M: yêu mến, quí mến
3. Phương pháp dạy các loại bài tập Mở rộng vốn từ
3.1 Phương pháp dạy bài tập Mở rộng vốn từ qua tranh vẽ
- Đối với dạng 1: Giáo viên hướng dẫn HS lần lượt đối chiếu từng từ cho sẵn với hình ảnh tương ứng, HS làm đúng nghĩa là các em đã nắm được nghĩa sự vật của từ. Nếu HS làm sai, giáo viên yêu cầu HS làm lại đến khi đưa ra được đáp án đúng.
- Đối với dạng 2: ở bài tập này, từ cần điền không cho sẵn. HS phải gọi tên sự vật, hiện tượng, hoạt động… được biểu hiện trong hình vẽ. Giáo viên hướng dẫn HS quan sát tranh, suy nghĩ và tìm từ tương ứng. Giáo viên cần có những gợi mở nhất định để giúp HS gọi tên được sự vật, hiện tượng, hoạt động phù hợp với mỗi hình vẽ.
- Đối với dạng 3: ở bài tập này hình ảnh không hiện rõ mà ẩn trong các bức tranh. Giáo viên cần hướng dẫn HS quan sát kỹ bức tranh, cho HS phát hiện từng sự vật ẩn trong tranh và gọi tên bằng một từ. Giáo viên có thể gợi ý bằng cách chỉ vị trí của sự vật để HS hình dung và gọi tên.
3.2 Phương pháp dạy bài tập Mở rộng vốn từ theo quan hệ ngữ nghĩa
Dạng 1: Mở rộng vốn từ theo chủ điểm
- Khi hướng dẫn HS thực loại bài tập này, giáo viên cần lưu ý: Muốn HS tìm được từ ngữ cùng chủ đề, HS cần có những hiểu biết về phạm vi hiện thực đời sống thuộc chủ đề đó. Những hiểu biết này biểu hiện không đồng đều giữa các HS và được coi là khó đối với HS tiểu học, đặc biệt là những hiểu biết về các lĩnh vực không gần gũi, quen thuộc với các em.
+ Đối với kiểu bài tập tìm từ gắn với những văn bản đã học hoặc có từ mẫu, GV cần dựa vào từ mẫu và văn bản đó để hướng dẫn HS tìm từ ngữ cùng loại, cùng nằm trong một trường nghĩa, cùng thuộc một chủ điểm (hoặc một phương diện của chủ điểm).
+ Đối với loại bài tập không có từ mẫu, trước hết GV cần nói rõ về phạm vi hiện thực của từ ngữ. Tiếp theo, GV có thể làm mẫu bằng cách nêu một, hai ví dụ để HS định hướng.
Dạng 2: Tìm từ theo các lớp từ (tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa)
Khi hướng dẫn HS làm loại bài tập này, để định hướng cho việc tìm từ, GV có thể giải thích về khái niệm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Trên cơ sở đó GVgợi ý, hướng dẫn HS tìm từ theo yêu cầu của từng bài tập. Để HS có điểm tựa trong việc tìm từ, GV có thể giải thích nghĩa của từ cho sẵn và nêu một số ngữ cảnh trong đó có sử dụng từ cho sẵn. Căn cứ vào từ mẫu, GV hướng dẫn HS tìm từ theo hệ thống tương tự.
Dạng 3: Tìm từ theo ý nghĩa khái quát
Đối với loại bài tập này, trước hết GV có thể yêu cầu HS giải thích hoặc giải thích cho HS các khái niệm chỉ sự vật, hoạt động, trạng thái, đặc điểm của người và vật. Trên cơ sở đó, GVhướng dẫn HS tìm các từ ngữ thuộc từng loại nói trên. Vì các em chưa được học các khái niệm tiếng, từ, danh từ, động từ, tính từ…nên yếu tố tìm được có thể là một tiếng, từ, hoặc cụm từ. Tuy nhiên, điều cơ bản là HS biết phân biệt từ chỉ sự vật, hoạt động, trạng thái, hay tính chất, đặc điểm.
3.3. Phương pháp dạy bài tập Mở rộng vốn từ theo quan hệ cấu tạo từ
- Giáo viên cần căn cứ vào từ mẫu để xác định từ đó thuộc vào từ ghép tổng hợp hay ghép phân loại để hướng dẫn HS tìm từ.
- Giáo viên cần chỉ rõ yêu cầu của bài tập là tìm từ chứ không phải tổ hợp từ, từ tìm được phải có nghĩa. Tuy nhiên, đối với HS lớp 2,3 do các em chưa học về khái niệm từ, nếu các em tìm được một số tổ hợp từ giáo viên có thể chấp nhận.
3.4. Phương pháp dạy bài tập Mở rộng vốn từ qua trò chơi giải ô chữ
Trước hết, GV lưu ý HS về đặc điểm cấu tạo của ô chữ, giả thiết cụ thể của mỗi loại ô chữ. Thứ hai, GV dựa vào từ điền mẫu và phần lời gợi ý, hướng dẫn HS lần lượt tìm từng từ cần điền ở mỗi dòng ngang.
3.5. Phương pháp dạy bài tập Phân loại, quản lý vốn từ
Dựa trên những tiêu chí phân loại khác nhau, người ta xây dựng thành nhiều dạng bài tập phân loại, quản lý vốn từ. Khi hướng dẫn HS phân loại từ ngữ, GV cần giúp HS nắm vững yêu cầu đề bài. Trên cơ sở đó, giáo viên xác định tiêu chí phân loại, đồng thời là căn cứ, chỗ dựa cho việc phân loại từ. GV hướng dẫn HS sử dụng các tiêu chí này để xử lý
tập hợp từ cần phân loại. Tùy theo đặc điểm mỗi dạng bài tập, GV đưa ra cách định hướng, gợi ý giúp HS phân loại từ.
+ Đối với dạng bài tập phân loại từ theo các trường nghĩa nhỏ hơn của một chủ điểm, GV cần giải thích rõ hơn về phạm vi hiện thực mà mỗi tập hợp từ biểu thị.
+ Đối với dạng bài tập phân loại từ dựa trên tiêu chí từ đồng nghĩa, trái nghĩa, GVcần giải thích khái niệm kết hợp với giải nghĩa từ.
+ Đối với dạng bài tập phân loại từ dựa trên đặc điểm cấu tạo từ, giáo viên cần giúp HS xác định tâp hợp từ cần phân loại thuộc từ đơn hay từ phức, từ ghép phân loại hay từ ghép tổng hợp.
+ Đối với dạng bài tập phân loại từ dựa trên yếu tố Hán của từ Hán –Việt, giáo viên giúp HS nắm đặc điểm cấu tạo của từ Hán –Việt, trên cơ sở phân tích nghĩa của các từ để HS phân loại từ một cách chính xác. Cuối cùng, giáo viên dựa vào từ mẫu hoặc làm mẫu một vài ví dụ để hướng dẫn HS thực hiện phân loại các từ còn lại.
Đánh giá hoạt động 1
1. Người ta dựa trên cơ sở nào để xây dựng các kiểu bài tập Mở rộng vốn từ ? 2. Nêu mục đích, tác dụng của mỗi loại bài tập Mở rộng vốn từ.
3. Cách thức để mở rộng vốn từ cho HS gồm: a) Mở rộng vốn từ qua tranh vẽ
b) Mở rộng vốn từ theo quan hệ ngữ nghĩa c) Mở rộng vốn từ theo cấu tạo từ
d) Mở rộng vốn từ qua trò chơi giải ô chữ đúng sai
4. Tóm tắt các dạng bài tập Mở rộng vốn từ theo sơ đồ hình cây. Hoạt động 2:
Xây dựng phương pháp dạy học bài tập Dạy nghĩa từ
Thời gian: 1 tiết
Nhiệm vụ của hoạt động 2
1. Khảo sát SGK Tiếng Việt tiểu học về nội dung phân môn Luyện từ và câu, sau đó thảo luận nhóm các vấn đề sau:
- Nhiệm vụ dạy nghĩa từ ở tiểu học
2. Nghiên cứu đặc điểm của bài tập giải nghĩa từ và đề xuất phương pháp dạy các dạng bài tập đó.
Thông tin cho hoạt động 2