1. Nguồn gốc của tích luỹ tư bản
Tái sản xuất mở rộng là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Để có tái sản xuất mở rộng, nhà tư bản dùng một phần giá trị thặng dư để mua thêm tư liệu sản xuất và thuê thêm công nhân. Phần giá trị thặng dư đó được nhập vào tư bản trước kia và tích luỹ lại, nhờ đó mà tư bản được tái sản xuất ra ngày càng nhiều hơn. Việc chuyển hoá một phần giá trị thặng dư thành tư bản như vậygọi là tích luỹ tư bản.
Ví dụ:
Năm thứ nhất, nhà tư bản có tư bản 5000, gồm 4000C và 1000V, giả sử cứ 1V tạo ra được 1M và chu kỳ sản xuất là 1 năm, thì cuối năm thứ nhất nhà tư bản sẽ có lượng giá trị là:
4.000 C + 1.000 V + 1.000 M
Nhà tư bản không tiêu dùng hết toàn bộ 1.000M đó cho cá nhân, mà chỉ tiêu dùng một nửa chẳng hạn (500 M), nửa còn lại dùng làm tư bản phụ thêm để mở rộng kinh doanh. Giả sử mọi điều kiện khác không thay đổi, thì sang năm thứ hai, quy mô tư bản sẽ là:
(4.000 + 400) C + (1.000 + 100) V = 5500
Hết năm thứ hai, nhà tư bản sẽ có lượng giá trị là: (4.000 + 400) C + (1.000 + 100) V + 1.100 M
Trong số giá trị thặng dư mới tạo ra đó, nhà tư bản lại cũng chỉ tiêu dùng một nửa (550M), thì năm thứ ba, quy mô tư bản sẽ là:
(4.400 + 440)C + (1.100 + 110) V = 6050
Hết năm thứ ba, nhà tư bản sẽ có lượng giá trị là: (4.400 + 440)C + (1.100 + 110) V +1.210 M
Nhà tư bản lại tiếp tục tích luỹ, và cứ như vậy, tổng số tư bản của nhà tư bản cứ tăng lên mãi, khiến cho tư bản tích luỹ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn
trong toàn bộ tư bản ứng trước. C. Mác viết: “Tư bản ứng trước chỉ là một giọt nước trong dòng sông tích luỹ ngày càng lớn”.1
Sự phân tích trên cho thấy, nguồn gốc của tích luỹ tư bản là giá trị thặng dư. Tư bản nhờ bóc lột giai cấp công nhân mà tăng thêm, đồng thời quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa lại được tái sản xuất mở rộng. Nếu trước đây nhà tư bản dùng tư bản để bóc lột giá trị thặng dư, thì bây giờ, nhà tư bản lại dùng chính giá trị thặng dư để bóc lột giá trị thặng dư.
2. Những nhân tố quyết định qui mô tích luỹ tư bản
Tích luỹ tư bản là tất yếu khách quan, do qui luật kinh tế cơ bản, qui luật giá trị và qui luật cạnh tranh... của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa qui định. Tư bản tích luỹ càng nhiều thì qui mô tái sản xuất càng mở rộng, và ngược lại, tái sản xuất mở rộng, giá trị thặng dư càng nhiều thì qui mô tích luỹ càng lớn.
Qui mô tích luỹ phụ thuộc vào các nhân tố cơ bản sau:
- Nếu với một khối lượng giá trị thặng dư nhất định thì qui mô tích luỹ tư bản phụ thuộc vào tỷ lệ phân chia giá trị thặng dư thành quĩ tích luỹ và quĩ tiêu dùng của nhà tư bản. Ở đây, nếu tích luỹ tăng thì tiêu dùng sẽ giảm và ngược lại. Giữa tích luỹ và tiêu dùng tuy mâu thuẫn nhưng lại thống nhất với nhau: tích luỹ là để tiêu dùng nhiều hơn trong tương lai, còn tiều dùng là để tái sản xuất sức lao động, nhờ đó năng suất lao động tăng lên, giá trị thặng dư nhiều hơn và tích luỹ sẽ nhiều hơn.
- - Nếu tỷ lệ phân chia giá trị thặng dư thành quĩ tích luỹ và quĩ tiêu dùng đã được xác định, thì qui mô tích luỹ tư bản phụ thuộc vào khối lượng giá trị thặng dư. Do đó, các nhân tố làm tăng khối lượng giá trị thặng dư (tăng quy mô bóc lột, tăng trình độ bóc lột, tăng tốc độ vận động của tư bản...) đồng thời cũng là những nhân tố làm tăng qui mô tích luỹ.
- Chênh lệch ngày càng lớn giữa tư bản cố định sử dụng và tư bản cố định đã tiêu dùng. Để tiến hành sản xuất, nhà tư bản phải bỏ tư bản ra mua máy móc, thiết bị, nhà xưởng... Bộ phận tư bản này tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất nhưng giá trị thì chuyển dần vào sản phẩm. Mặc dù giá trị đã chuyển một phần vào sản phẩm nhưng bộ phận tư bản này vẫn hoạt động với tư cách còn đầy đủ giá trị. Bộ phận giá trị của tư bản cố định đã chuyển vào sản phẩm được nhà tư bản thu hồi, có thể đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc cho vay. Sự chênh lệch giữa tư bản cố định sử dụng và tư bản cố định đã tiêu dùng ngày càng lớn và trở thành nguồn tích luỹ tư bản quan trọng.
- Quy mô của tư bản ứng trước. Tư bản ứng trước càng lớn, quy mô bóc lột giá trị thặng dư càng lớn. Hơn nữa, tư bản ứng trước càng lớn, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ càng thuận lợi. Do đó, quy mô của tư bản ứng trước càng lớn, tích luỹ tư bản càng tăng.
3. Qui luật chung của tích luỹ tư bản
a) Quá trình tích luỹ tư bản là quá trình tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản
Quá trình sản xuất bao giờ cũng là sự kết hợp giữa hai yếu tố: tư liệu sản xuất và sức lao động. Sự kết hợp của chúng dưới hình thái hiện vật gọi là cấu tạo kỹ thuật.
Cấu tạo kỹ thuật của tư bản là tỷ lệ giữa khối lượng tư liệu sản xuất với số lượng lao động cần thiết để sử dụng các tư liệu sản xuất đó. Cấu tạo kỹ thuật phản ánh trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Cùng với sự phát triển kỹ thuật, cấu tạo kỹ thuật của tư bản ngày càng tăng lên, biểu hiện ở số lượng tư liệu sản xuất mà một công nhân sử dụng ngày càng tăng.
Trong chủ nghĩa tư bản, muốn có tư liệu sản xuất và sức lao động, nhà tư bản phải ứng tư bản để mua. Tỷ lệ giữa bộ phận tư bản dùng để mua tư liệu sản xuất và bộ phận tư bản dùng để mua sức lao động gọi là cấu tạo giá trị của tư bản.
Cấu tạo giá trị của tư bản là tỷ lệ giữa số lượng giá trị của tư bản bất biến (c) và tư bản khả biến (v) cần thiết để tiến hành sản xuất. Cấu tạo giá trị phản ánh mặt xã hội của sản xuất, phản ánh quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Cấu tạo kỹ thuật và cấu tạo giá trị của tư bản có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Sự thay đổi trong cấu tạo kỹ thuật sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cấu tạo giá trị. Khi số lượng tư liệu sản xuất mà một lao động sử dụng tăng lên thì bộ phận tư bản dùng để mua tư liệu sản xuất cũng sẽ tăng lên (giả định giá cả ổn định). Để biểu hiện mối quan hệ đó, C. Mác đưa ra khái niệm cấu tạo hữu cơ của tư bản.
Cấu tạo hữu cơ của tư bản là cấu tạo giá trị của tư bản do cấu tạo kỹ thuật quyết định và phản ánh những sự thay đổi của cấu tạo kỹ thuật.
Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, do tác động thường xuyên của tiến bộ khoa học và công nghệ, cấu tạo kỹ thuật của tư bản ngày càng tăng, do đó cấu tạo giá trị phản ánh cấu tạo kỹ thuật của tư bản, tức cấu tạo hữu cơ của tư bản cũng ngày càng tăng. Sự tăng lên đó biểu hiện ở chỗ, bộ phận tư bản bất biến tăng nhanh hơn bộ phận tư bản khả biến, hay nói
cách khác, tư bản bất biến vừa tăng tuyệt đối vừa tăng tương đối, còn tư bản khả biến thì tăng tuyệt đối nhưng lại giảm tương đối.
b) Quá trình tích luỹ tư bản là quá trình tích tụ và tập trung tư bản ngày càng tăng.
Tích tụ và tập trung tư bản là tất yếu, là qui luật phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Tích tụ tư bản là sự tăng thêm qui mô tư bản cá biệt bằng cách tư bản hoá giá trị thặng dư. Như vậy, tích tụ tư bản là kết quả trực tiếp của việc biến giá trị thặng dư thành tư bản, là một hình thức của tích luỹ tư bản.
Tích tụ tư bản là một tất yếu, bởi vì một mặt, đó là yêu cầu của việc mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; mặt khác, sự tăng lên của khối lượng giá trị thặng dư trong quá trình phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa lại tạo điều kiện vật chất cho khả năng tư bản hoá giá trị thặng dư biến thành hiện thực.
Tập trung tư bản là sự tăng thêm qui mô tư bản cá biệt bằng cách hợp nhất nhiều tư bản nhỏ lại. Phương pháp thực hiện tập trung tư bản là tự nguyện hoặc cưỡng bức. Đòn bẩy trực tiếp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tập trung tư bản là cạnh tranh và tín dụng.
Tích tụ và tập trung tư bản tuy có nguồn gốc khác nhau, biểu hiện những quan hệ khác nhau trong quá trình tích luỹ, nhưng chúng đều dẫn đến kết quả là làm tăng qui mô của tư bản cá biệt, do đó chúng có vai trò rất lớn đối với sự phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng so với tích tụ tư bản thì tập trung tư bản có vai trò quan trọng hơn trong việc làm tăng nhanh qui mô tư bản và qui mô sản xuất. C. Mác cũng đã từmg khẳng định rằng, nếu như phải chờ đợi đến lúc những tư bản cá biệt nhờ tích luỹ mà lớn lên đủ để có thể đảm nhiệm được việc xây dựng các đường sắt chẳng hạn, thì thế giới sẽ chưa thể có được hệ thống các đường sắt. Sự tập trung tư bản thông qua các công ty cổ phần đã làm được việc đó, có thể nói là trong chốc lát.
c) Quá trình tích luỹ tư bản là quá trình bần cùng hoá giai cấp vô sản
Chủ nghĩa tư bản đã thực hiện tích luỹ trong điều kiện cấu tạo hữu cơ của tư bản ngày càng tăng lên nhanh chóng, tất yếu gây ra nạn nhân khẩu thừa tương đối. Nạn nhân khẩu thừa tương đối chính là nạn thất nghiệp.
Có ba hình thức tồn tại của nạn nhân khẩu thừa tương đối: nhân khẩu thừa lưu động, nhân khẩu thừa tiềm tàng và nhân khẩu thừa ngừng trệ.
+ Nhân khẩu thừa lưu động là hình thức thất nghiệp tạm thời, phổ biến ở các trung tâm công nghiệp. Tính chất lưu động của nó là ở chỗ công nhân bị thải lúc này, nơi này, thì lại được thu nhận ở lúc khác, nơi khác.
+ Nhân khẩu thừa tiềm tàng là nhân khẩu thừa trong nông nghiệp. Đó là những người nghèo ở nông thôn thiếu việc làm và cũng không thể tìm được việc làm trong công nghiệp, phải sống vất vưởng.
+ Nhân khẩu thừa ngừng trệ là những người mất việc thường xuyên, thỉnh thoảng họ mới tìm được việc làm tạm thời với tiền công rất hạ. Nói chung, họ không còn hy vọng tìm được việc làm thường xuyên nữa. Họ sống lang thang, một số trở thành “vô sản lưu manh”.
Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, đội quân thất nghiệp ngày càng tăng lên. Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, thành phần đội quân thất nghiệp ở các nước tư bản đã mở rộng, không chỉ trong giai cấp công nhân mà cả trong các tầng lớp lao động khác, không chỉ gồm lao động giản đơn mà cả lao động có nghề nghiệp và lao động trí tuệ.
Nạn thất nghiệp đã dẫn giai cấp công nhân đến bần cùng hoá. Như vậy, chính tích luỹ tư bản đã dẫn đến hậu quả là bần cùng hoá giai cấp công nhân. Bần cùng hoá giai cấp công nhân biểu hiện dưới hai hình thức: bần cùng hoá tuyệt đối và bần cùng hoá trương đối.
Sự bần cùng hoá tuyệt đối của giai cấp công nhân biểu hiện ở sự gảm sút về mức sống. Sự giảm sút mức sống xảy ra không chỉ trong trường hợp tiêu dùng cá nhân tụt xuống một cách tuyệt đối, mà cả khi tiêu dùng cá nhân tăng lên nhưng mức tăng đó chậm hơn mức tăng hao phí lao động của công nhân trong quá trình sản xuất, chậm hơn mức tăng của nhu cầu.
Mức sống của giai cấp công nhân giảm sút không chỉ do tiền lương thực tế giảm xuống, mà còn do toàn bộ những điều kiện lao động và sinh hoạt vật chất và tinh thần quyết định. Những điều kiện đó là: nạn thất nghiệp, độ dài của ngày lao động, cường độ lao động, điều kiện lao động, điều kiện nhà ở và những điều kiện khác về sinh hoạt vật chất và tinh thần, cả những điều kiện chính trị - xã hội...
Trong giai đoạn hiện đại, sự giảm sút mức sống của một bộ phận công nhân khi nền kinh tế suy thoái là một thực tế.
Sự bần cùng hoá tương đối của giai cấp công nhân biểu hiện ở tỷ trọng thu nhập của giai cấp công nhân trong thu nhập quốc dân ngày càng giảm, còn tỷ trọng thu nhập của giai cấp tư sản thì ngày càng tăng lên. Như vậy, khi nói đến đến sự bần cùng hoá tương đối là nói đến sự so sánh mức thu nhập của công nhân với mức thu nhập của nhà tư bản, nói đến sự chênh lệch về mức tăng thu nhập giữa hai giai cấp đó. C. Mác so sánh: “Một ngôi nhà có thể là to hay nhỏ, nhưng chừng nào mà những ngôi nhà xung quanh cũng đều nhỏ cả, thì ngôi nhà đó thoả mãn được tất cả mọi yêu cầu xã hội
mà người ta đề ra cho một ngôi nhà. Nhưng nếu bên cạnh ngôi nhà nhỏ lại mọc lên một toà lâu đài, thế là ngôi nhà nhỏ đó tụt xuống hạng túp lều...”1.
CHƯƠNG IV
QUÁ TRÌNH LƯU THÔNG CỦA TƯ BẢN