NGHĨA TƯ BẢN
1. Bản chất của khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa
Trong các phương thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản cũng thường xẩy ra những cuộc biến động trong đời sống kinh tế, do thiên tai nhân hoạ bất thường nào đó gây ra, như: hoả hoạn, lũ lụt, dịch bệnh, chiến tranh... Trong điều kiện lực lượng sản xuất thấp kém, những tác động trên đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đến đời sống của dân cư. Còn dưới chủ nghiã tư bản thì ngược lại, khủng hoảng xẩy ra khi cung vượt xa cầu, hàng hoá sản xuất ra vượt xa nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư; hàng hoá ế thừa trong khi cuộc sống của quần chúng nhân dân sống vô cùng nghèo khổ.
Như vậy, khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa về bản chất là khủng hoảng sản xuất “thừa”. Biểu hiện của khủng hoảng trước hết là ở chỗ, hàng hoá không tiêu thụ được, tư bản không thu hồi được chi phí sản xuất, nhiều xí nghiệp bị phá sản, đóng cửa, số người thất nghiệp tăng lên. Trong thời kỳ khủng hoảng, sản xuất thừa hàng hoá không phải là tuyệt đối, mà là tương đối. Nghĩa là, thừa hàng hoá chỉ là thừa so với nhu cầu có khả năng thanh toán, chứ không phải thừa so với nhu cầu thực tế của xã hội.
Nguyên nhân sinh ra khủng hoảng kinh tế trong chủ nghĩa tư bản là ở bản chất của nền sản xuất đó: sản xuất xã hội hoá cao trên cơ sở lao động tập thể cơ khí hoá, nhưng quá trình xã hội hoá đó lại bị quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa kìm hãm. Trình độ xã hội hoá cao của nền sản xuất làm cho năng suất lao động rất cao, của cải sản xuất ra rất nhiều, nhưng những thành quả lao động xã hội lại bị một số ít nhà tư bản chiếm đoạt. Đó là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Trong chủ nghĩa tư bản, hàng hoá “thừa” chất đầy kho, nhưng hàng triệu quần chúng lại bị đói rét.
Mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản biểu hiện ở rất nhiều mâu thuẫn và xung đột xã hội khác nhau. Đó là: mâu thuẫn giữa xu hướng phát triển và bành trướng vô hạn của tư bản nhằm mục đích lợi nhuận; mâu thuẫn giữa khuynh hướng tích luỹ, phát triển sản xuất không giới hạn của chủ nghĩa tư bản với tính hạn chế của sức mua, của khả năng thanh toán của quần chúng; mâu thuẫn giữa quyền tự do sản xuất kinh doanh của mỗi người sản xuất trên cơ sở chế độ tư hữu với đòi hỏi phải bảo đảm những cân đối khách quan, sự phối hợp nhịp nhàng của các khâu, các bộ phận của sản xuất xã hội trong điều kiện xã hội hoá. Vì vậy, khủng hoảng kinh tế là một hiện tượng gắn liền với bản chất nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
2. Chu kỳ kinh tế của chủ nghĩa tư bản
Khủng hoảng kinh tế làm cho sự vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có tính chất chu kỳ. Chu kỳ kinh tế của chủ nghĩa tư bản là khoảng thời gian giữa hai cuộc khủng hoảng. Chu kỳ kinh tế gồm có 4 giai đoạn: khủng hoảng, tiêu điều, phục hồi và hưng thịnh, trong đó khủng hoảng là giai đoạn cơ bản của chu kỳ, là khởi điểm của chu kỳ mới.
Khủng hoảng là giai đoạn mà trong đó hàng hoá bị ứ đọng không bán được, giá hàng sụt, tiền tệ khan hiếm, nhiều xí nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Khủng hoảng công nghiệp và thương nghiệp đưa đến khủng hoảng cả hệ thống tiền tệ - tín dụng. Khủng hoảng đã phá huỷ nghiêm trọng lực lượng sản xuất xã hội.
Tiêu điều là giai đoạn tiếp theo khủng hoảng. Trong giai đoạn này, sản xuất vẫn đình trệ. Cân bằng được lập lại ở trạng thái thấp. Công nghiệp và thương nghiệp hoạt động yếu ớt. Giá cả hàng hoá ở mức rất thấp. Tiền nhàn rỗi nhiều nhưng không có nơi đầu tư, tỷ suất lợi tức giảm xuống. Để thoát khỏi tình trạng trì trệ, các nhà tư bản lại đầu tư mới và tăng cường bóc lột công nhân làm thuê.
Phục hồi là giai đoạn trong đó tư bản cố định tiếp tục được đổi mới, sản xuất được mở rộng đạt mức như trước khi nổ ra khủng hoảng. Trong giai đoạn này, đa số công nhân có việc làm, giá hàng tăng, lợi nhuận tăng lên.
Hưng thịnh là giai đoạn phát triển cao nhất của chu kỳ kinh tế. Lúc này, mức sản xuất vượt quá mức cao nhất cuả chu kỳ trước. Nhu cầu và khả năng tiêu thụ hàng hoá tăng, giá cả hàng hoá tăng lên, số người lao động và tiền lương cũng tăng lên. Guồng máy kinh tế dường như hoạt động hết công suất. Điều kiện của một cuộc khủng hoảng mới cũng dần chín muồi.
Trong chủ nghĩa tư bản cổ điển, thời gian của một chu kỳ kinh tế thường là 10 năm. Từ sau chiến tranh thế giới Thứ hai trở lại đây, do tiến bộ kỹ thuật diễn ra rất nhanh chóng, việc đổi mới tư bản cố định diễn ra nhanh hơn nên thời gian của một chu kỳ kinh tế có xu hướng rút ngắn lại, thời gian của một chu kỳ thường dao động trong khoảng từ 3 - 5 năm.
Ngày nay, mặc dù các nhà nước tư bản đều can thiệp vào nền kinh tế với mục đích là chống khủng hoảng, thất nghiệp và lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn không xoá bỏ được tính chất chu kỳ của khủng hoảng kinh tế. Tuy vậy, sự can thiệp đó đã làm cho khủng hoảng có những đặc điểm mới: tác động phá hoại của khủng hoảng bị hạn chế, thời gian trì trệ không kéo dài, thời điểm khủng hoảng nổ ra không trùng nhau ở các nước... Vì vậy, hậu quả của khủng hoảng kinh tế bớt nghiêm trọng hơn. Nhưng, chủ
nghĩa tư bản ngày nay lại đứng trước những khó khăn khác, là bên cạnh khủng hoảng kinh tế chu kỳ còn xuất hiện những hình thức khủng hoảng khác, như khủng hoảng cơ cấu, khủng hoảng tài chính - tiền tệ, khủng hoảng môi trường...
CHƯƠNG VI
QUÁ TRÌNH PHÂN PHỐI GIÁ TRỊ THẶNG DƯTRONG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TRONG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN