SỰ CHUYỂN HOÁ CỦA TIỀN TỆ THÀNH TƯ BẢN

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT T1 doc (Trang 46 - 50)

1. Công thức chung của tư bản và mâu thuẫn của nó.

Tiền tệ là sản vật cuối cùng của lưu thông hàng hoá, đồng thời là hình thái xuất hiện đầu tiên của tư bản. Mọi tư bản lúc đầu đều biểu hiện thành một số tiền nhất định, nhưng bản thân tiền không phải là tư bản, và không phải bất cứ một lượng tiền nào cũng là tư bản. Chẳng hạn, khi người sản xuất hàng hoá nhỏ độc lập, trao đổi hàng hoá thì tiền là phương tiện lưu thông, không phải là tư bản. Tiền đó vận động theo công thức H (hàng hoá) - T (tiền) - H (hàng hoá), nghĩa là bán để mua. Còn đối với các nhà tư bản, tiền của họ vận động theo công thức T (tiền) - H (hàng hoá) - T (tiền), nghĩa là mua để bán nhằm mục đích làm giàu. C. Mác cho rằng , bất cứ tiền tệ nào mà vận động theo công thức này cũng đều chuyển hoá thành tư bản, và Ông gọi đó là công thức chung của tư bản (hay lưu thông của tư bản).

Hai công thức H - T - H và T - H - T tuy đều phản ánh những quan hệ chung của kinh tế hàng hoá , tức là đều có các quá trình mua và bán, đều có những nhân tố vật chất là hàng và tiền, đều có quan hệ giữa người bán và người mua, nhưng lại có những điểm khác nhau rất lớn về bản chất. Công thức H - T - H, có nghĩa là một giá trị sử dụng này đổi lấy một giá trị sử dụng khác: người sản xuất hàng hoá đem bán những hàng hoá mà họ có, đổi lấy những hàng hoá mà họ cần dùng. Trái lại, trong công thức T - H - T, điểm bắt đầu và điểm kết thúc của cuộc vận động giống nhau về chất. Khi quá trình bắt đầu, nhà tư bản có tiền, khi quá trình kết thúc, tiền lại trở về tay nhà tư bản. Nếu giao dịch kết thúc rồi mà nhà tư bản vẫn chỉ có nguyên số tiền như lúc đầu, thì cuộc vận động của tư bản sẽ không có ý nghĩa gì. Toàn bộ ý nghĩa hoạt động của nhà tư bản là sau khi giao dịch, tiền của nhà tư bản nhiều hơn số tiền có lúc đầu. Do đó công thức chung của tư bản viết đầy đủ là T - H - T’, trong đó T’ = T + t. Ở đây, t chỉ số tiền tăng thêm, mà C. Mác gọi là giá trị thặng dư, còn số tiền nhà tư bản ứng ra ban đầu gọi là tư bản.

Vậy, tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư. Vấn đề đặt ra là: giá trị thặng dư do đâu mà có?

Thoạt nhìn, công thức chung của tư bản hình như mâu thuẫn với lý luận về hàng hoá, giá trị, tiền tệ và lưu thông đã được nghiên cứu ở phần trước, bởi vì, hình như không chỉ lao động tạo ra giá trị, mà tiền tệ tự nó

cũng tạo ra giá trị; giá trị không chỉ được tạo ra trong sản xuất mà cả trong lưu thông nữa. Theo lý thuyết giá trị, trong mọi trường hợp, dù trao đổi ngang giá hay không ngang giá, lưu thông và bản thân tiền tệ trong lưu thông không hề tạo ra giá trị. Nếu trao đổi ngang giá thì ở đó chỉ có sự thay đổi về hình thái của giá trị, từ tiền thành hàng và từ hàng thành tiền, còn tổng số giá trị cũng như phần giá trị nằm trong tay mỗi bên tham gia trao đổi trước sau vẫn không thay đổi. Còn nếu trao đổi không ngang giá, thì dù trao đổi có diễn ra dưới hình thức nào: mua rẻ, bán đắt, lừa lọc... xét trên phạm vi toàn xã hội nó cũng không thể làm tăng thêm giá trị, mà chỉ là phân phối lại giá trị mà thôi. Nhưng, nếu tiền tệ nằm ngoài lưu thông thì cũng không thể tăng thêm giá trị được. Như vậy, giá trị thặng dư không sinh ra từ lưu thông, cũng không thể sinh ra ở ngoài lưu thông. Đó là mâu thuẫn của công thức chung của tư bản.

2. Điều kiện để tiền tệ chuyển hoá thành tư bản

Nghiên cứu công thức chung của tư bản cũng chính là nghiên cứu những điều kiện chuyển hoá của tiền tệ thành tư bản, mà thực chất là sự chuyển hoá của một quan hệ xã hội này thành một quan hệ xã hội khác, quan hệ sản xuất giữa những người sản xuất hàng hoá giản đơn thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Công thức chung của tư bản T - H - T’ bao gồm hai hành vi: mua (T- H) và bán (H-T’). Theo yêu cầu của quy luật giá trị, trao đổi phải ngang giá. Do đó, T có giá trị bao nhiêu thì H trong hành vi mua có giá trị bấy nhiêu; T’ có giá trị bao nhiêu thì H trong hành vi bán cũng có giá trị bấy nhiêu. Như trên đã phân tích, T’ phải lớn hơn T. Từ đó suy ra, H trong hành vi bán (ký hiệu là H2) có giá trị lớn hơn H trong hành vi mua (ký hiệu là H1). Công thức chung của tư bản có thể được viết như sau:

T - H1 ... H2 - T’

Vậy H1 là hàng hoá nào mà sau một thời kỳ nhất định lại trở thành H2 có giá trị lớn hơn? Theo lý luận giá trị, chỉ có lao động của người sản xuất hàng hoá mới tạo ra giá trị, do đó H2 phải là kết qủa của quá trình sản xuất và H1 chính là tư liệu sản xuất và sức lao động. Như vậy là, nhờ mua được ở trên thị trường hàng hoá sức lao động, tư liệu sản xuất và tiến hành quá trình sản xuất mà nhà tư bản có được giá trị thặng dư.

Từ sự phân tích trên cho thấy, tiền là xuất phát điểm của tư bản, nhưng không phải mọi tiền tệ đều là tư bản, mà tiền tệ chuyển hoá thành tư bản khi có các điều kiện sau:

- Trước hết là phải có một số lượng tiền đủ lớn để có thể chuyển hoá thành sức lao động và tư liệu sản xuất. Lượng giá trị tối thiểu mà một người

sở hữu tiền tệ hay hàng hoá phải có để có thể biến thành tư bản, thay đổi tuỳ theo những trình độ phát triển khác nhau của sản xuất. Với trình độ phát triển nhất định, số giá trị tối thiểu đó lại thay đổi tuỳ theo những điều kiện kỹ thuật trong các ngành khác nhau.

- Thứ hai, nếu số lượng tiền lớn đó mà chỉ “nằm một chỗ”, không “sinh con đẻ cái” thì nó cũng không trở thành tư bản được, mà tiền đó phải luôn được ném vào lưu thông để mang về một lượng tiền lớn hơn. Tức là, tiền đó phaỉ vận động theo công thức T - H - T’. Như vậy, không những giá trị ứng trước được bảo tồn trong lưu thông, mà nó còn thay đổi số lượng trong lưu thông, thêm vào số lượng của nó một lượng giá trị, và chính cuộc vận động đó đã chuyển hoá nó thành tư bản. C. Mác đã phân biệt “Tiền với tư cách là tiền và tiền với tư cách là tư bản lúc đầu chỉ khác nhau về hình thái lưu thông không giống nhau mà thôi” .1

- Thứ ba, sự chuyển hoá của tiền tệ thành tư bản còn đòi hỏi người có tiền phải tìm thấy trong lưu thông, trên thị trường một hàng hoá đặc biệt mà khi tiêu dùng hàng hoá này sẽ tạo ra gía trị lớn hơn giá trị của chính nó. Đó là hàng hoá sức lao động và quá trình tiêu dùng sức lao động chính là quá trình lao động. C. Mác viết: “ Tư bản chỉ phát sinh ra ở nơi nào mà người chủ những tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt tìm thấy được người lao động tự do, với tư cách là người bán sức lao động của mình, ở trên thị trường và chỉ một điều kiện lịch sử ấy cũng bao hàm cả một lịch sử thế giới. Vì thế, ngay từ lúc mới xuất hiện, tư bản đã báo hiệu một thời đại đặc biệt của quá trình sản xuất xã hội.”2

3. Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản

Vào thế kỷ XV ở Tây Âu, sản xuất hàng hoá phát triển rất mạnh mẽ: thị trường của các quốc gia Tây Âu được hình thành; quan hệ buôn bán giữa các quốc gia Tây Âu và giữa Tây Âu với Trung Quốc, Ấn Độ phát triển nhanh chóng... Cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hoá là việc phát hiện và chinh phục Châu Mỹ với những mỏ vàng giàu có... Đó chính là những nhân tố góp phần quyết định trong việc tạo ra tích luỹ tiền tệ hết sức nhanh chóng, một tiền đề quan trọng cho sự ra đời của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu.

Trong công nghiệp, chủ nghĩa tư bản xuất hiện trước hết dưới hình thức hợp tác giản đơn. Nhờ có hợp tác giản đơn, năng suất lao động trong các xưởng thợ tăng lên. Khi lực lượng sản xuất phát triển hơn nữa, những công trường thủ công tư bản chủ nghĩa xuất hiện. Mặc dù vẫn dựa trên lao

1 C.Mác. Tư bản. Q1, T1, NXB ST, H.- Tiến bộ M. 1988, tr.193.

động thủ công nhưng nhờ hợp tác có phân công, công trường thủ công tư bản chủ nghĩa đã làm tăng năng suất lao động, phát triển lực lượng sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XVII-XVIII làm xuất hiện các công xưởng sử dụng máy móc phức tạp, thay cho các công trường thủ công và xưởng thợ dựa trên cơ sở lao động thủ công. Với sự xuất hiện của các công xưởng, chủ nghĩa tư bản trong công nghiệp được khẳng định.

Trong nông nghiệp, chủ nghĩa tư bản xuất hiện muộn hơn. Do sự phát triển của công nghiệp, máy móc dần dần được sử dụng trong nông nghiệp, năng suất lao động trong nông nghiệp tăng lên, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần hình thành trong nông nghiệp. Từng bước, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xác lập địa vị thống trị trong phạm vi toàn xã hội.

Chủ nghĩa tư bản là sản xuất hàng hoá phát triển đến giai đoạn cao nhất, khi ấy sức lao động cũng thành hàng hoá. Khi sức lao động biến thành hàng hoá thì sản xuất hàng hoá có tính chất phổ biến. Sản xuất tư bản chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở lao động làm thuê, nhà tư bản thuê công nhân chẳng qua cũng là mua bán hàng hoá sức lao động: công nhân bán sức lao động, nhà tư bản mua sức lao động.

Như vậy, chủ nghĩa tư bản dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Các nhà tư bản là người sở hữu tư liệu sản xuất và sử dụng những tư liệu sản xuất đó để bóc lột công nhân làm thuê. Theo sự giải thích kinh điển của C. Mác, thì “Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở sản xuất như thế này: những điều kiện vật chất của sản xuất biểu hiện quyền sở hữu tư bản và quyền sở hữu ruộng đất nằm trong tay những người không lao động, còn quần chúng thì chỉ có điều kiện con người để sản xuất, tức là sức lao động”1. Nhưng, C. Mác cũng khẳng định: “Dẫu sao thì một điều cũng đã rõ: thiên nhiên không sinh ra một bên là người chủ xưởng và chủ hàng hoá và bên kia là những người chỉ làm chủ độc có sức lao động của mình. Quan hệ ấy không phải là một quan hệ xã hội chung cho tất cả các thời kỳ lịch sử. Rõ ràng bản thân nó là kết quả của sự phát triển lịch sử trước đó, là sản vật của nhiều cuộc cách mạng kinh tế, là sản vật của sự tiêu vong của hàng loạt những hình thái sản xuất xã hội cũ hơn”2.

Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, người công nhân làm thuê thoát khỏi ràng buộc của chế độ nông nô, nhưng họ bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất, muốn khỏi chết đói, họ bắt buộc phải bán sức lao động cho nhà tư bản. Giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản là đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa tư bản,

1 C.Mác.Phê phán cương lĩnh Gôta.

mà quan hệ giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản là quan hệ giai cấp cơ bản của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Đặc điểm của sản xuất tư bản chủ nghĩa là dựa trên cơ sở bóc lột lao động làm thuê, là sự tách rời đối lập giữa tư liệu sản xuất với sức lao động. Vì vậy, chủ nghĩa tư bản chỉ xuất hiện khi có hai điều kiện: một là, có một lớp người được tự do về thân thể, nhưng lại không có tư liệu sản xuất; và

hai là, tiền của phải được tập trung vào trong tay một số ít người với một lượng đủ để lập các xí nghiệp. Trong nền kinh tế hàng hoá, do sự tác động của qui luật giá trị, hai điều kiện đó dần dần được tạo lập, nhưng rất chậm chạp. Trong lịch sử, những điều kiện đó còn được tạo lập bằng con đường thứ hai, bằng tích luỹ nguyên thuỷ tư bản. Thực chất của tích luỹ nguyên thuỷ tư bản là dùng bạo lực tước đoạt ruộng đất của nông dân, biến họ thành những người lao động làm thuê; còn ruộng đất của nông dân bị tịch thu để xây dựng các đồn điền tư bản chủ nghĩa. Vì thế, lịch sử ra đời của chủ nghĩa tư bản mang “đầy máu và bùn nhơ”.

Sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trải qua hai giai đoạn: chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và chủ nghĩa tư bản độc quyền. Hai giai đoạn đó có chung bản chất, nhưng khác nhau về trình độ phát triển. Các qui luật kinh tế chung của chủ nghĩa tư bản đều tồn tại và có tác dụng trong cả hai giai đoạn, nhưng ở mỗi giai đoạn chúng lại có sự biểu hiện khác nhau.

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT T1 doc (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w