III. QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ
5. Sản xuất giá trị thặng dư Qui luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản
Giá trị thặng dư là mục đích hoạt động, là cơ sở tồn tại và phát triển của tất cả các nhà tư bản, dù họ hoạt động trong công nghiệp, thương nghiệp hay nông nghiệp. Theo C.Mác, “sản xuất giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”1.
Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, qui luật giá trị thặng dư là quy luật cơ bản. Bởi vì:
- Qui luật giá trị thặng dư ra đời cùng với sự ra đời của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, nó tồn tại và phát huy tác dụng cùng với sự tồn tại và vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Quy luật giá trị thặng dư phản ánh mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và xu thế vận động, phát triển của nền sản xuất đó.
- Qui luật giá trị thặng dư chi phối các qui luật kinh tế khác. Nó quyết định toàn bộ quá trình phát sinh và phát triển của chủ nghĩa tư bản, đồng thời chính nó cũng lại là nguyên nhân làm cho mâu thuẫn cơ bản và nói chung toàn bộ mâu thuẫn của xã hội tư bản ngày càng sâu sắc, tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản.
Qui luật giá trị thặng dư đòi hỏi sản xuất giá trị thặng dư ngày càng nhiều cho các nhà tư bản bằng cách tăng cường bóc lột lao động làm thuê trên cơ sở mở rộng sản xuất và phát triển kỹ thuật. Như vậy, qui luật này không những vạch rõ mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản xuất không phải vì mục đích giá trị sử dụng, mà là giá trị và giá trị thặng dư. Giá trị thặng dư càng nhiều càng tốt. Qui luật này cũng vạch rõ phương thức mà các nhà tư bản sử dụng để đạt được mục đích giá trị thặng dư là mở rộng sản xuất, phát triển kỹ thuật, kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động và tăng năng suất lao động để tăng cường bóc lột công nhân làm thuê.
Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác đã vạch trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa khác với những hình thức bóc lột của chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến trước kia là ở chỗ nó được che đậy đi. Thoạt nhìn, sự mua bán sức lao động cũng giống như sự mua bán các hàng hoá thông thường khác, nhưng thực ra, đó chỉ là hình thức bề ngoài. Đằng sau quan hệ “thuận mua, vừa bán” đó là sự bóc lột của nhà tư bản đối với công nhân.
Học thuyết giá trị thặng dư còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. C. Mác đã vạch ra rằng, sự phân chia ngày lao động thành thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư cũng như toàn bộ sản phẩm lao động thành sản phẩm cần thiết và sản phẩm thặng dư là một tất yếu khách quan từ khi năng suất lao động của con người đã tạo ra được sản phẩm dư thừa. Năng suất lao động xã hội càng cao, sản phẩm thặng dư càng lớn, càng có điều kiện phát triển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm thặng dư cho đất nước phải trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.