Trong lịch sử Kinh tế chính trị, tiền tệ đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà kinh tế. Thế nhưng, C. Mác là người đầu tiên đã nghiên cứu một cách hệ thống và sâu sắc về nguồn gốc, bản chất của tiền tệ .
Tiền tệ xuất hiện là kết quả tất yếu của quá trình phát triển sản xuất và trao đổi hàng hoá.
Mỗi hàng hoá là sự thống nhất của hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị. Nếu giá trị sử dụng của hàng hoá có thể nhận biết bằng các giác quan, thì giá trị của hàng hoá lại chỉ nhận biết được qua giá trị trao đổi, tức là ở các hình thái giá trị. Trong lịch sử phát triển của trao đổi hàng hoá, hình thái giá trị cũng phát triển từ thấp đến cao, từ hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên, tới hình thái mở rộng, hình thái chung của giá trị và hình thái tiền tệ.
a) Hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị
Cuối công xã nguyên thuỷ, lực lượng sản xuất có sự phát triển nhất định làm xuất hiện sản phẩm thặng dư, do đó bắt đầu có trao đổi. Nhưng vì lực lượng sản xuất còn ở trình độ rất thấp nên sản phẩm thặng dư còn rất ít ỏi và do đó, trao đổi mang tính chất ngẫu nhiên và trực tiếp. Một hàng hoá được trao đổi một cách ngẫu nhiên với một hàng hoá khác, chẳng hạn:
10 kg thóc = 2 m vải
Trong hình thái này, hàng hoá ở vế trái của phương trình (10 kg thóc) ở vào vị trí hình thái tương đối, giá trị của nó được biểu hiện ra bên ngoài. Hàng hoá ở vế phải của phương trình (2 m vải) ở vào vị trí hình thái ngang giá, dùng để biểu hiện giá trị của thóc. Trong hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị, giá trị sử dụng của một hàng hoá đã trở thành hình thức
biểu hiện của giá trị. Và vì thế, C.Mác cho rằng, ngay trong hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị đã có mầm mống của tiền tệ.
b) Hình thái mở rộng của giá trị
Khi lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội phát triển đã đưa năng suất lao động tăng lên, sản phẩm thặng dư nhiều hơn thì việc trao đổi trở nên thường xuyên hơn. Ở đây, giá trị của một hàng hoá được biểu hiện ở giá trị sử dụng của nhiều hàng hoá khác nhau, chẳng hạn:
2 m vải , hoặc 10 kg thóc = 1 cái bàn, hoặc
1 gr. vàng, hoặc v...v..
Hình thái này bao gồm nhiều phương trình trao đổi và việc phân tích mỗi phương trình cũng giống như trong hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị. Hình thái này khác hình thái trên ở chỗ: hình thức biểu hiện giá trị của một hàng hoá đã được mở rộng, không cố định ở một hàng hoá.
c) Hình thái chung của giá trị
Lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội tiếp tục phát triển cao hơn, trao đổi hàng hoá trở nên thường xuyên và ngày càng mở rộng hơn nữa. Một hàng hoá có thể trao đổi được với nhiều loại hàng hoá khác nhau. Nhưng cũng vì thế, những người có sản phẩm dư thừa không dễ gì đổi ngay được những sản phẩm mà họ cần. Quá trình trao đổi hàng hoá dần dần làm xuất hiện hàng hoá trung gian trong trao đổi. Những hàng hoá trung gian phải mang tính thông dụng, có ý nghĩa kinh tế đối với một địa phương, một bộ tộc, bộ lạc... Khi đã có hàng hoá trung gian, người ta dễ dàng đổi được hàng hoá mà họ cần. Khi đó, hình thái mở rộng của giá trị phát triển thành hình thái chung của giá trị.
10kg thóc hoặc 2 m vải
hoặc 1 cái bàn = 1 con cừu hoặc 1 gr. vàng
v...v...
Hàng hoá đóng vai trò vật ngang giá chung trở thành môi giới, thành phương tiện để trao đổi các hàng hoá với nhau. Lúc đầu, vật ngang giá chung khác nhau ở mỗi địa phương, mỗi bộ tộc, bộ lạc vì ở mỗi nơi sản
phẩm thông dụng, có ý nghĩa kinh tế khác nhau, có nơi dùng thóc, có nơi dùng vỏ sò, vỏ ốc v...v...
d) Hình thái tiền tệ
Khi lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội phát triển cao hơn nữa, trao đổi hàng hoá đòi hỏi phải có vật ngang giá chung thống nhất giữa các vùng, các địa phương.
Khi vật ngang giá chung được cố định lại ở một hàng hoá độc tôn và phổ biến thì hình thái tiền tệ xuất hiện. Hàng hoá đóng vai trò tiền tệ phải thoả mãn các yêu cầu: thuần nhất, dễ chia nhỏ; dễ vận chuyển, dễ bảo quản, trọng lượng nhỏ, giá trị cao... Thuộc tính tự nhiên của bạc và vàng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đó, nên vàng và bạc đã trở thành tiền tệ. Khi tiền tệ xuất hiện, thế giới hàng hoá phân làm hai cực: một cực là những hàng thông thường đại biểu cho những giá trị sử dụng; cực khác là hàng hoá đóng vai trò tiền tệ, đại biểu cho giá trị.
Như vậy, tiền tệ là hàng hoá đặc biệt, đóng vai trò vật ngang giá chung thống nhất cho tất cả hàng hoá. Tiền tệ ra đời là kết qủa tất yếu của sự phát triển sản xuất và trao đổi hàng hoá. Tiền tệ là hình thức thể hiện lao động xã hội. Về bản chất, tiền tệ là quan hệ xã hội, quan hệ giữa những người sản xuất và trao đổi hàng hoá.
Với tư cách là hàng hoá, vàng và bạc cũng có hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị. Giá trị sử dụng của các hàng hoá này thể hiện ở chỗ, nó được sử dụng trong việc chế tạo một số chi tiết sản phẩm công nghiệp và làm đồ trang sức. Giá trị của hàng hoá vàng, bạc cũng do hao phí thời gian lao động xã hội cần thiết, giản đơn của người khai thác, sản xuất vàng, bạc kết tinh trong nó quyết định.
Khi đóng vai trò tiền tệ, vàng, bạc có giá trị sử dụng đặc biệt là vật ngang giá chung, đo lường được giá trị của hàng hoá khác. Đó là chức năng xã hội của vàng và bạc. Cũng từ đây nảy sinh tệ sùng bái tiền, vì tiền được coi là có quyền lực vạn năng.