Các nhân tố quốc tế

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 89 - 94)

2 Kháng sinh Floroquinodones và Chloramphenicol 17 lô

3.1.1.Các nhân tố quốc tế

Các nhân tố quốc tế tác động không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam nhất là từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO). Thông qua tổ chức này, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện được hưởng mức thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản vào các nước là thành viên WTO, đặc biệt là các nước mà hàng thuỷ sản Việt Nam có khả năng thâm nhập và tiêu thụ với khối lượng lớn như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc… Đây là cơ hội to lớn để doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường và có cơ hội đạt hiệu quả kinh doanh lớn. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam có thể vượt qua những rào cản về kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm, về môi trường của các nước nhập khẩu thuỷ sản lớn như Mỹ, EU… để thâm nhập, giữ vững và mở rộng thị phần, đạt giá trị xuất khẩu cao trên thị trường các nước này. Tuy nhiên gia nhập vào tổ chức WTO, ngành thuỷ sản sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu thuỷ sản khác, đặc biệt là những nước có tiềm năng phát triển thuỷ sản như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Trong đó Trung Quốc là nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao khoảng 20%/năm. Thái Lan là nước xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới, với sản phẩm chủ lực là tôm chân trắng, là loài nuôi cho năng suất cao, ít dịch bệnh,

giá thành thấp và là đối tượng cạnh tranh chủ lực với tôm sú của Việt Nam. Trong số các sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm ăn liền, sản phẩm giá trị gia tăng của Thái lan chiếm tỷ trọng lớn và nước này cũng chú trọng hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Rõ ràng rằng Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bănglađét đang và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh “nặng ký” của thuỷ sản Việt Nam. Hơn nữa, các doanh nghiệp có khả năng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, việc gia nhập sẽ giúp các doanh nghiệp được giải quyết thỏa đảng hơn theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, hạn chế tình trạng áp đặt đơn phương như hiện nay. Theo Cục quản lý cạnh tranh Bộ Thương mại, từ năm 1994 đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với hơn 30 vụ kiện bán phá giá từ phía Mỹ và Châu Âu. Ngành thuỷ sản có thể nói là ngành đầu tiên chịu thử thách, rủi ro từ hội nhập. Đó là những vụ kiện bán phá giá phi lý đối với hai sản phẩm chủ lực của ngành thuỷ sản trên thị trường Mỹ: cá tra, basa và tôm. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các vụ kiện chống bán phá giá vẫn còn cản trở đối với mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam gia nhập WTO làm cho hàng thủy sản bị cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường nội địa do ảnh hưởng từ việc cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong những năm vừa qua không lớn, dao động trong khoảng từ 90 - 100 triệu USD mỗi năm. Nếu so sánh với kim ngạch xuất khẩu, thì kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam còn rất nhỏ bé, chỉ bằng 4 - 5%. Thêm vào đó, Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu thô phục vụ cho chế biến xuất khẩu, các loại sản phẩm thuỷ sản chế biến được nhập khẩu với số lượng rất hạn chế. Một phần bởi vì năng lực của ngành thuỷ sản đã được nâng cao hơn rất nhiều, đã có khả năng nhập trực tiếp nguyên liệu để chế biến các sản phẩm cao cấp xuất khẩu sang các thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, thu nhập của nhân dân sẽ gia tăng và nhu cầu sử dụng các sản phẩm cao cấp của nước ngoài hoặc các loại thuỷ sản quý hiếm mà hiện Việt Nam chưa nuôi trồng hoặc chế biến được sẽ gia tăng mạnh. Hiện nay, các loại thuỷ sản cao cấp như cá hồi đã được bắt đầu đưa vào nuôi trồng thử nghiệm tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn trong nước. Trong khi đó, thuế suất MFN hiện hành của Việt Nam đối với các mặt hàng thuỷ sản chế biến dao động từ khoảng 30-40%. Đây là mức thuế suất khá cao và đủ tác dụng bảo hộ đối với các sản phẩm thuỷ sản trong nước sản xuất. Tuy nhiên, với việc gia nhập WTO mức thuế này khó có thể được duy trì cao như vậy. Trong thời gian trước mắt, ngành thuỷ sản chưa bị ảnh hưởng nhiều với việc cắt giảm thuế nhưng trong thời gian từ 3-5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, khi thị trường đối với các loại thủy sản cao cấp và hiếm đã đủ lớn và nhất là khi ngành thuỷ sản đã có các sản phẩm tung ra để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thì tác động của việc cắt giảm thuế mới thấy rõ.

Ngoài những yếu tố tác động từ tổ chức WTO, còn nhiều yếu tố quốc tế khác tác động đến xuất khẩu thuỷ sản, cụ thể là nhu cầu và nguồn cung cấp thuỷ sản thế giới. Theo FAO sự tăng trưởng dân số cùng với sự xuất hiện của những căn bệnh ở gia cầm, gia súc thì thuỷ sản ngày càng được tin tưởng như một loại thực phẩm ít gây bệnh tim mạch, béo phì, ung thư… và ít chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Theo một số chuyên gia dự đoán, xuất khẩu thuỷ sản thế giới trong năm 2008 có khả năng bị chi phối nhiều bởi một số điều chỉnh như sau:

Cán cân thương mại trên thị trường thủy sản thế giới ngày càng nghiêng về hướng thâm hụt, nhưng tình hình chung vẫn là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nguồn cung cấp về giá thành, chất lượng và sự đa dạng, tiện dụng của sản phẩm. Nền kinh tế Mỹ không ổn định và đe doạ suy thoái

khiến đồng Đôla Mỹ tiếp tục bị mất giá và xu hướng tỷ giá hối đoái của đồng tiền này đối với một số đồng tiền ở một số nước không thuận lợi khiến lợi nhuận của nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản bản địa bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là rào cản kỹ thuật trong thương mại và các tiêu chuẩn tự nguyện ở các thị trường nhập khẩu chính như EU, Đông Âu, Nhật Bản, Mỹ, Bắc Mỹ và Ôxtrâylia sẽ ngày càng nâng cao và nhiều hơn. Tuy nhiên, một điều được khẳng định là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Canađa, Nga… sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu thủy sản. Nhu cầu đối với philê cá sẽ tăng mạnh hơn, nhất là các thị trường trong khối EU. Nhu cầu đối với nhuyễn thể chân đầu cũng sẽ tăng ở các thị trường như Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, Thị trường Nhật có thể tiếp tục suy thoái, nhập khẩu thủy sản có thể chỉ ở mức như năm 2006, thậm chí có thể thấp hơn. Nhưng nhiều nước, như Thái Lan, Inđônêxia vẫn tìm được mảng thị trường riêng, thích hợp để đẩy mạnh xuất khẩu thành công đối với các sản phẩm thủy sản chế biến GTGT, tiện dụng, các sản phẩm đặc trưng của Nhật (như sushi, tempura, sashimi...). Tương tự, thị trường EU, Mỹ cũng sẽ tăng cường nhập khẩu hàng thủy sản chế biến giá trị gia tăng. Hiện nay, tôm chân trắng đang ngày càng được ưa chuộng rộng rãi hơn ở các thị trường lớn nhờ ưu thế về giá thành, đồng thời kích cỡ đã được cải thiện rất nhiều. Ngày càng nhiều nước đẩy mạnh sản lượng nuôi khiến nguồn cung cấp ổn định và chất lượng hơn. Giá thủy sản trong năm 2007 đã tăng lên ở nhiều thị trường thuộc khối EU và có khả năng tiễp tục tăng trong năm 2008. Như vậy là nhu cầu thuỷ sản toàn thế giới đã không ngừng tăng lên kể từ năm 1950 đến nay và dự kiến đạt mức 121 triệu tấn vào năm 2010 (tăng 22% so với năm 2001) và khoảng 130-145 triệu tấn vào năm 2020. Một dự báo xa hơn nữa đến năm 2030, mức tăng tiêu thụ có thể lên tới 25-30%. Đây là mức tăng cao và mở ra triển vọng to lớn cho ngành thuỷ sản.

Bảng 10: Dự kiến nhu cầu thuỷ sản thực phẩm thế giới năm 2010 của FAO Đơn vị: 1000 tấn Danh mục Đơn vị Châu Phi Bắc Mỹ Caribê, Trung Nam Mỹ Châu Á Châu Âu gồm cả Nga Châu Đại Dƣơng Toàn thế giới Tổng nhu cầu 1000 tấn 7.999 7.769 6.307 83.841 14.583 753 121.149 Dân số Tr, ng 997 332 595 4.145 713 34 6.816 Bình quân đầu người Kg/ng 8 23,4 10,6 20,2 20,5 22,1 17,8

Nguồn: Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010, Bộ Thủy sản (Bộ NN&PTNT)

Mỗi năm nhu cầu thuỷ sản tăng trung bình 2 triệu tấn, trong đó hàng thuỷ sản tươi sống có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt ở khu vực Đông Á là (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung quốc, Đài Loan…) các mặt hàng sống đang có nhu cầu cao và tăng nhanh là: tôm hùm, cua biển, cá vược, cá mú, cá trình, cá chép, sò điệp. Các mặt hàng tươi là cá ngừ, cá hồi. Hàng thuỷ sản đông lạnh lại có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt là ở các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Cầu thuỷ sản có xu hướng tăng nhanh nhưng nguồn cung cấp từ khai thác tự nhiên lại có xu hướng giảm do việc khai thác quá mức các nguồn lợi thuỷ sản. Hầu hết các nước trên thế giới từ châu Âu đến châu Á đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới. Tuy nhiên nuôi trồng thuỷ sản sẽ có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, với những ưu thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, sản phẩm chế biến phong phú và thực tế gia nhập WTO trong thời gian qua sẽ tiếp tục mang lại cho Thuỷ sản Việt Nam những cơ hội to lớn để đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, khi mà sản lượng

thuỷ sản nuôi trồng cũng đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là những nước có tiềm năng phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… và các chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu càng tinh vi, với tần suất các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng thường xuyên hơn, đòi hỏi ngành thuỷ sản phải có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao sức cạnh tranh, nếu muốn tiếp tục duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng cũng như vị thế của mình.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 89 - 94)