- Liên kết các câu trong bài bằng từ ngữ nối:
3. Các hình thức hoạt động ngoại khoá Luyện từ và câu
Lâu nay, người ta chỉ đề cập đến khái niệm hoạt động ngoại khoá tiếng Việt. Thực chất, một hình thức hoạt động ngoại khoá như Câu lạc bộ tiếng Việt, Dạ hội tiếng Việt, Thi viết kịch bản và đóng kịch... có thể góp phần củng cố và rèn luyện kiến thức, kỹ năng của nhiều phân môn Tiếng Việt trong đó có Luyện từ và câu. Tuy nhiên, có những hình thức hoạt động ngoại khoá phù hợp hơn với đặc điểm của phân môn Luyện từ và câu.
a) Thi kể chuyện vui về từ và câu
HS tiểu học rất thích kể chuyện, sưu tầm chuyện kể. Phát huy đặc điểm này, khi dạy
Luyện từ và câu, GV có thể sưu tầm và lựa chọn các mẫu chuyện vui liên quan đến nội dung bài học để góp phần kích thích hứng thú học tập của HS. Ví dụ, khi dạy về dấu phẩy, có thể kể cho HS nghe câu chuyện"Bò cày không được thịt".
Có một bác nông dân đến UBND xã xin được giết thịt bò. Ông cán bộ Uỷ ban sau một hồi giải thích cho bác hiểu rằng, con bò bác nuôi đang còn rất khoẻ, phải để lại để cày ruộng, không được giết thịt, bèn phê vào lá đơn của bác câu "Bò cày không được thịt". Bác nông dân cầm lá đơn về nhà và vẫn bình thản giết bò, đem thịt ra chợ bán. Khi người
cán bộ quản lý thị trường hỏi, bác liền chìa lá đơn có chữ ký của ông cán bộ UBND xã với dòng chữ "Bò cày không được, thịt". Thì ra, một dấu phẩy đã làm thay đổi nội dung của câu. Bác nông dân thật là hóm hỉnh, thông minh.
Ngoài ra, GV có thể tổ chức các cuộc thi Sưu tầm và kể chuyện vui về từ và câu. Các cuộc thi này đặt ra hai yêu cầu:
Thứ nhất, mỗi em sưu tầm các câu chuyện vui liên quan đến việc dùng từ, đặt câu, sử dụng dấu câu.
Thứ hai, kể lại các câu chuyện đó cho thầy cô và các bạn nghe và bình luận về ý nghĩa của câu chuyện.
Với hình thức hoạt động ngoại khoá này, HS không chỉ được mở rộng, củng cố những hiểu biết về cách dùng từ, đặt câu, sử dụng dấu câu mà còn được rèn luyện về kỹ năng kể. Qua các mẩu chuyện vui sưu tầm hoặc được nghe kể, HS sẽ có ý thức hơn trau việc trau dồi ngôn ngữ của mình, cẩn thận hơn trong việc dùng từ, đặt câu, sử dụng dấu câu.
b) Thi viết và thể hiện kịch bản
Hình thức này chỉ phù hợp với HS lớp 4-lớp 5. Kịch bản, ở đây, được hiểu rất đơn giản, là những cuộc đối thoại ngắn, trong đó có sử dụng các câu hỏi, câu kể, câu khiến, câu cảm. Sau khi HS học xong các bài về câu phân loại theo mục đích nói, GV căn cứ vào chủ điểm đã học trong tuần, yêu cầu HS xây dựng các cuộc đối thoại nói về chủ điểm đã học, trong các cuộc đối thoại đó có sử dụng các kiểu câu vừa học. Điểm cần chú ý là GV phải yêu cầu HS sử dụng các kiểu câu ở cả mục đích nói trực tiếp và gián tiếp, chú ý đến việc sử dụng các yếu tố đảm bảo tính lịch sự trong kịch bản.
Tuy nhiên, kịch bản chỉ mới là văn bản viết, phải có hình thức thứ hai, yêu cầu HS thể hiện kịch bản của nhóm mình. Vào vai, thể hiện kịch bản chính là lúc HS đặt mình vào các tình huống giao tiếp một cách tự nhiên, để rèn luyện kỹ năng đối thoại.
c) Sưu tầm thành ngữ, tục ngữ
Khác trước đây, chương trình, SGK Tiếng Việt hiện nay, chú trọng việc mở rộng vốn thành ngữ, tục ngữ cho HS qua các bài Mở rộng vốn từ theo chủ điểm.
Để bổ sung vốn thành ngữ, tục ngữ được học trong giờ chính khoá, GV có thể tổ chức các đợt sưu tầm thành ngữ, tục ngữ theo chủ điểm.
Cũng có thể tổ chức thêm hình thức Sưu tầm các chuyện kể thành ngữ, tục ngữ;
thông qua những câu chuyện này HS được hiểu nội dung các thành ngữ, tục ngữ sinh động hơn, sâu sắc hơn.
Hoạt động này nên tổ chức thành nhiều đợt trong năm, bám sát chủ điểm của các tuần học.
d) Sổ tay sử dụng từ ngữ
Mỗi loại sổ tay có một mục đích riêng, do đó mỗi loại lại có cách sắp xếp, cấu tạo riêng. Sổ tay sử dụng từ ngữ nhằm giúp HS tích luỹ và sử dụng từ ngữ thuận lợi nên cần phải ghi theo chủ điểm.
Ví dụ: Từ ngữ nói về hình dáng con người: thon thả, mềm mại, thanh mảnh, mảnh mai, lòng khòng, gầy gò, mảnh khảnh, lép kẹp, mập mạp, ục ịch...
Sổ tay còn thể ghi những cách dùng từ, đặt câu hay mà HS thu nhận được qua các giờ tập đọc, tập làm văn...
Sổ tay từ ngữ được tích luỹ vốn từ ngữ theo đặc điểm ngôn ngữ, sở trường hoặc nhu cầu của từng cá nhân nên có thể giúp HS nâng cao năng lực từ ngữ của mình một cách thuận tiện. Số tay sử dụng từ ngữ có tác dụng khác hẳn với các loại từ điển.
e) Trò chơi Luyện từ và câu
Hiện nay, người ta đề cao phương pháp trò chơi học tập, đây là phương pháp dạy học phù hợp với đặc trưng tâm lý lứa tuổi HS tiểu học, có tác dụng kích thích hứng thú học tập của HS. Vì thế, GV nên tổ chức cho HS tham gia các trò chơi có nội dung gắn liền với các kiến thức và kỹ năng luyện từ và câu của chương trình. Trò chơi Luyện từ và câu có thể sử dụng xen kẽ trong từng bài học, trong giờ ra chơi, trong các ngày lễ của trường, cũng có thể tổ chức trong các buổi Dạ hội hoặc Câu lạc bộ tiếng Việt...
Các trò chơi có tác dụng củng cố tri thức, phát triển vốn từ, phát hiện và sửa lỗi dùng từ, đặt câu. Có rất nhiều trò chơi Luyện từ và câu, chẳng hạn, tìm nhanh các cặp từ trái nghĩa, đồng nghĩa, dùng tay phát hiện tên gọi đồ vật, điền nhanh từ tượng thanh, ghép từ và nghĩa, thi điền nhanh danh từ, thi đặt câu theo mẫu... Hiện nay, có rất nhiều tập sách giới thiệu các trò chơi học tập tiếng Việt. Ví dụ, Vui học tiếng Việt của tác giả Trần Mạnh Hưởng, Trò chơi thực hành tiếng Việt của tác giả Lê Phương Nga (Chủ biên)... Ngoài các trò chơi do mình tự sáng tạo, GV có thể sử dụng các trò chơi được giới thiệu trong các tập sách trên.
g) Dạ hội tiếng Việt
Dạ hội tiếng Việt là những đêm sinh hoạt về tiếng Việt. Đây là cuộc trình diễn các hoạt động liên quan đến tiếng Việt, trong đó có Luyện từ và câu. HS có thể tham gia các trò chơi, giải các bài tập Luyện từ và câu lí thú, giải câu đố về ngôn ngữ, đóng kịch...Trong Dạ hội tiếng Việt có thể có các cuộc thi Kể chuyện vui về từ và câu, Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, Giải nhĩa từ, Đặt câu nhanh...
Có thể tổ chức Dạ hội tiếng Việt của lớp, cũng có thể tổ chức Dạ hội tiếng Việt ở qui mô trường và thường phải có các tên gọi cụ thể, hấp dẫn, chẳng hạn như "Sự ra đời của từ", "Câu chuyện về các kiểu câu"....
Dạ hội tiếng Việt góp phần rèn luyện nhiều kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho HS, trong đó có các kỹ năng dùng từ, đặt câu, kỹ năng kể....Đây cũng chính cơ hội để HS giao lưu, trao đổi, tâm tình cũng như trau dồi cách dùng tiếng Việt trong những tình huống giao tiếp đa dạng, đời thường.
h) Câu lạc bộ tiếng Việt
Câu lạc bộ tiếng Việt là nơi sinh hoạt của những HS yêu tiếng Việt. Đây được xem là hình thức họat động ngoại khoá có hiệu quả nhất bởi vì hoạt động của câu lạc bộ được tiến hành có hệ thống, theo kế hoạch đã định, số lượng các HS tham gia vào câu lạc bộ ổn định và đó là sự tham gia tự nguyện.
Nội dung của các buổi sinh hoạt câu lạc bộ là những vấn đề bất kỳ, gắn với các bài học, các phần học của chương trình tiếng Việt trong đó có Luyện từ và câu. Ví dụ như về Câu hỏi và cách dùng câu hỏi, về Từ ghép và từ láy, về Từ nhiều nghĩa...
Câu lạc bộ tiếng Việt ở nhà trường tiểu học không phải là một tập thể nghiên cứu sâu hơn về tiếng Việt mà chỉ là một số các HS yêu thích môn tiếng Việt. Các HS này sẽ là các thành viên tham gia một cách thường xuyên vào công việc ngoại khoá tiếng Việt, cũng như sẽ tích cực giúp GV chuẩn bị đồ dùng trực quan, phân phát tài liệu học tập cho các bạn, giúp đỡ những bạn HS yếu...
Đánh giá hoạt động 3
Bạn hãy đánh dấu vào ô trống trước các ý trả lời đúng.
1. Nhiệm vụ của hoạt động ngoại khoá Luyện từ và câu ở tiểu học là:
a) Góp phần khắc sâu các kiến thức về từ và câu đã được học, phát triển các kỹ năng dùng từ đặt câu, sử dụng câu trong giao tiếp cho HS
b) Góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng hứng thú học tập Luyện từ và câu. c) Hình thành cho HS các tri thức mới về từ và câu.
2. Các hình thức hoạt động ngoại khoá nào sau đây có thể sử dụng hiệu quả trong dạy học
Luyện từ và câu ở tiểu học?
Thi kể chuyện vui về từ và câu Thi viết và thể hiện kịch bản Sưu tầm thành ngữ, tục ngữ Làm báo tường Sổ tay chính tả Sổ tay sử dụng từ ngữ Trò chơi Luyện từ và câu Dạ hội tiếng Việt
3. Thiết kế ba trò chơi Luyện từ và câu và sưu tầm 5 câu đố về từ ngữ.
4. Chuẩn bị nội dung chương trình cho một buổi Dạ hội tiếng Việt cho HS lớp 4- 5.
Đánh giá toàn chuyên đề
1. Quan điểm giao tiếp thể hiện như thế nào trong dạy học Luyện từ và câu ở tiểu học? 2. Để dạy tốt một kiểu bài Luyện từ và câu, GV cần lưu ý vấn đề gì?
3. Để dạy tốt một nội dung Luyện từ và câu, GV cần phải lưu ý những vấn đề gì?
Thông tin phản hồi