Những hạn chế của năng lực cạnh tranh hàng thuỷ sản Việt Nam

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 80 - 84)

2 Kháng sinh Floroquinodones và Chloramphenicol 17 lô

2.3.3. Những hạn chế của năng lực cạnh tranh hàng thuỷ sản Việt Nam

Cho đến nay năng lực cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam đã có những bước phát triển mới, tuy nhiên khi so sánh với các nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha… thì năng lực cạnh tranh của ta vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Nếu xét dưới góc độ

năng lực cạnh tranh về yếu tố đầu vào thì những điểm yếu thể hiện chủ yếu ở các mặt vốn, nguyên liệu, thị trường:

* Về nguồn nguyên liệu:

Điểm yếu của ngành thuỷ sản hiện nay là sự mất cân đối giữa khu vực sản xuất nguyên liệu và khu vực chế biến xuất khẩu. Cụ thể hơn là khu vực sản xuất nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu của khu vực chế biến xuất khẩu cả về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, quản lý an toàn vệ sinh trong khu vực sản xuất trước chế biến cũng bộc lộ những yếu kém. Công tác quản lý nguồn lợi, quản lý tàu thuyền trên biển... chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Nguồn cung cấp nguyên liệu không ổn định về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Nguồn cung cấp từ khai thác đã bắt đầu vượt mức giới hạn cho phép, trong khi nuôi trồng thuỷ sản có sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng trong những năm qua nhưng lại đang phải đối mặt với các vấn đề suy thoái môi trường, dịch bệnh, nguồn cung cấp giống không ổn định, còn phụ thuộc vào tự nhiên và nhập khẩu. Giá thành nguyên liệu còn cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Nguồn nguyên liệu luôn không ổn định, hết thừa lại đến thiếu. Ví dụ như việc phát triển quá nóng về sản lượng cá nuôi và công suất chế biến trong thời gian qua, trong khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất và nhà tiêu thụ, dẫn đến tình trạng thường xuyên thừa, thiếu nguyên liệu, đặc biệt là đối với con cá. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của người nuôi cá cũng như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Theo thống kê, sản lượng cá thu hoạch tính đến hết tháng 8 năm nay đạt khoảng 900.000 tấn, ước tính cả năm đạt 1,2 triệu tấn, bằng sản lượng theo quy hoạch xây dựng đến năm 2010. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến cuối tháng 8- 2008, tình hình cung vượt quá cầu về nguyên liệu cá cộng với khó khăn về vốn và lãi suất tiền vay do chính sách thắt chặt tiền tệ khiến giá cá tra nguyên

liệu ở mức quá thấp, chỉ từ 14.000 -15.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi cá lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Do đó, tình trạng treo ao, đã diễn ra với nhiều hộ nuôi cá. Từ đầu tháng 9/2008, do lượng cá quá cỡ, cá đến lứa thu hoạch không còn nhiều nên giá sẽ tăng nhanh. Với tình trạng này, chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vào quý IV năm nay và đầu năm tới.

- Các nhà máy chế biến mặc dù đã có sự đầu tư, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng. Tuy nhiên phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn khoảng 25% các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi việc quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thuỷ sản tại các vùng nuôi, trên các tàu khai thác còn nhiều bất cập, chưa được kiểm soát đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

* Về thị trường:

- Các mặt hàng xuất khẩu (trừ mặt hàng cá tra và basa) đều có giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc và Thái Lan. Các mặt hàng ăn liền, giá trị gia tăng vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp. Hơn một nửa các sản phẩm xuất khẩu vẫn là hàng đông lạnh hoặc dưới dạng sơ chế và được xuất khẩu thông qua các công ty trung gian, rất ít các sản phẩm có thể phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng.

- Thương hiệu của thuỷ sản cũng đang được coi là một thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt: Hiện hầu hết các mặt hàng thủy sản của được xuất khẩu thông qua các nhà nhập khẩu và được phân phối dưới nhiều thương hiệu khác nhau. Chỉ một số sản phẩm có chất lượng cao mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường quốc tế với thương hiệu của riêng mình, nhưng số đó là không đáng kể.

- Tình trạng sử dụng các loại kháng sinh và hoá chất cấm sử dụng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Thời gian qua các lô hàng thuỷ sản Việt Nam

liên tục bị cảnh báo tại các thị trường như EU, Mỹ, Canađa… đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của thuỷ sản Việt Nam. Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong 8 tháng đầu năm 2008 vẫn còn những lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Con số thống kê các lô hàng bị đối tác nước ngoài cảnh báo cho thấy mức độ vi phạm vẫn còn ở mức cao. Còn vấn đề mạ băng (để tạo giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm, đồng thời hạn chế sự mất nước cho sản phẩm), khách hàng yêu cầu mạ băng không quá 10% (cho thị trường Nga) và quy định mạ băng tối đa là 20% nhưng có nhiều doanh nghiệp mạ băng lên đến 30%. - Công tác xúc tiến thương mại đã được quan tâm nhưng chưa tạo được các kênh thông tin tới người tiêu dùng. Việc xây dựng thương hiệu chưa được đầu tư thoả đáng, chưa có thương hiệu mạnh ở tầm quốc gia.

* Về nguồn vốn:

Nguồn vốn luôn rất cần đối với cả các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như các doanh nghiệp, các hộ nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Tuy nhiên những năm vừa qua việc huy động vốn đang trở thành một vấn đề hết sức khó khăn đối với doanh nghiệp và người nuôi, nhất là trong tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn như những tháng đầu năm 2008. Việc nhiều ngân hàng khống chế dư nợ cho vay không vượt quá 30% so với cuối năm 2007 khiến việc vay vốn trở nên rất khó. Bên cạnh đó các doanh nghiệp thuỷ sản xuất khẩu còn gặp khó khăn trong việc các ngân hàng tăng cao mức lãi suất cho vay bởi lãi suất cho vay tiền đồng cao đã khiến chi phí vốn của doanh nghiệp đội lên rất cao, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu thủy sản, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản chủ yếu sử dụng nguyên liệu trong nước. Khó khăn về vốn làm giảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, điều này sẽ ảnh hưởng đến các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề tăng giá của các loại

phụ liệu dùng cho sản xuất như chi phí dầu, giấy, chi phí vận chuyển... tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản và ảnh hưởng gián tiếp đến các hộ nông dân nuôi trồng thuỷ sản.

Ngoài ra, chúng ta còn gặp nhiều những yếu kém khác liên quan đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của thuỷ sản xuất khẩu như:

- Chất lượng nguồn nhân lực được coi là tiền đề để nâng cao sức cạnh tranh thì lại rất hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH ngành thuỷ sản.

- Máy móc thiết bị phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản phần lớn phải nhập khẩu của nước ngoài với chi phí cao do công nghiệp trong nước chưa sản xuất được đã làm giá thành sản xuất sản phẩm cao.

- Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh ở các doanh nghiệp. Cạnh tranh mua nguyên liệu, giảm giá bán để tranh khách hàng; lạm dụng hóa chất tăng trọng; vi phạm các quy định về ghi nhãn sản phẩm, mua tôm nguyên liệu đã bị bơm chích tạp chất. Những việc làm này đã bị một số đối thủ nước ngoài lợi dụng, gây tác hại cho uy tín và quyền lợi chung của cộng đồng doanh nghiệp. Tình trạng manh mún khiến cho cạnh tranh nội bộ tăng cao, năng lực cạnh tranh chung của ngành bị suy yếu. Trong khi đó, công tác nghiên cứu, phân tích xu hướng biến động, dự báo thị trường, tìm hiểu sâu khách hàng còn thiếu và yếu. Chưa thông báo kịp thời những thay đổi môi trường kinh doanh, những quy định pháp luật để doanh nghiệp chủ động đối phó, chưa đủ năng lực để đáp ứng được yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)