1. Ba giai đoạn vận động của tư bản và sự biến hoá hình thái của tư bản bản
Tư bản công nghiệp vận động theo công thức: TLSX
T - H ... SX... H’ - T’ SLĐ SLĐ
Quá trình lưu thông của tư bản chính là sự vận động của tư bản, nhờ đó nó lớn lên và thu được giá trị thặng dư. Sự vận động của tư bản trải qua 3 giai đoạn:
a) Giai đoạn thứ nhất: T - H
Mỗi tư bản đều bắt đầu cuộc đời của mình dưới hình thức một số lượng tiền tệ nhất định; nó biểu hiện thành tư bản tiền tệ. Nhà tư bản dùng tiền mua một loại hàng hoá nhất định, gồm tư liệu sản xuất và sức lao động. Quá trình lưu thông đó có thể trình bày như sau:
TLSX
T - H
SLĐ
Trong hành vi mua (T - H) của nhà tư bản không còn đơn thuần là sự chuyển hoá một món tiền thành hàng hoá, mà tư bản đã bước vào giai đoạn vận động tuần hoàn của mình. Chức năng của tư bản tiền tệ là chuyển hoá thành các yếu tố sản xuất. Kết thúc giai đoạn này, nhà tư bản có được tất cả những cái cần thiết cho việc sản xuất. Trước kia, nhà tư bản có tư bản dưới hình thái tiền tệ, bây giờ, tư bản mà anh ta có về số lượng giá trị không thay đổi, nhưng về hình thái thì đã là tư bản sản xuất.
Việc biến tư bản tiền tệ thành những yếu tố của tư bản sản xuất đảm bảo cho tư liệu sản xuất được kết hợp với sức lao động của công nhân làm thuê; không có sự kết hợp đó thì không thể có quá trình sản xuất.
b) Giai đoạn thứ hai: ... S X ...
Ở giai đoạn này, người ta tiêu dùng sản xuất các hàng hoá đã mua, tức tiến hành sản xuất. Hình thái của tư bản giờ đây là tư bản sản xuất. Chức năng của tư bản sản xuất là tạo ra giá trị thặng dư. Sau một quá trình sản xuất, một hàng hoá mới H’ được tạo ra, khác về giá trị sử dụng và cả lượng giá trị so với giá trị các hàng hoá cấu thành tư bản sản xuất. Hàng hoá mới này đã mang trong nó giá trị thặng dư, nên nó là tư bản hàng hoá. Như vậy, kết thúc giai đoạn thứ hai, tư bản sản xuất biến thành tư bản hàng hoá. Giai đoạn này trong cuộc vận động của tư bản có thể trình bày như sau:
TLSX
H ... S X ... H’ SLĐ SLĐ
(Các dấu chấm trước và sau chữ S X là chỉ quá trình lưu thông đang gián đoạn và quá trình sản xuất đang tiến hành. H’ là chỉ tư bản dưới hình thái hàng hoá).
Chức năng của tư bản sản xuất là, thông qua lao động của công nhân, sáng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư (H – H’).
c) Giai đoạn thứ ba: H’ – T’
Hình thái của tư bản giờ đây là hàng hoá, trong đó chứa đựng giá trị thặng dư. Hàng hoá được sản xuất ra trong giai đoạn thứ hai nhà tư bản cần phải bán đi để thu tiền về. Quá trình lưu thông đó có thể trình bày như sau: H’ - T’. Chức năng của tư bản hàng hoá là thông qua việc bán hàng hoá đã sản xuất ra để: một là, hoàn lại cho nhà tư bản dưới hình thái tiền tệ số tư bản đã bỏ ra lúc đầu để sản xuất, và hai là, thực hiện giá trị thặng dư đã được sáng tạo ra trong quá trình sản xuất.
Lần thứ ba tư bản thay đổi hình thái tồn tại của nó. Tư bản lại trở lại hình thái tư bản tiền tệ. Nhưng bây giờ, số tiền của nhà tư bản đã lớn hơn số lượng nguyên có trước kia. Mục đích thu về giá trị thặng dư của các nhà tư bản đã đạt được. Tư bản đã trở lại trong tay chủ nó với một khối lượng lớn hơn. Nhưng để thoả mãn lòng thèm khát vô hạn giá trị thặng dư, người ta lại bỏ T’ đó mua tư liệu sản xuất và sức lao động cần thiết cho việc tiếp tục sản xuất, và toàn bộ quá trình lại bắt đầu.
Tổng hợp quá trình vận động của tư bản trong cả 3 giai đoạn, ta có công thức sau đây:
TLSX
T – H ... S X ... H’ – T’ (...) SlĐ SlĐ
Trong 3 giai đoạn đó, có 2 giai đoạn diễn ra trong lưu thông và 1 giai đoạn diễn ra trong sản xuất. Nhưng cả 3 giai đoạn kết hợp chặt chẽ với nhau. Nếu một trong 3 giai đoạn bị ngừng trệ, thì toàn bộ sự vận động của tư bản bị phá hoại.
Sự vận động của tư bản T – H ... S X ... H’ – T’ là sự vận động có tính chất tuần hoàn: từ hình thái tiền đầu tuần hoàn quay lại hình thái tiền cuối tuần hoàn; quá trình đó tiếp tục lặp lại không ngừng.
Vậy, tuần hoàn của tư bản là sự vận động của tư bản trải qua ba giai đoạn, lần lượt mang ba hình thái và thực hiện ba chức năng để rồi quay trở về hình thái ban đầu với giá trị không chỉ được bảo tồn mà còn tăng lên.
2. Các hình thái tuần hoàn của tư bản công nghiệp
Tư bản không ngừng vận động, lần lượt trải qua 3 giai đoạn; ở mỗi giai đoạn, tư bản tồn tại dưới những hình thức khác nhau và thực hiện những chức năng nhất định. Trong vận động liên tục của tư bản, mỗi hình thái của tư bản đều có thể trở thành điểm bắt đầu và kết thúc của một vòng tuần hoàn, tạo nên các hình thái khác nhau của tuần hoàn tư bản.
a) Tuần hoàn của tư bản tiền tệ: T – H...SX... H’ –T’
Điểm mở đầu và kết thúc của tuần hoàn là tiền tệ. Điều này cho thấy, tư bản trước hết xuất hiện dưới hình thái tiền tệ; tích luỹ tiền tệ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Tuần hoàn của tư bản tiền tệ cho thấy, mục đích của vận động tư bản là tiền tệ, là giá trị thặng dư. Sự giống nhau về chất giữa T và T’ làm cho điểm kết thúc của chu kỳ này trở thành điểm mở đầu của chu kỳ mới; vận động của tư bản liên tục và không có giới hạn.
Tuần hoàn của tư bản tiền tệ còn cho thấy, sản xuất chỉ là khâu trung gian, là “ tai vạ cần thiết” để tiền đẻ ra tiền. Cũng ở hình thái này, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hoàn toàn bị che dấu. Bởi vậy, tuần hoàn của tư bản tiền tệ đặc trưng nhất nhưng cũng phiến diện nhất khi phản ánh vận động của tư bản.
b) Tuần hoàn của tư bản sản xuất: SX... H’ – T’ – H ... SX’
Điểm mở đầu và kết thúc của tuần hoàn là sản xuất. Điều này làm cho người ta lầm tưởng rằng, mục đích của vận động tư bản là sản xuất; hàng hoá và tiền tệ chỉ là những yếu tố trung gian.
Tuần hoàn của tư bản sản xuất lại chỉ rất rõ rằng, nguồn gốc của sản xuất mở rộng là kết qủa của quá trình sản xuất trước đó, tức là lao động của công nhân tích luỹ lại; lưu thông là điều kiện của sản xuất.
Hàng hoá là điểm mở đầu và kết thúc của tuần hoàn tư bản. Nhưng H’, H” không phải là hàng hoá thông thường, mà mang giá trị thặng dư, tức là tư bản hàng hoá. Trong tuần hoàn của tư bản hàng hoá, vận động của tư bản được biểu hiện bằng vận động của hàng hoá.
Trong tuần hoàn của tư bản hàng hoá, tiền tệ và sản xuất chỉ là điều kiện cần thiết của lưu thông hàng hoá. H’ - T’ bao gồm hành vi trao đổi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản xuất và hành vi trao đổi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Do đó, tuần hoàn của tư bản hàng hoá không chỉ phản ánh vận động của tư bản cá biệt, mà còn có thể được sử dụng để nghiên cứu vận động của tư bản xã hội.
Trong các loại tư bản, chỉ có tư bản công nghiệp (với nghiã các ngành sản xuất vật chất) mới có hình thái tuần hoàn đầy đủ gồm ba giai đoạn, tư bản lần lượt mang lấy và trút bỏ ba hình thức của nó. Tư bản công nghiệp là hình thức tư bản duy nhất không chỉ chiếm đoạt giá trị thặng dư mà còn tạo ra giá trị thặng dư. Cho nên, chính tư bản công nghiệp quy định tính chất tư bản chủ nghĩa của sản xuất.
Tư bản tiền tệ, tư bản sản xuất và tư bản hàng hoá không phải là những loại tư bản độc lập, mà chúng chỉ là những hình thái chức năng đặc thù của tư bản công nghiệp. Trong cuộc tuần hoàn của tư bản công nghiệp, giai đoạn thứ hai (khi tư bản công nghiệp mang hình thức tư bản sản xuất) là giai đoạn có ý nghĩa quyết định. Trong giai đoạn ấy, hàng hoá, giá trị và giá trị thặng dư được sản xuất ra (tư bản sản xuất biến thành tư bản hàng hoá). Trong hai giai đoạn kia, không sáng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư, mà chỉ có sự thay đổi hình thức tư bản (tư bản tiền tệ biến thành tư bản sản xuất và tư bản hàng hoá biến thành tư bản tiền tệ).