Từ lâu, thuỷ sản đã là loại thực phẩm phổ biến, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có biển hoặc có các thuỷ vực nội địa lớn. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân cư, nhu cầu về thuỷ sản ngày càng lớn hơn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng đa dạng, từ cao cấp đến bình dân. Ngoài ra, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm của thuỷ sản cao hơn các loại thực phẩm khác, trong khi dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có chiều hướng gia tăng càng làm cho nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản trên thế giới tăng mạnh. Tăng trưởng tiêu dùng thuỷ sản không những diễn ra mạnh mẽ ở các nước phát triển, mà còn ở các nước đang phát triển. Cùng với xu hướng tiêu thụ này thì việc trao đổi, xuất nhập khẩu thuỷ sản giữa các quốc gia được đẩy mạnh và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Thuỷ sản không chỉ là nguồn thực phẩm quan trọng trong đời sống dân cư mà còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều nước, đặc biệt là những nước đang phát triển. Trong số các nhà xuất khẩu thuỷ sản, Việt Nam được coi là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản nhanh nhất. Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam thời kỳ 1992 – 2003 có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9,97%/năm. Năm 1992, giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam mới là 307,7 triệu USD, nhưng 10 năm sau giá trị này đã tăng gấp 6,57 lần, đạt 2,023 tỷ USD (năm 2002). Từ năm 2001, Việt Nam đã có tên trong nhóm 10 nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu trên thế giới, cho đến nay Việt Nam đã đứng trong tốp 5 nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới. Cụ thể như sau:
*Kim ngạch xuất khẩu
Giá trị kim ngạch xuất khẩu thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong các bộ phận của nền kinh tế (mức tăng trong 15 năm 1980 – 1995 đạt trung bình trên 35%/năm). Đến cuối năm 1996, Việt Nam đứng thứ 30 về kim ngạch xuất khẩu và đứng đầu về tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2000 tốc độ tăng
trưởng đạt 52,31%, năm 2001 đạt 20,14%. Đến 2002 giá trị xuất khẩu đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD, bằng tổng giá trị kim ngạch của cả thời kỳ 1980-1995. Năm 2005, xuất khẩu thuỷ sản đạt 2.740 triệu USD chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tương đương 5,95% thu nhập quốc dân. Xuất khẩu thuỷ sản giữ vị trí thứ 4 trong các ngành xuất khẩu hàng đầu của cả nước và luôn là ngành dẫn đầu về giá trị xuất khẩu thuần (sau khi trừ đi giá trị nhập khẩu). Trong số các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu thì thuỷ sản luôn chiếm vị trí số 1, tiếp đến là gạo, cà phê, rau quả, cao su. Năm 2006 và 2007, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục tăng và đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra lần lượt là 3,36 và 3,75 tỷ USD. Đến năm 2008, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt mức 4,5 tỷ USD.
Bảng 2: Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản qua các năm (đơn vị tính: tỷ USD) Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 Kim ngạch xuất khẩu 1,47 1,78 2,03 2,2 2,4 2,74 3,36 3,75 4,5
Nguồn số liệu: Báo cáo tổng kết Ngành qua các năm 2000-2008, Bộ NN & PTNT * Thị trường xuất khẩu thuỷ sản
Đến hết năm 2007 hàng thuỷ sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 135 nước và vùng lãnh thổ với các thị trường mới mở và đầy tiềm năng như Trung Đông, Đông Âu và các nước SNG thuộc Liên Xô cũ. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2007, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước đã đạt khoảng 925 nghìn tấn trị giá 3,762 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2007, Việt Nam tiếp tục đứng trong danh sách 10 nước Xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Mặt hàng tôm sú và cá tra, basa của Việt Nam đã trở nên rất phổ biến trên các thị trường
lớn và cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản… nhờ những tiến bộ về chất lượng, sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm và tính cạnh tranh về giá cả.
* Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thuỷ sản
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong thời gian hơn 2 thập kỷ qua. Năm 1986 hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng nguyên liệu sơ chế đông lạnh, trong đó tôm chiếm tới 64%, xuất khẩu cá không đáng kể. Từ đó đến nay, mặc dù khối lượng và giá trị xuất khẩu tôm vẫn liên tục tăng nhưng tỷ trọng trong tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu đã giảm dần do các mặt hàng khác tăng nhanh hơn, đặc biệt là cá. Kết quả xuất khẩu những năm gần đây cho thấy rõ diễn biến đó. Đến năm 2003, xuất khẩu cá đã chiếm 1/3 khối lượng và 1/5 giá trị xuất khẩu. Năm 2005, Việt Nam xuất khẩu 258,25 nghìn tấn cá các loại (chiếm tới 40,91% khối lượng xuất khẩu) gồm các mặt hàng cá đông lạnh, cá khô, và sản phẩm cá trị gia tăng khác, thu về 691,94 triệu USD (25,36% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản). Trong năm 2006, tỷ trọng cá xuất khẩu còn tăng cao hơn nữa (33,1% giá trị xuất khẩu thuỷ sản) và xu thế này còn tiếp diễn trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôm đông lạnh vẫn duy trì được vị trí là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, chiếm gần 1/2 giá trị xuất khẩu, tiếp theo là cá đông lạnh với tỷ trọng xấp xỉ 22%. Mặt hàng mực, bạch tuộc đứng vị trí thứ ba chiếm 5 – 7%, tỷ trọng hàng khô có xu hướng giảm (11,7% năm 2001 xuống còn 5,83% năm 2005). Người tiêu dùng ngày càng hướng tới sử dụng các loại sản phẩm chất lượng cao, tiện dụng, tốn ít thời gian chế biến. Đáp ứng yêu cầu này, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam đã tăng cường đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất hiện đại, sản xuất ra nhiều chủng loại mặt hàng đa dạng, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng cũng được nâng lên, điều này đã đem lại lợi ích rõ rệt. Đến nay các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là tôm, cá tra, cá biển, nhuyễn thể, các loại thủy sản đông lạnh và các loại thủy sản khô. Bên cạnh đó, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nước ta ngày càng bổ sung thêm các mặt hàng có giá trị như cá ngừ, nghêu và một số đặc sản khác.