1. Khái niệm
Sản xuất và trao đổi hàng hoá phát triển đến trình độ nhất định thì thị trường xuất hiện. Thị trường được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau.
Dưới góc độ Kinh tế chính trị, Thị trường là tổng hoà các quan hệ mua bán, do những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội quy định. Thị trường còn được hiểu là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế thường xuyên cạnh tranh với nhau để xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ và sản lượng.
Thị trường có nhiều loại, tuỳ theo mục đích và tiêu chuẩn để phân loại:
Theo đối tượng giao dịch, mua bán, thị trường được phân chia theo từng loại hàng hoá và dịch vụ như thị trường lúa gạo, thị trường dầu mỏ, thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán...
Theo ý nghĩa và vai trò của các đối tượng mua - bán, giao dịch, có thị trường các yếu tố sản xuất bao gồm thị trường tư liệu sản xuất, thị trường sức lao động, thị trường vốn, thị trường công nghệ và thị trường tư liệu tiêu dùng...
Theo tính chất và cơ chế vận hành, có thị trường tự do, thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, thị trường độc quyền cạnh tranh, thị trường cạnh tranh độc quyền, thị trường tự do có điều tiết của chính phủ...
Theo quy mô và phạm vi các quan hệ kinh tế, có thị trường địa phương, thị trường khu vực, thị trường trong nước và nước ngoài, thị trường quốc gia và quốc tế...
Lịch sử cho thấy, thị trường phát triển cùng với sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hoá. Sản xuất hàng hoá càng phát triển, sản xuất ra càng nhiều loại hàng hoá và dịch vụ thì càng mở rộng thị trường cho các hàng hoá và dịch vụ ấy, thị trường đã phát triển từ thị trường sản phẩm, thị trường các tư liệu tiêu dùng tới thị trường tư liệu sản xuất, thị trường sức lao động, thị trường vốn, thị trường chứng khoán... Quy mô các quan hệ kinh tế mở rộng thì thị trường cũng phát triển: từ thị trường địa phương, khu vực tới thị trường quốc gia, thị trường liên quốc gia và thị trường thế giới.
2. Các chức năng chủ yếu của thị trường
- Thực hiện giá trị hàng hoá. Trong chức năng này, thị trường là nơi giá trị hàng hoá có thể được thực hiện hoặc không được thực hiện; có thể thực hiện cao hơn hoặc bằng và thấp hơn giá trị hàng hoá trong sản xuất. Chức năng này gắn với mục đích của sản xuất và khách hàng giữ vai trò quyết định đối với người sản xuất. Sản xuất hàng hoá là việc riêng của từng người có tính độc lập tương đối với người sản xuất khác. Nhưng vấn đề mấu chốt là ở chỗ hàng hoá của họ có đáp ứng nhu cầu xã hội, thị hiếu người tiêu dùng về chất lượng, hình thức, quy cách hay không? Chi phí để sản xuất
hàng hoá có được xã hội chấp nhận hay không, nghĩa là giá trị của hàng hoá có được thừa nhận hay không? Chỉ có trên thị trường và thông qua thị trường các vấn đề trên mới được xác định.
Khi sản phẩm tiêu thụ được (bán được) nghĩa là công dụng của nó được xã hội thừa nhận. Điều đó cũng có nghĩa là hao phí lao động để sản xuất ra hàng hoá được xã hội thừa nhận. Ngược lại, nếu hàng hoá không bán được nghĩa là hoặc do công dụng của hàng hoá không được thừa nhận (chất lượng kém, quy cách, mẫu mã không thích hợp, mốt lạc hậu, cung lớn hơn cầu...) hoặc hao phí lao động để sản xuất ra hàng hoá lớn hơn mức trung bình của xã hội (giá quá đắt) không được xã hội thừa nhận.
Trên thị trường, người sản xuất biết được các đối thủ cạnh tranh của họ và để giành ưu thế trong cạnh tranh, họ phải cải tiến chất lượng, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chữ “tín” với khách hàng.
- Cung cấp thông tin cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thị trường chỉ rõ những biến động về nhu cầu xã hội, số lượng, giá cả, cơ cấu và xu hướng thay đổi của nhu cầu các loại hàng hoá, dịch vụ. Đó là những thông tin cực kỳ quan trọng đối với người sản xuất hàng hoá, giúp họ điều chỉnh sản xuất cho phù hợp nhu cầu, thị hiếu, sản xuất hàng hoá theo “mốt” mà người tiêu dùng đòi hỏi...
- Kích thích hoặc hạn chế sản xuất và tiêu dùng. Trên thị trường, mọi hàng hoá đều được bán và mua theo giá cả thị trường. Cạnh tranh và cung cầu làm cho giá cả thị trường biến đổi. Thông qua sự biến đổi đó, thị trường có tác dụng kích thích hoặc hạn chế sản xuất đối với người sản xuất; kích thích hoặc hạn chế tiêu dùng đối với người tiêu dùng.
Thông qua các chức năng nói trên, thị trường có vai trò quan trọng điều tiết hoạt động của các doanh nghiệp và người tiêu dùng; thông qua thị trường mà Nhà nước có thể điều tiết vĩ mô hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.
3. Quy luật cạnh tranh
Cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể tham gia sản xuất kinh doanh với nhau nhằm giành những điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ để thực hiện tốt nhất lợi ích của mình.
Nền kinh tế hàng hoá có nhiều chủ thể kinh tế khác nhau. Mỗi chủ thể kinh tế phải tự trả lời các câu hỏi: sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? cho ai? Mỗi chủ thể kinh tế có lợi ích riêng và họ hành động trước hết vì lợi ích của mình. Do sự khác biệt về lợi ích, cạnh tranh trên thị trường là tất yếu và mang tính phổ biến. Cạnh tranh là quy luật của sản xuất và trao đổi hàng hoá.
Cạnh tranh có thể diễn ra trong những lĩnh vực khác nhau: cạnh tranh chiếm các nguồn nguyên liệu; cạnh tranh trong việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường, giành nơi đầu tư, các hợp đồng, các đơn đặt hàng... Các công cụ cạnh tranh cũng rất đa dạng: bằng giá cả và phi giá cả, bằng chất lượng hàng hoá, bằng các thủ đoạn kinh tế và phi kinh tế...
Cạnh tranh có nhiều loại: cạnh tranh giữa người mua và người bán, cạnh tranh giữa người bán với nhau hoặc giữa người mua với nhau; cạnh tranh trong nội bộ ngành, cạnh tranh giữa các ngành, cạnh tranh trong giới hạn quốc gia, khu vực và quốc tế.
Cạnh tranh có vai trò to lớn trong nền sản xuất hàng hoá. Cạnh tranh buộc người sản xuất, kinh doanh phải thường xuyên cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, caỉ tiến tổ chức, quản lý, thay đổi mẫu mã hàng hoá, phương thức phục vụ...Cạnh tranh làm cho nền kinh tế trở nên năng động và hiệu quả. Do vậy, việc tạo môi trường cho quy luật cạnh tranh hoạt động và phát huy tác dụng là điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Bên cạnh vai trò to lớn đó, cạnh tranh không lành mạnh như: lừa đảo, làm hàng giả, đầu cơ, trốn thuế, buôn lậu, ăn cắp bản quyền, mua chuộc, hối lộ, tung tin phá hoại uy tín đối thủ... gây phương hại cho xã hội cả về an ninh và kinh tế. Đó là mặt trái của quy luật cạnh tranh. Ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của các chính phủ.
4. Quy luật cung- cầu
Bất kỳ thị trường nào cũng bao gồm hai yếu tố cơ bản: người bán (người sản xuất) và người mua (người tiêu dùng).
Cầu là khối lượng hàng hoá và dịch vụ mà người tiêu dùng mua trong một thời kỳ tương ứng với giá cả, thu nhập và các biến số kinh tế xác định. Nói cách khác, cầu là nhu cầu có khả năng thanh toán. Giữa cầu và nhu cầu có mối liên hệ với nhau nhưng không phải là một. Có thể có nhu cầu về hàng hoá, song nếu không có tiền để mua hàng theo giá cả nhất định thì sẽ không xuất hiện cầu.
Lượng cầu phụ thuộc vào các nhân tố chủ yếu như thu nhập, sức mua của tiền tệ, giá cả hàng hoá, thị hiếu của người tiêu dùng... Nhưng trong các nhân tố đó, giá cả hàng hoá là nhân tố tác động trực tiếp và tỷ lệ ngược chiều với lượng cầu. Giá cả hàng hoá cao thì cầu về hàng hoá đó thấp, ngược lại, giá cả hàng hoá thấp, lượng cầu hàng hoá đó sẽ cao.
Cung là khối lượng hàng hoá, dịch vụ mà các chủ thể kinh tế đem bán trên thị trường trong một thời kỳ nhất định, tương ứng với mức giá cả, khả năng sản xuất, chi phí sản xuất xác định.
Lượng cung phụ thuộc vào khả năng sản xuất, vào số lượng và chất lượng các nguồn lực, các yếu tố sản xuất được sử dụng, chi phí sản xuất và năng suất lao động. Giá cả hàng hoá và dịch vụ trên thị trường là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến lượng cung về hàng hoá và dịch vụ đó. Cung tỷ lệ thuận chiều với giá cả. Giá cả cao thì cung lớn và ngược lại, giá cả thấp thì cung giảm.
Cung và cầu có quan hệ chặt chẽ với nhau, thường xuyên tác động lẫn nhau trên thị trường. Cầu xác định cung và ngược lại cung xác định cầu. Cầu xác định khối lượng, cơ cấu của cung về hàng hoá: chỉ những hàng hoá nào tiêu thụ được trên thị trường mới được tái sản xuất và ngược lại. Cung tác động đến cầu, kích thích cầu: những hàng hoá nào được sản xuất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, sở thích... của người tiêu dùng sẽ bán chạy hơn làm cho nhu cầu về chúng tăng lên.
Cung, cầu về hàng hoá và giá cả thị trường của hàng hoá có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá. Giá cả thị trường là giá cả do người mua và người bán thoả thuận với nhau trên thị trường. Trong cơ chế thị trường, người mua đại diện cho cầu, người bán đại diện cho cung. Người mua muốn giá cả hàng hoá thấp, người bán muốn giá cả hàng hoá cao. Vì vậy, giá cả thị trường là giao điểm giá cả giữa người mua và người bán, gọi là giá cả trung bình. Ở điểm giá cả trung bình, cung và cầu về số lượng hàng hoá cân bằng với nhau, hay số lượng sản phẩm mà người mua muốn mua bằng số lượng sản phẩm mà người bán cần bán. Không phải chỉ có giá cả ảnh hưởng tới cung và cầu mà quan hệ cung cầu ảnh hưởng tới việc xác định giá cả trên thị trường. Khi cung lớn hơn cầu, người bán phải giảm giá, giá cả hàng hóa có thể thấp hơn giá trị hàng hoá. Khi cung nhỏ hơn cầu, giá cả có thể cao hơn giá trị. Khi cung bằng cầu, giá cả bằng giá trị. Quan hệ cung cầu mang tính ổn định, lặp đi lặp lại và đó chính là quy luật. Quy luật cung cầu là quy luật của sản xuất và trao đổi hàng hoá.
Trong cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vận dụng quy luật cung-cầu là đòi hỏi khách quan. Vận dụng quy luật cung-cầu thể hiện bằng hàng loạt các chính sách như: chính sách đầu tư, chính sách thuế, chính sách tiêu dùng, chính sách giá cả ...