SẢN XUẤT
1. Chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa
Để sản xuất hàng hoá cần phải chi phí một lượng lao động nhất định, gồm lao động quá khứ (tức là giá trị tư liệu sản xuất: c) và lao động sống (tạo ra giá trị mới: v+m). Đó là chi phí thực tế của xã hội để sản xuất ra hàng hoá và tạo thành giá trị hàng hoá (c+v+m). Nhưng đối với nhà tư bản, để sản xuất hàng hoá, họ chỉ cần ứng ra một số tư bản để mua tư liệu sản xuất và sức lao động (v). Chi phí đó gọi là chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, ký hiệu là k (k=c+v).
Vậy, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa là chi phí tư bản để sản xuất ra hàng hoá cho nhà tư bản. Cụ thể, nó bao gồm hao phí về tư bản bất biến và tư bản khả biến, tức là gồm có những chi tiêu để mua tư liệu sản xuất và trả tiền công cho công nhân.
Chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa và giá trị của hàng hoá có sự khác nhau cả về chất và về lượng. Về chất, chi phí nhà tư bản bỏ ra để sản xuất hàng hoá được đo bằng sự hao phí về tư bản; còn giá trị hàng hoá là chi phí
thực tế để sản xuất ra nó, được đo bằng sự hao phí lao động. Về lượng, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa nhỏ hơn giá trị hàng hoá: (c+v) < (c+v+m).
Chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa là một phạm trù kinh tế khách quan trong xã hội tư bản. Nhưng sự tính toán chi phí để bù đắp lại tư liệu sản xuất và sức lao động trong tiến trình sản xuất là yêu cầu tất yếu đối với bất kỳ xã hội nào, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Đối với mọi chủ thể sản xuất kinh doanh, chi phí này là giới hạn thực sự của lỗ lãi, là mấu chốt của thành bại trong cạnh tranh, do đó đây là vấn đề quan tâm thường xuyên của các doanh nghiệp.
2. Lợi nhuận
Do có sự chênh lệch giữa giá trị hàng hoá và chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, nên sau khi bán hàng hoá bằng giá trị, nhà tư bản không chỉ bù lại đủ số tư bản đã ứng ra, mà còn thu được một số tiền lời. Số tiền lời này gọi là lợi nhuận, ký hiệu là P.
Lợi nhuận là giá trị thặng dư khi được quan niệm là con đẻ của toàn bộ tư bản ứng ra, là kết quả hoạt động của toàn bộ tư bản đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Thực ra, lợi nhuận và giá trị thặng dư chỉ là một, lợi nhuận chẳng qua chỉ là một hình thái thần bí hoá của giá trị thặng dư. C.Mác viết: “Giá trị thặng dư, hay là lợi nhuận, chính là phần giá trị dôi ra ấy của giá trị hàng hoá so với chi phí sản xuất của nó, nghĩa là phần dôi ra của tổng số lượng lao động chứa đựng trong hàng hoá so với số lượng lao động được trả công chứa đựng trong hàng hoá” 1.
Khi giá trị thặng dư chuyển hoá thành lợi nhuận, thì giá trị của hàng hoá G = c + v + m chuyển hoá thành chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa cộng với lợi nhuận G = k + p.
Vì lợi nhuận thu được sau khi bán hàng hoá, nên lượng lợi nhuận có thể không nhất trí với lượng của giá trị thặng dư, mà nó có thể lớn hơn hay nhỏ hơn giá trị thặng dư. Hiện tượng đó đã tạo ra một vẻ bề ngoài giả dối, tựa hồ như giữa lợi nhuận và giá trị thặng dư chẳng hề có quan hệ gì với nhau cả. Nói cách khác, lợi nhuận đã che dấu quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa, đã xoá nhoà sự khác nhau giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến, do đó xoá nhoà nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư. Sự thật thì, “lợi nhuận và giá trị thặng dư chỉ là một: lợi nhuận chẳng qua là hình thái thần bí hoá của giá trị thặng dư, hình thái mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất nhiên phải đẻ ra”2. Giá trị thặng dư là nội dung bên trong được tạo ra trong quá
1 C.Mác-F.Anghen Toàn tập, NXB CTQG, H, 1994, T25, p.I, tr.74.
trình sản xuất, còn lợi nhuận là hình thái chuyển hoá của giá trị thặng dư biểu hiện ra bên ngoài, trong lưu thông.
Lượng lợi nhuận sở dĩ thường không nhất trí với lượng giá trị thặng dư là do cung cầu trên thị trường ảnh hưởng đến giá cả, làm cho giá cả lên xuống xung quanh giá trị. Nhưng xét chung toàn xã hội, tổng số giá cả vẫn nhất trí với tổng số giá trị hàng hoá, nên tổng số lợi nhuận cũng bằng tổng số giá trị thặng dư.
3. Tỷ suất lợi nhuận
Các nhà tư bản không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà còn quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị thặng dư với tổng số tư bản ứng trước, ký hiệu là p’.
m p’ = (%)
c+v
Trong thực tế, người ta thường tính tỷ suất lợi nhuận hàng năm bằng tỷ lệ phần trăm giữa tổng số lợi nhuận thu được trong năm với tổng số tư bản ứng ra trong năm đó.
P p’ hàng năm = (%) k
Tỷ suất lợi nhuận là hình thái chuyển hoá của tỷ suất giá trị thặng dư, nhưng chúng khác nhau cả về lượng và về chất. Về lượng, tỷ suất lợi nhuận bao giờ cũng nhỏ hơn tỷ suất giá trị thặng dư. Về chất, tỷ suất giá trị thặng dư biểu hiện mức độ bóc lột của chủ tư bản đối với lao động, còn tỷ suất lợi nhuận nói lên mức doanh lợi của việc đầu tư tư bản.
Lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận là mục tiêu cạnh tranh của các nhà tư bản. Họ không từ một thủ đoạn nào để giành giật lẫn nhau nơi đầu tư béo bở nhất. Một nhà bình luận người Anh đã viết về sự thèm khát lợi nhuận trong xã hội tư bản là: “Tư bản ghét cay ghét đắng tình trạng không có lợi nhuận hay có quá ít lợi nhuận, chẳng khác gì giới tự nhiên ghê sợ chân không. Lợi nhuận mà thích đáng thì tư bản trở thành can đảm; lợi nhuận mà bảo đảm được 10%, thì người ta có thể dùng được tư bản ở khắp nơi; bảo đảm được 20% thì nó hăng máu lên; bảo đảm được 50% thì nó táo bạo không biết sợ là gì; bảo đảm được 100% thì nó chà đạp lên tất cả mọi luật lệ của loài người; bảo đảm được 300%, thì nó chẳng từ một tội ác nào mà không dám phạm, thậm chí có thể bị treo cổ nó cũng không sợ”1.
Tỷ suất lợi nhuận của một lượng tư bản tăng hay giảm phụ thuộc vào tỷ suất giá trị thặng dư, cấu tạo hữu cơ của tư bản, tốc độ chu chuyển tư bản, và việc sử dụng tiết kiệm tư bản.
4. Sự hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân và chuyển hoá giá trị thành giá cả sản xuất thành giá cả sản xuất
Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, việc phân phối tư bản giữa các ngành sản xuất và sự phát triển của kỹ thuật đều thông qua cạnh tranh. Có hai loại cạnh tranh: cạnh tranh trong nội bộ ngành và cạnh tranh giữa các ngành.
a) Cạnh tranh trong nội bộ ngành và sự hình thành giá trị thị trường Cạnh tranh trong nội bộ ngành là cạnh tranh giữa các xí nghiệp cùng một ngành, sản xuất cùng một loại hàng hoá. Mục đích của sự cạnh tranh này là giành ưu thế trong sản xuất để có ưu thế trong tiêu thụ và thu được lợi nhuận siêu ngạch. Kết quả của cạnh tranh là giá trị cá biệt cuả hàng hoá chuyển hoá thành giá trị thị trường.
Giá trị thị trường là giá trị trung bình của những hàng hoá được sản xuất ra trong một khu vực nào đó.
Tổng giá trị cá biệt Giá trị thị trường =
Tổng số hàng hoá
Trên thực tế, giá trị thị trường là giá trị cá biệt của những hàng hoá được sản xuất ra trong điều kiện trung bình của khu vực đó và chiếm một khối lượng lớn trong số những sản phẩm của khu vực này.
Quá trình hình thành giá trị thị trường là quá trình tự phát, do cạnh tranh giữa các nhà tư bản trong phạm vi một ngành gây ra. Nội dung chủ yếu của cạnh tranh là các nhà tư bản tìm cách cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, phấn đấu giảm giá trị cá biệt hàng hoá của mình xuống thấp hơn giá trị xã hội, để trên cơ sở đó mà thu được lợi nhuận siêu ngạch.
b) Cạnh tranh giữa các ngành và sự hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất.
Cạnh tranh giữa các ngành là cạnh tranh giữa các nhà tư bản kinh doanh trong các ngành khác nhau, nhằm giành nơi đầu tư có lợi nhất. Mục đích của cạnh tranh là để tìm nơi đầu tư có lợi và phân phối lại giá trị thặng dư giữa các nhà tư bản. Kết quả của cạnh tranh là hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân và chuyển hoá giá trị thành giá cả sản xuất.
Ta biết rằng, tư bản đầu tư vào các ngành khác nhau thì có cấu tạo hữu cơ khác nhau. Nhưng vì chỉ có lao động mới tạo ra giá trị thặng dư, cho nên nếu có cùng một lượng tư bản bằng nhau và trình độ bóc lột như nhau thì ở ngành nào có cấu tạo hữu cơ tư bản thấp, nhà tư bản sẽ thu được giá trị
thặng dư nhiều hơn; ngược lại, ở những ngành có cấu tạo hữu cơ tư bản cao hơn thì nhà tư bản đầu tư vào đó sẽ thu được giá trị thặng dư ít hơn. Như vậy, trong điều kiện tỷ suất giá trị thặng dư như nhau, ở những ngành cấu tạo hữu cơ của tư bản thấp thì tỷ suất lợi nhuận cao và ngược lại. Nhưng trong thực tế, không nhà tư bản nào chịu yên phận kinh doanh ở những ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp, mà họ sẽ chuyển tư bản sang đầu tư ở những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Sự tự do di chuyển tư bản từ ngành này sang ngành khác làm thay đổi tỷ suất lợi nhuận cá biệt vốn có của các ngành. Những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ thu hút thêm tư bản từ các ngành khác và tỷ suất lợi nhuận ở đó sẽ giảm xuống. Ngược lại, tư bản sẽ di chuyển khỏi những ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp và làm cho tỷ suất lợi nhuận ở những ngành này tăng lên. Quá trình di chuyển tư bản giữa các ngành dẫn đến hình thành nên một tỷ suất lợi nhuận ngang nhau, mang tính bình quân cho các ngành sản xuất khác nhau.
Tỷ suất lợi nhuận bình quân là con số bình quân của tất cả những tỷ suất lợi nhuận khác nhau của các ngành sản xuất khác nhau, ký hiệu là p’. p’1 + ... + p’n
p’ = (trong đó n là tổng số ngành) n
Sự san bằng tỷ suất lợi nhuận của các ngành và hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân dẫn đến kết qủa là, các tư bản bằng nhau đều thu được một lượng lợi nhuận bằng nhau, gọi là lợi nhuận bình quân, ký hiệu làp.
Lợi nhuận bình quân là lợi nhuận mà một tư bản có một lượng nhất định thu được căn cứ theo tỷ suất lợi nhuận bình quân, không kể cấu tạo hữu cơ của tư bản như thế nào.
p = p’ x k
Sự hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân đã che dấu quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa, vì rằng, cứ có một lượng tư bản bằng nhau thì sẽ thu được một lượng lợi nhuận bằng nhau, không kể đến tư bản đó đầu tư vào ngành nào, cấu tạo hữu cơ khác nhau như thế nào. Điều dó làm cho người ta thấy, hình như không có sự liên hệ nào giữa giá trị thặng dư được tạo ra vơí lợi nhuận đã thực hiện. Hơn nữa, hình như tư bản có năng lực sinh sôi nảy nở. Sự thực thì, lợi nhuận bình quân chỉ là giá trị thặng dư được phân phối lại theo tỷ lệ thích ứng với số tư bản đầu tư vào các ngành khác nhau, trong điều kiện tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản. Trước sau, giá trị thặng dư vẫn là cơ sở, là gốc rễ, còn lợi nhuận bình quân vẫn là hình thái biểu hiện cụ thể của giá trị thặng dư. Trên phạm vi toàn xã hội, tổng số lợi nhuận bình quân vẫn bằng tổng số giá trị thặng dư.
Tỷ suất lợi nhuận bình quân hình thành thì giá trị của hàng hoá chuyển hoá thành giá cả sản xuất. Giá cả sản xuất của hàng hoá bằng chi phí sản xuất của hàng hoá cộng với lợi nhuận bình quân.
Giá cả sản xuất = k + p.
Giá cả sản xuất chỉ là hình thái biểu hiện của giá trị hàng hoá. Đối với từng ngành sản xuất, giá cả sản xuất có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị của nó, nhưng nếu xem xét tất cả các ngành sản xuất trong xã hội, thì tổng giá cả sản xuất của hàng hoá bằng tổng giá trị của chúng.
Khi giá trị hàng hoá chuyển hoá thành giá cả sản xuất thì qui luật giá trị có hình thức biểu hiện là qui luật giá cả sản xuất; và qui luật giá trị thặng dư có hình thức biểu hiện là qui luật lợi nhuận bình quân.
Lợi nhuận bình quân, một mặt phản ánh mâu thuẫn giữa các nhà tư bản trong việc đấu tranh phân chia giá trị thặng dư do giai cấp công nhân tạo ra; mặt khác, nó vạch rõ toàn bộ giai cấp tư sản bóc lột toàn bộ giai cấp công nhân.
Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, qui mô sản xuất càng được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu, tức là vừa tăng thêm số lượng tư liệu sản xuất và công nhân sử dụng, vừa tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản. Do số lượng công nhân làm thuê tăng lên cùng với việc nâng cao mức độ bóc lột, nên tất yếu làm tăng khối lượng lợi nhuận. Nhưng mặt khác, do cấu tạo hữu cơ tư bản tăng lên, nên lượng giá trị thặng dư lại giảm đi một cách tương đối so với tổng tư bản, vì vậy tỷ suất lợi nhuận lại giảm xuống. Như vậy là, việc nâng cao kỹ thuật của các nhà tư bản là nhằm mục đích thu thật nhiều lợi nhuận, nhưng kết quả cố gắng của họ lại là tỷ suất lợi nhuận hạ thấp xuống.
Tuy nhiên, sự giảm xuống của tỷ suất lợi nhuận chỉ là một xu hướng, vì có những nhân tố ngăn cản. Đó là việc tăng cường bóc lột công nhân làm thuê, hạ thấp giá trị sức lao động, hạ giá cả các yếu tố tư bản bất biến và những lợi thế do thương mại quốc tế đem lại.