Lượng giá trị hàng hoá là do lượng lao động tiêu hao để làm ra hàng hoá quyết định và được đo lường bằng thời gian lao động.
Trong đời sống thực tế, nhiều người cùng sản xuất một loại hàng hoá như nhau, nhưng điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề, năng suất lao động khác nhau, do đó thời gian lao động hao phí để sản xuất hàng hoá là không giống nhau tức là hao phí lao động cá biệt khác nhau. Ví dụ, cùng làm nghề dệt vải, nhưng người thứ nhất dệt một tấm vải phải hao phí 10 giờ lao động, người thứ hai 8 giờ, người thứ ba 6 giờ. Sở dĩ có khác nhau về lượng thời gian lao động hao phí như thế là do số lượng và chất lượng tư liệu sản xuất của mỗi người không giống nhau, khả năng và trình độ thành thạo riêng của từng người cũng không như nhau, điều kiện lao động không giống nhau...
Trong trao đổi , người ta không dựa trên hao phí thời gian lao động cá biệt vì xã hội không thể biết được chính xác hao phí thời gian lao động của từng người sản xuất hàng hoá. Hơn thế nữa, nếu trao đổi theo các giá trị cá biệt thì người sản xuất càng lười biếng, vụng về, hàng hoá của họ càng có giá trị. Do đó, khi trao đổi, người ta phải căn cứ vào các giá trị chung hay giá trị xã hội.
Vậy lượng giá trị hàng hoá không phải được tính bằng thời gian lao động cá biệt mà được tính bằng hao phí thời gian lao động có tính chất trung bình. Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động để sản xuất ra hàng hoá với một cường độ trung bình, trình độ thành thạo trung bình, trong những điều kiện bình thường của sản xuất xã hội để sản xuất ra tuyệt đại bộ phận hàng hoá.
Trong thực tế, thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hoá thường trùng hợp với thời gian lao động cá biệt của những người sản xuất hàng hoá nào cung cấp đại bộ phận hàng hoá trên thị trường. Cần chú ý rằng, trình độ thành thạo trung bình, cường độ lao động trung bình, điều kiện lao động bình thường của xã hội ở mỗi nước, mỗi ngành là khác nhau và thay đổi theo sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hoá thay đổi thì lượng giá trị hàng hoá sẽ thay đổi. Lượng giá trị hàng hoá phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Năng suất lao động có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng giá trị hàng hoá. Năng suất lao động là năng lực sản xuất của lao động được đo bằng số lượng sản phẩm sản xuất trong một đơn vị thời gian, hoặc số lượng thời gian hao phí để sản xuất một đơn vị sản phẩm. Năng suất lao động xã hội càng cao, thời gian cần thiết để sản xuất hàng hoá càng ít, lượng lao động kết tinh trong một đơn vị sản phẩm càng nhỏ thì giá trị của sản phẩm càng bé. Như vậy, lượng giá trị của một hàng hoá tỷ lệ thuận với số lượng lao động và tỷ lệ nghịch với năng suất lao động. Năng suất lao động phụ thuộc vào trình độ lành nghề của người lao động; trình độ công nghệ; phương pháp tổ chức, quản lý lao động; quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất; các điều kiện tự nhiên...
- Cường độ lao động là mức độ hao phí lao động trong một đơn vị thời gian, nói lên mức độ khẩn trương, căng thẳng của lao động. Tăng cường độ lao động cũng giống như kéo dài thời gian lao động. Cường độ lao động tăng lên có nghĩa là hao phí sức lao động cũng tăng lên, làm cho số lượng sản phẩm được chế tạo trong một đơn vị thời gian tăng lên nhưng giá trị một hàng hoá không thay đổi.
Tăng năng suất lao động làm cho số lượng sản phẩm được tạo ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, tổng giá trị hàng hoá tạo ra trong một đơn vị thời gian không thay đổi, do đó giá trị của một đơn vị hàng hoá giảm xuống. Tăng cường độ lao động làm cho số lượng sản phẩm được tạo ra trong một đơn vị thời gian nhiều hơn, tổng giá trị hàng hoá tạo ra trong một đơn vị thời gian cũng tăng lên, nhưng giá trị của một đơn vị hàng hoá không thay đổi. Như vậy, tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động có điểm chung, giống nhau ở kết quả là tăng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong thời gian nhất định.
Lao động của người sản xuất hàng hoá có trình độ thành thạo khác nhau, được chia thành hai loại: lao động giản đơn và lao động phức tạp. Lao động giản đơn là lao động mà mọi người bình thường đều có thể làm được, không phải qua đào tạo, huấn luyện chuyên môn.
Lao động phức tạp hay lao động lành nghề là lao động mà muốn thực hiện được đòi hỏi phải qua đào tạo, huấn luyện về chuyên môn.
Trong cùng một thời gian, lao động phức tạp tạo ra nhiều giá trị hơn lao động giản đơn. Các Mác viết: “Lao động phức tạp chỉ là lao động giản
đơn được nâng lên luỹ thừa , hay nói cho đúng hơn, là lao động giản đơn được nhân lên”.1
Như vậy là, trong quá trình trao đổi hàng hoá, người ta lấy lao động giản đơn làm đơn vị, mọi lao động phức tạp đều được quy thành lao động giản đơn. Do đó, lượng giá trị của hàng hoá là do thời gian lao động xã hội cần thiết, giản đơn để sản xuất ra hàng hoá đó quyết định.
Lượng giá trị hàng hoá không chỉ bao gồm hao phí lao động sống, mà còn bao gồm hao phí lao động qua khứ đã vật hoá trong tư liệu sản xuất (như máy móc, nguyên vật liệu, năng lượng ...). Do đó, lượng giá trị hàng hoá gồm cả giá trị cũ, tức là giá trị của những tư liêụ sản xuất đã hao phí để sản xuất hàng hoá (ký hiệu là c) và giá trị mới do lao động sống của người sản xuất tạo ra (ký hiệu là v+m).