1. Điều kiện để sức lao động thành hàng hoá
Sức lao động là năng lực lao động của con người. Nó bao gồm toàn bộ thể lực, trí lực tồn tại trong cơ thể con người, có thể được sử dụng để tiến hành quá trình sản xuất.
Trong mọi xã hội, sức lao động là yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất. Trong những điều kiện nhất định, sức lao động sẽ trở thành hàng hoá. Những điều kiện để sức lao động trở thành hàng hoá là:
- Người có sức lao động phải được tự do về thân thể
Một hàng hoá muốn đem ra bán, trước hết người bán phải có quyền sở hữu đối với hàng hoá ấy. Sức lao động cũng vậy, muốn đem bán, người chủ sức lao động phải có quyền sử dụng sức lao động đó, nghĩa là, phải là người tự do sở hữu năng lực lao động của mình, thân thể riêng của mình. Trong xã hội Chiếm hữu nô lệ, người nô lệ không thể bán sức lao động được, vì bản thân họ thuộc sở hữu của chủ nô.
Trong việc bán sức lao động, người sở hữu sức lao động bao giờ cũng chỉ bán sức lao động trong một thời gian nhất định thôi, vì nếu như bán đứt hết cả sức lao động đi thì tức là người lao động đã tự bán mình, và như vậy, từ chỗ là người tự do anh ta trở thành người nô lệ, từ chỗ là người bán hàng hoá anh ta trở thành hàng hoá. Vì vậy, người lao động chỉ có thể giao cho người mua tạm thời sử dụng sức lao động của mình sao cho khi bán sức lao động ấy, người lao động không vì thế mà mất đi quyền sở hữu sức lao động.
- Người lao động không có tư liệu sản xuất, muốn sống họ không còn cách nào khác là bán sức lao động.
Sức lao động và tư liệu sản xuất là hai yếu tố căn bản của quá trình lao động sản xuất tạo ra sản phẩm. Nhưng, một khi người lao động bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất thì buộc phải cung cấp và bán ra chính ngay sức lao động của mình như một hàng hoá, chứ không phải bán ra những hàng hoá trong đó lao động của họ đã được thể hiện.
Như vậy, để sức lao động trở thành hàng hoá thì “người có tiền phải tìm được người lao động tự do trên thị trường, tự do theo hai nghĩa: theo nghĩa là một con người tự do chi phối được sức lao động của mình với tư cách là một hàng hoá; và mặt khác, anh ta không còn có một hàng hoá nào khác để bán, nói một cách khác là trần như nhộng, hoàn toàn không có những vật cần thiết để thực hiện sức lao động của mình”1.
Sự ra đời của hàng hoá sức lao động báo hiệu một giai đoạn mới của sự phát triển xã hội, giai đoạn sản xuất hàng hoá phát triển cao nhất và chiếm địa vị thống trị trong nền kinh tế.
2. Hai thuộc tính của hàng hoá - sức lao động.
Cũng như các hàng hoá khác, hàng hoá - sức lao động có hai thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng.
- Giá trị của hàng hoá - sức lao động do lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra nó quyết định. Sản xuất và tái sản xuất sức lao động được thực hiện thông qua sự tiêu dùng cá nhân của người lao động. Bởi vậy, giá trị sức lao động ngang bằng giá trị của toàn bộ các tư liệu sinh hoạt cần thiết về vật chất và tinh thần để duy trì đời sống bình thường của người công nhân và con cái công nhân; những phí tổn đào tạo để công nhân có được một trình độ lao động nhất định. Như vậy, giá trị sức lao động không chỉ bao gồm giá trị của những vật phẩm tiêu dùng cần thiết để khôi phục thể lực người công nhân, mà còn gồm cả những chi tiêu cần thiết để thoả mãn nhu cầu văn hoá của người công nhân và con cái anh ta. Cụ thể, giá trị sức lao động bao gồm những bộ phận hợp thành như sau:
+ Giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết cho bản thân người công nhân + Phí tổn đào tạo công nhân
+ Giá trị các tư liệu sinh hoạt cần thiết nuôi sống con cái công nhân Vì sức lao động trị giá bằng một số tư liệu sinh hoạt nhất định, nên giá trị của nó thay đổi tuỳ theo giá trị của những tư liệu sinh hoạt đó, nghĩa là thay đổi tỷ lệ với thời gian lao động sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt đó.
Trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội, mức nhu cầu nói chung của công nhân và những tư liệu sinh hoạt để thoả mãn những nhu cầu đó thay đổi không ngừng. Ở các nước khác nhau, mức nhu cầu nói chung của công nhân cũng khác nhau. Nhu cầu của công nhân phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của từng nước, từng lúc, vào điều kiện lịch sử hình thành giai cấp công nhân, trình độ văn minh đã đạt được...
Giá trị sức lao động biểu hiện bằng tiền là giá cả sức lao động. Trong xã hội tư bản, tiền công là giá cả sức lao động của người công nhân. Giá cả sức lao động được hình thành trên cơ sở giá trị sức lao động, song nó còn chịu sự tác động của quan hệ cung-cầu về sức lao động trên thị trường và các nhân tố chính trị, xã hội khác.
- Giá trị sử dụng của hàng hoá sức lao động là công dụng của sức lao động. Nó thoả mãn nhu cầu của người mua là sử dụng vào quá trình lao động. Có nghĩa là, quá trình người mua tiêu dùng hàng hoá sức lao động đồng thời cũng là quá trình sản xuất ra hàng hoá và giá trị thặng dư. Cũng như các hàng hoá khác, sự tiêu dùng sức lao động tiến hành ở ngoài lĩnh vực lưu thông. Tức là, người lao động sử dụng tư liệu sản xuất của nhà tư bản để tạo ra hàng hoá cho nhà tư bản. Giả dụ, sau một thời gian lao động nhất định, 1 ngày chẳng hạn, người lao động chỉ tạo được một lượng giá trị bằng với lượng giá trị mà nhà tư bản trả cho sức lao động của công nhân, thì nhà tư bản chẳng có lợi gì, và do đó, nhà tư bản sẽ không mua sức lao động đó. Nhưng hàng hoá sức lao động có một giá trị sử dụng đặc biệt, khác với các hàng hoá thông thường là, khi sử dụng nó, sức lao động sẽ tạo ra một giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Điều đó có nghĩa là, giá trị sức lao động và giá trị do sức lao động sáng tạo ra trong quá trình nó được sử dụng là hai đại lượng khác nhau. Sự chênh lệch giữa hai đại lượng đó là tiền đề của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, là nguồn gốc của giá trị thặng dư.
Như vậy, hàng hoá sức lao động là nguồn gốc sinh ra giá trị thặng dư. Nó đã cung cấp cho chúng ta chiếc chìa khoá để giaỉ quyết mâu thuẫn của công thức chung của tư bản.