Giải pháp từ phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 109 - 115)

2 Kháng sinh Floroquinodones và Chloramphenicol 17 lô

3.2.3.Giải pháp từ phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) được thành lập ngày 12/6/1998 với mục đích phối hợp, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, giúp nhau nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam, phát triển tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thuỷ sản, đại diện và

bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên. Thời gian qua, Hiệp hội VASEP đã có những đóng góp đáng kể trong liên kết doanh nghiệp với nhau trong việc vượt qua các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại. Hiện nay, khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức WTO thì vấn đề này sẽ còn gay gắt hơn. Do vậy, VASEP cần tiếp tục có những giải pháp riêng để đối phó với những rào cản thương mại này, cụ thể:

* Hỗ trợ xúc tiến thương mại:

- Hiệp hội VASEP nhanh chóng hình thành các ủy ban ngành hàng vì sự hợp tác, phối hợp phải thể hiện trên từng nhóm ngành hàng một, bởi ngoài vấn đề chung, còn có những vấn rất riêng đối với từng nhóm hàng và chỉ có những người sản xuất cùng nhóm hàng đó mới cùng nhau giải quyết hệ quả vấn đề đó.

- Tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu thị trường nước ngoài thông qua việc tổ chức các đoàn tham gia hội chợ, triển lãm về thuỷ sản quốc tế; tổ chức các gian hàng triển lãm của thuỷ sản Việt Nam tại nước ngoài. Thường xuyên cung cấp các thông tin về xu hướng tiêu dùng, dự báo giá cả, cung cầu trên thị trường thuỷ sản thế giới. Tiến tới thành lập văn phòng của VASEP tại các thị trường chính như Nhật Bản, EU, Mỹ và Trung Quốc nhằm làm đầu mối thương mại và xúc tiến thị trường vào các thị trường lớn này.

- Thực hiện liên kết với thị trường, tức là liên kết trực tiếp với khách hàng của các thị trường đó. Điều này phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các doanh nghiệp thuỷ sản của Việt Nam với nhóm khách hàng nước ngoài. Hiện nay, với vị thế của ngành thủy sản Việt nam trên thị trường thế giới, Việt Nam có thể chuyển từ nhóm khách hàng có qui mô nhỏ sang nhóm khách hàng qui mô lớn.

* Hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu:

- Thực hiện liên kết dọc tức là chủ động liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu và các nhà chế biến. Đồng thời phải phát triển các mối liên kết ngang tức là liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng và liên kết dọc giữa doanh nghiệp ngành hàng đó với người sản xuất nguyên liệu. Đây là một trong những định hướng quan trọng trong hoạt động của VASEP.

- Liên kết hội viên, xoá bỏ cạnh tranh không lành mạnh như: tổ chức tốt các hình thức nhằm thu hút các nhà chế biến, các tổ chức và cá nhân kinh doanh nguyên liệu cùng nhóm mặt hàng trên cơ sở tự nguyện cùng có lợi để thống nhất chiến lược hoạt động chung, xoá bỏ cạnh tranh không lành mạnh như tranh mua nguyên liệu, giảm giá tranh khách hàng… nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng thuỷ sản Việt Nam với các nước.

* Hỗ trợ pháp lý:

Thực hiện liên kết với các tổ chức bảo vệ môi trường bởi tiếng nói của các tổ chức này có ý nghĩa quan trọng đối với khách hàng, đối với cộng đồng dân cư. Cho nên, việc đáp ứng các yêu cầu của tổ chức môi trường là một yếu cầu cần thực hiện. Làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp như tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, giải quyết vấn đề quản lý thuốc kháng sinh và hoá chất, đặc biệt là đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp trong việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nhà sản xuất nước ngoài giúp cho hàng thuỷ sản Việt Nam được đối xử và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường nước ngoài.

* Đào tạo nguồn nhân lực:

Tổ chức đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp: các khoá học như quản trị nhân sự, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thuỷ sản, quản lý hợp đồng

xuất nhập khẩu, các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, những biện pháp hạn chế tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập.

Kết luận: Sau hơn 1 năm gia nhập tổ chức WTO, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã tăng, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng nhiều trên khắp thế giới, chất lượng hàng thuỷ sản Việt Nam cũng được cải thiện nhiều, vượt qua được nhiều rào cản kỹ thuật về ATVSTP, môi trường của các nước nhập khẩu lớn như EU, Mỹ…. Tuy nhiên, theo dự báo nhu cầu tiêu dùng thuỷ sản trên thế giới vẫn rất lớn và ngày càng khắt khe hơn. Để đáp ứng được nguồn hàng xuất khẩu về số lượng cũng như chất lượng thì các cơ quan, ban ngành từ doan nghiệp, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cho đến Nhà nước đều đưa ra giải pháp riêng nhằm thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản phát triển hơn nữa. Với những giải pháp này, Việt Nam hy vọng sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đã đề ra cho ngành thuỷ sản từ nay đến năm 2020.

KẾT LUẬN

Thuỷ sản được coi là điểm sáng trong ngành kinh tế của Việt Nam. Những năm qua, nhờ biết tranh thủ những thuận lợi của quá trình mở cửa và hội nhập đã mang lại cho ngành những thành tựu đáng tự hào: tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn được duy trì ở mức 2 con số và được đánh giá là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu thuần lớn nhất cả nước.

Nhất là sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, nền kinh tế Việt Nam càng được hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và đã mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành, tuy nhiên cũng không ít ngành gặp phải khó khăn nếu không đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và ngành thuỷ sản cũng không nằm ngoài quy luật đó. Do vậy việc nghiên cứu thực trạng năng lực cạnh tranh và các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng thuỷ sản xuất khẩu trong thời gian tới là một việc làm có ý nghĩa thực tiễn. Quá trình phân tích năng lực cạnh tranh của thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam trong luận văn cho thấy các vấn đề sau:

1. Khái quát một số kinh nghiệm quốc tế cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam;

2. Làm rõ những điểm mạnh và điểm yếu trong năng lực cạnh tranh của hàng thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam thời gian qua. Dựa trên cơ sở lý luận và phân tích thực trạng tác giả đã nhận thấy rằng: hàng thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu thì giá thành sản phẩm thuỷ sản còn cao, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm còn nghèo nàn và điều quan trọng nhất là hàng thuỷ sản Việt Nam đến nay vẫn chưa có thương hiệu riêng. Đặc biệt có những hạn chế về điều kiện về các yếu tố sản xuất; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; sức cầu nội địa đối với các sản phẩm thuỷ sản chất lượng cao

còn thấp, cộng với các doanh nghiệp thuỷ sản chưa biết khai thác và đánh giá đúng tầm quan trọng của nhu cầu nội địa; các ngành phụ trợ như khai thác, nuôi trồng và cung cấp máy móc thiết bị phục vụ cho chế biến xuất khẩu thuỷ sản còn bấp bênh, chất lượng chưa ổn định và giá thành cao; bản thân các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản chưa xây dựng được chiến lược cạnh tranh dài hạn, còn bị động, phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Đây là những hạn chế nội tại của ngành thuỷ sản cộng với những khó khăn thách thức trong quá trình hội nhập như chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu và sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước xuất khẩu thuỷ sản khác, đòi hỏi trong thời gian tới ngành thủy sản phải có những biện pháp khẩn trương và quyết liệt để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

3. Trên cơ sở kết quả phân tích thực trạng, luận văn đã đề xuất các giải pháp để góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế như chưa phân tích sâu và có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường mới và trong quá trình phân tích, luận văn chưa lượng hoá được các chính sách cụ thể của ngành đối với kết quả xuất khẩu thời gian qua.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 109 - 115)