Những điều kiện cơ bản cho sự phát triển của ngành thuỷ sản xuất khẩu

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 45 - 48)

XUẤT KHẨU THUỶ SẢN VIỆT NAM

2.1. Tổng quan về ngành thuỷ sản

2.1.1. Những điều kiện cơ bản cho sự phát triển của ngành thuỷ sản xuất khẩu xuất khẩu

Nước ta có chiều dài bờ biển 3.260 km, với 112 cửa sông, lạch, có vùng nội thuỷ và lãnh hải rộng 226.000km2, vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2, từ lâu đã được coi là một quốc gia có tiềm năng kinh tế biển, trong đó tài nguyên và nguồn lợi thuỷ sản đóng vai trò rất quan trọng.

* Các nguồn lợi/tài nguyên thuỷ sản:

Vùng biển nước ta, xét ở góc độ nghề cá, được chia thành 5 vùng: vùng biển vịnh Bắc Bộ, có diện tích 88.675km2, có độ sâu dưới 100m, theo số liệu điều tra, trữ lượng hải sản ở đây 681.000 tấn, khả năng khai thác cho phép 272.000 tấn. Vùng biển Trung Bộ, có thềm lục địa hẹp và dốc, trữ lượng hải sản khoảng 606.000 tấn, khả năng khai thác cho phép là 243.000 tấn. Vùng biển Đông Nam Bộ, thời tiết và khí hậu ở đây khá ổn định, ít bão, vì vậy tàu thuyền có thể ra khơi quanh năm. Trữ lượng hải sản là 2.186.000 tấn; khả năng cho phép khai thác là 834.000 tấn, đây được xem là ngư trường lớn nhất của Việt Nam. Vùng biển Tây Nam Bộ ( vịnh Thái Lan) có đáy hình lòng chảo, không sâu, thời tiết thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi quanh năm, trữ lượng hải sản của vùng là 507.000 tấn, khả năng khai thác cho phép là 203.000 tấn. Vùng giữa Biển Đông, bao gồm khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đáy biển rất sâu nên lâu nay ngư dân chỉ khai thác cá nổi, mực và một số loài cá ở rạn đá san hô quanh đảo. Như vậy, tính chung trữ lượnghải sản trong vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta là 1.670.000

tấn, trong đó cá đáy: 856.000 tấn, cá nổi: 694.000 tấn, cá nổi đại dương: 120.000 tấn. Hàng năm có thể khai thác từ 1,2 – 1,4 triệu tấn hải sản mà không làm ảnh hưởng đến tiềm năng nguồn lợi.

Ngoài ra, nguồn lợi thuỷ sản nước lợ và nước ngọt cũng rất phong phú. Môi trường nước lợ như các vùng nước cửa sông, ven biển, vùng rừng ngập mặn, đầm phá . Theo thống kê nước ta có tới 186 loài cá nước lợ chủ yếu, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá song, cá hồng, cá tráp, cá vược, cá bống, cá đối… về tôm có tôm sú, tôm lớt, tôm he Ấn Độ, tôm rảo, tôm nương. Ngoài ra còn có các loài nhuyễn thể như trai, hầu, điệp, nghêu, sò, ốc và 90 loài rong tảo đều là những nguyên liệu tốt cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Môi trường nước ngọt bao gồm các vùng ao hồ, sông, suối, ruộng, hồ chứa trong đất liền. Tính ra có tới hơn 544 loài thuỷ sản nước ngọt, trong đó có các loài cá chép, rô phi, tra, ba sa, trôi, bống, trê, lóc…và các loài tôm càng xanh, cá đồng, lươn, ba ba, ếch. Như vậy, có thể khẳng định rằng Việt Nam là nước có tiềm lực thuỷ sản không chỉ mạnh mà còn phong phú.

* Năng lực sản xuất, chế biến

Thuỷ sản là một trong những mặt hàng được xuất khẩu khá sớm với sản phẩm ban đầu là nước mắm Phú Quốc được các thương lái vận chuyển sang các nước trong khu vực và trên thế giới. Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu mang tính công nghiệp đầu tiên bắt đầu từ những năm 1962 – 1963 khi Nhà máy Cá hộp Hạ Long ra đời (năm 1957) để xuất khẩu sang thị trường các nước Xã hội chủ nghĩa (cũ) dưới dạng trao đổi hàng hoá. Đến năm 1964 sản phẩm thuỷ sản đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường ngoài khối Xã hội chủ nghĩa, ban đầu là Hồng Kông và Nhật, tuy nhiên số lượng còn nhỏ bé, chủ yếu là tôm đông lạnh, mực ướp đông, vỏ bào ngư và mực khô…

Đến năm 1995, sản xuất và chế biến thuỷ sản có sự tăng trưởng nhanh về cả số lượng và chất lượng. Các nhà máy chế biến được xây dựng nhiều và

được trang bị nhiều thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại như các thiết bị thiết bị đông lạnh Block, Đông gió, Đông IQF…

Hiện nay, cả nước có gần 500 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 320 nhà máy chế biến đông lạnh với tổng công suất thiết kế 4.262 tấn/ngày. So với năm 2006, công suất của các cơ sở chế biến hải sản tăng khoảng 40%, riêng năng lực chế biến xuất khẩu tăng khoảng 20%. Tuy nhiên hiện nay tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngày càng trở nên gay gắt. Công nghiệp chế biến thủy sản ngày càng phát triển nhanh, trong khi hiện nay nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng nhu cầu khiến cho nhiều nhà máy rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Để tránh tình trạng thiếu nguyên liệu, thừa công suất chế biến, tháng 7 năm 2007, Bộ Thủy sản, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chương trình sắp xếp lại sản xuất ngành thủy sản. Theo đó, Bộ sẽ thực hiện 3 giải pháp đồng bộ gồm: Quy hoạch cơ sở chế biến; phát triển dịch vụ xa bờ để nhanh chóng đưa hải sản vào các nhà máy; tổ chức tốt hoạt động đánh bắt xa bờ và bảo quản hải sản sau khai thác. Riêng đối với hoạt động chế biến, sẽ hình thành các cơ sở chế biến thủy sản tập trung gần nguồn nguyên liệu, nhất là những vùng có nghề nuôi phát triển mạnh; khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm, đầu tư công nghệ chế biến các mặt hàng tinh chế có giá trị xuất khẩu cao, đồng thời, có cơ chế quản lý tốc độ tăng năng lực chế biến, tránh tình trạng phát triển nhanh quá dẫn đến lãng phí công nghệ do sử dụng không hết công suất thiết kế. Một giải pháp nữa là đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp nhằm tăng nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

* Chính sách của Chính phủ

Từ năm 1981, ngành thuỷ sản được nhà nước cho phép tiến hành một loạt những cải cách quan trọng, xuất khẩu thuỷ sản trở thành ngành kinh tế đầu tiên được thực hiện thí điểm sử dụng một phần ngoại tệ để tái đầu tư,

nhập khẩu các trang thiết bị cần thiết, cũng như được hưởng lợi nhuận siêu ngạch từ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Từ đó ngành đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt. Giá trị xuất khẩu ngày một tăng, các thị trường liên tục được mở rộng. Hoạt động xuất khẩu đã góp phần thúc đẩy cho sự ra đời của hơn 100 nhà máy chế biến trong quãng thời gian 1981-1995.

Từ năm 1996, Nhà nước đã lần lượt thông qua ba chương trình lớn làm kim chỉ nam cho quá trình phát triển lâu dài của ngành đó là: Chương trình đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ (năm 1997), Chương trình phát triển xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2005 (năm 1998) và chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999- 2010 (năm 1999). Kết quả thu được từ ba chương trình, cộng với thành công của quá trình hội nhập sau những năm đổi mới đã làm cho giá trị kim ngạch xuất khẩu những năm đầu của thế kỷ 21 đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 45 - 48)