Về phía cơ quan nhà nước

Một phần của tài liệu hoàn thiện kế toán quản trị chi phí sản xuất tại công ty ô tô toyota việt nam (Trang 132)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY Ô TÔ TOYOTA VIỆT

3.3.1.Về phía cơ quan nhà nước

- Thứ nhất, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế tài chính, hệ thống pháp luật đặc biệt là luật kinh tế, tài chính và tiếp tục hoàn thiện chế độ kế toán hiện hành phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực kế toán quốc tế.

Thực hiện được việc hoàn thiện này, Nhà nước mới tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, Nhà nước cần ban hành những chính sách phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế. Mỗi doanh nghiệp sẽ tự nhận thấy sự cần thiết phải tổ chức công tác kế toán quản trị để nhà quản trị dựa vào đó đưa ra những quyết định phù hợp để ứng phó với thị trường.

-Thứ hai, như đã phân tích ở chương 2, Nhà nước cần xây dựng và ban hành những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về kế toán quản trị bên cạnh những quy định hiện hành về kế toán tài chính

Mặc dù đã có Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp nhưng trong Thông tư, Bộ tài chính chủ yếu nêu ra hướng dẫn có tính chung chung, giải thích thuật ngữ là chính mà chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đầy đủ kế toán quản trị do học hỏi từ các Công ty mẹ hoặc các Công ty trong tập đoàn, tuy nhiên thị trường và nền kinh tế Việt Nam có những đặc thù nhất định nên vẫn rất cần có sự hướng dẫn cụ thể về kế toán quản trị từ phía cơ quan Nhà nước.

- Nhà nước cần tổ chức tiếp thu và học hỏi nhiều hơn từ kế toán quản trị của những nước phát triển trên thế giới.

Thực tế, kế toán quản trị tuy còn mới mẻ với Việt Nam sonh nó đã được các nước phát triển áp dụng từ khá lâu. Việc học hỏi kinh nghiệm lý luận cũng như thực tiễn là việc làm cần thiết. Nhà nước cần cử những chuyên gia, cán bộ kế toán Việt Nam sang các nước này để học hỏi thêm về kế toán quản tri, từ đó so sánh với tình hình trong nước, trước mắt là áp dụng những điểm tương đồng và khắc phục những nhược điểm đang tồn tại. Đồng thời với việc cử người ra nước ngoài, Nhà nước có thể mời các chuyên gia kế toán quản trị trên thế giới về trực tiếp giảng dạy và truyền thụ kinh nghiệm cho những người đã có kiến thức về kế toán quản trị để nâng cao trình độ của họ, đào tạo họ thành chuyên gia về kế toán quản trị. Những chuyên gia này sau này sẽ đào tạo những đội ngũ kế toán quản trị kế tiếp cho đất nước. Thực tế trong nền kinh tế hiện nay, vẫn có những doanh nghiệp đang thực hiện rất tốt công tác kế toán quản trị, Nhà nước có thể tổ chức những buổi hội thảo để các doanh nghiệp này chia sẻ kinh nghiệm kế toán quản trị với những doanh nghiệp khác đang còn non yếu hơn.

- Hiện nay, số trường Đại học có đào tạo kế toán ngày càng tăng lên nhưng không phải tất cả đều giảng dạy kế toán quản trị, và nội dung giảng dạy kế toán quản trị ở mỗi

trường lại khác nhau. Do đó, Nhà nước cần có quy định đưa kế toán quản trị thành một trong những môn cơ bản của đào tạo kế toán bên cạnh kế toán tài chính; hơn nữa, Nhà nước cũng cần thống nhất nội dung giảng dạy kế toán quản trị tại các trường Đại học trên cả nước.

- Không những vậy, nội dung kế toán quản trị cũng cần thiết được giảng dạy ở chuyên ngành khác ngoài chuyên ngành kế toán như là chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Nhưng việc giảng dạy kế toán quản trị ở chuyên ngành Quản trị kinh doanh sẽ không đi sâu vào việc thực hiện báo cáo mà sẽ hướng đến kỹ năng nhìn nhận bản chất các khoản mục chi phí, kỹ năng đọc các báo cáo sản xuất để có thể nhìn ra những vấn đề bất thường, những lãng phí từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.

Một phần của tài liệu hoàn thiện kế toán quản trị chi phí sản xuất tại công ty ô tô toyota việt nam (Trang 132)