng nhẵn trước khi sơn màu và tăng cường độ bám dính của lớp sơn màu với lớp sơn điện ly.

Sau khi được sơn lót, khung xe được sơn màu nền theo mã màu đã được quy đinh trước. Lớp sơn ngoài cùng có tác dụng bảo vệ lớp sơn màu, tạo độ bóng và độ cứng cho vỏ thân xe.

Sau cùng, vỏ thân xe được đi qua buồng sấy khô sơn trước khi chuyển sang xưởng lắp ráp để tiến hành lắp ráp linh kiện.

* Tại xưởng Lắp ráp:

Phần khung xe sau khi được sơn màu hoàn chỉnh được chuyển sang xưởng lắp ráp để hoàn thiện thành thành phẩm. Khung xe của Camry, Corolla và Vios được chuyển vào dây chuyền lắp ráp số 1 còn khung xe của Innova và Fortuner được chuyển vào dây chuyền lắp ráp số 2. Ở cả hai dây chuyền này, có ba phân đoạn chính trước khi thành phẩm được tạo ra.

Thứ nhất là phân đoạn lắp cơ bản: Phân đoạn này chịu trách nhiệm lắp những chi tiết bên trong xe như dây điện sàn, lắp bảng Tap-lô, lắp cản trước, cản sau cho xe… ngoài ra, các chi tiết của cửa cũng được chuẩn bị trong phân đoạn này bao gồm lắp tay nắm cửa, lắp kính…

Sau đó là phân đoạn gầm và động cơ: Phân đoạn này tiến hành lắp cầu trước, cầu sau của xe, lắp động cơ,bình xăng, ống xăng và dầu.

Cuối cùng là phân đoạn hoàn thiện: Thảm lót sàn, ghế xe, ắc quy, cánh cửa được lắp vào thân xe. Ngoài ra, ở phân đoạn này, việc lắp đặt động cơ cũng được hoàn thiện. Cùng với một số những thao tác hoàn thiện khác để tạo thành xe thành phẩm.

Xe thành phẩm sẽ được lái sang xưởng Kiểm tra để tiến hành kiểm tra tổng thể lần cuối trước khi xuất xưởng.

* Tại xưởng Kiểm tra:

Xe thành phẩm sau khi ra khỏi xưởng Lắp ráp phải đi qua những khâu kiểm tra toàn diện ở xưởng Kiểm tra. Với tiêu chí “Không để lỗi sang công đoạn sau”, tại mỗi xưởng sản xuất đều có bộ phận kiểm tra chất lượng của riêng xưởng đó, tuy nhiên, sau khi sản xuất hoàn chỉnh, xe thành phẩm vẫn phải trải qua những công đoạn kiểm tra sau: Kiểm tra tốc độ, kiểm tra đồng hồ trên xe, kiểm tra hệ thống điện trong xe, kiểm tra khả năng chống dột và rò nước tại phòng phun mưa trong vòng 10 phút… cùng với nhiều hoạt động kiểm tra đặc thù khác.

Bất kỳ lỗi nào được phát hiện, xe thành phẩm đều được đưa về đúng xưởng phát sinh ra lỗi đó để sửa lỗi, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho xe xuất xưởng.

Nhìn chung, quy trình sản xuất xe tại công ty ô tô Toyota Việt Nam được khái quát theo sơ đồ dưới đây:

Một phần của tài liệu hoàn thiện kế toán quản trị chi phí sản xuất tại công ty ô tô toyota việt nam (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w