III. QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ
1. Đặc điểm của quá trình sản xuất giá trị thặng dư.
Nhà tư bản mua sức lao động ở trên thị trường nhưng lại tiêu dùng nó trong lĩnh vực sản xuất. Ở đây, trong xí nghiệp tư bản chủ nghĩa, sức lao động được kết hợp với tư liệu sản xuất để vừa tạo ra giá trị sử dụng, vừa tạo ra giá trị thặng dư. C. Mác đã chỉ ra rằng: “Khi sản xuất hàng hoá biểu hiện không chỉ là sự thống nhất giữa lao động có ích và lao động sáng tạo ra giá trị, mà còn biểu hiện là sự thống nhất giữa lao động có ích và lao động sáng tạo ra giá trị thặng dư thì sản xuất hàng hoá trở thành sản xuất tư bản chủ nghĩa”.1
Quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa có 2 đặc điểm căn bản:
Thứ nhất, đó là sự thống nhất giữa sản xuất giá trị sử dụng và giá trị thặng dư. Mục đích của nhà tư bản là giá trị thặng dư, nhưng để đạt được mục đích đó nhà tư bản buộc phải sản xuất giá trị sử dụng nhất định. Giá trị sử dụng mà nhà tư bản quyết định sản xuất có thể là những thứ vì con người (lương thực, vải vóc...) nhưng cũng có thể là những thứ tiêu diệt con người (bom, mìn, súng đạn...).
Thứ hai, công nhân phải làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản và sản phẩm làm ra thuộc sở hữu của nhà tư bản.
Hai đặc điểm này chi phối toàn bộ các hoạt động sản xuất trong chủ nghĩa tư bản.
Muốn thấy rõ giá trị thặng dư được tạo ra như thế nào, chúng ta nghiên cứu quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa trong một doanh nghiệp cụ thể, chẳng hạn, trong phân xưởng sản xuất sợi.
Để sản xuất sợi, nhà tư bản phải mua được sức lao động và những tư liệu sản xuất trên thị trường và tiêu dùng chúng trong sản xuất. Giả định việc mua bán được thực hiện theo đúng yêu cầu của quy luật giá trị, tức là ngang giá. Quá trình tiêu dùng hàng hoá sức lao động là quá trình người công nhân sử dụng tư liệu sản xuất để tiến hành lao động. Ở đây, người công nhân trở thành người sản xuất hàng hoá, do đó lao động của anh ta có tính chất hai mặt:
+ Về mặt lao động cụ thể, người công nhân làm thay đổi hình thái ban đầu của nguyên liệu để tạo nên sản phẩm mới, đồng thời chuyển nguyên vẹn giá trị của tư liệu sản xuất vào sản phẩm (c).
+ Về mặt lao động trừu tượng, người công nhân tạo ra một lượng giá trị mới gồm hai bộ phận: một bộ phận bằng với giá trị sức lao động (v) và một bộ phận mới tăng thêm (m). Giá trị mới tăng thêm này nhiều hay ít là