Tư bản tài chính

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT T1 doc (Trang 114 - 116)

I. CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN

2.Tư bản tài chính

Cùng với quá trình tích tụ và tập trung trong sản xuất là quá trình tích tụ và tập trung tư bản trong lĩnh vực ngân hàng. Khi tích tụ và tập trung tư bản trong ngân hàng đạt đến trình độ nhất định, tổ chức độc quyền trong ngân hàng được hình thành.

Sự hình thành tổ chức độc quyền ngân hàng gắn liền với vai trò mới của ngân hàng. Từ chỗ là trung tâm phát hành và quản lý tiền tệ, là trung tâm thanh toán, ngân hàng có thêm chức năng kiểm soát và giám sát các hoạt động kinh tế. Sở dĩ như vậy là vì, các tổ chức độc quyền ngân hàng có sức mạnh rất lớn, nắm được phần lớn tư bản tiền tệ của xã hội. Nền kinh tế hàng hoá càng phát triển thì nhu cầu vay mượn tiền tệ của các doanh nghiệp càng lớn. Thông qua hoạt động tín dụng, ngân hàng có thể nắm rất chắc tình

tình hoạt động của các doanh nghiệp và chi phối các hoạt động đó. Như vậy, tư bản độc quyền ngân hàng có quyền lực hết sức to lớn, chi phối các hoạt động kinh tế - xã hội.

Giữa tư bản độc quyền ngân hàng và tư bản độc quyền công nghiệp cũng có mối quan hệ kinh tế mới. Với một mạng lưới chi nhánh ở khắp mọi nơi, các tổ chức độc quyền ngân hàng cho các tổ chức độc quyền công nghiệp vay và nhận gửi những số tiền lớn, dài hạn. Từ chức năng kiểm soát và giám sát các hoạt động kinh tế, các tổ chức độc quyền ngân hàng tìm cách kiểm soát và dần dần khống chế hoạt động sản xuất kinh doanh của tư bản độc quyền công nghiệp, thậm chí cử người tham gia vào Hội đồng quản trị của tư bản độc quyền công nghiệp. Ngược lại, để đảm bảo chắc chắn tiền gửi và chi phối hoạt động của ngân hàng - một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, tổ chức độc quyền công nghiệp bỏ tiền ra mua cổ phiếu của các ngân hàng, khống chế các ngân hàng, cử người tham gia vào Hội đồng quản trị của tổ chức độc quyền ngân hàng. Như vậy, tư bản độc quyền ngân hàng và tư bản độc quyền công nghiệp không ngừng thâm nhập lẫn nhau, tìm cách chi phối nhau. Kết qủa của quá trình đó là sự xuất hiện của hình thức tư bản mới gọi là tư bản tài chính.

Tư bản tài chính là tư bản xuất hiện trên cơ sở tập trung sản xuất; là sự thâm nhập hay dung hợp lẫn nhau giữa các tổ chức độc quyền ngân hàng và các tổ chức độc quyền công nghiệp.

Tư bản tài chính phát triển ngày càng mạnh và có thế lực kinh tế rất lớn. Trong tư bản tài chính có một nhóm nhỏ gồm những nhà tư bản giàu có nhất, có thế lực mạnh nhất gọi là đầu sỏ tài chính.

Đầu sỏ tài chính thực hiện sự thống trị của mình bằng chế độ “tham dự”. Thực chất của chế độ này là tập đoàn tư bản tài chính lớn nhờ nắm được một số lượng cổ phiếu khống chế và chi phối được công ty gốc (hay còn gọi là “công ty mẹ”). Số lượng cổ phiếu khống chế ở thời kỳ đầu thường là 50-51% tổng số cổ phiếu. Càng về sau, số lượng cổ phiếu khống chế càng giảm, thậm chí chỉ cần nắm được số lượng cổ phiếu 20-25% có thể chi phối được công ty. Khi đã chi phối được các công ty mẹ, các nhà tư bản tài chính sử dụng vốn của chính những công ty này để chi phối các “công ty con”, các công ty con lại chi phối “công ty cháu”... Cứ như vậy, chỉ cần vài tỷ đô la, các nhà tư bản tài chính có thể chi phối được hàng trăm tỷ đô la của tư bản xã hội. Vì vậy tư bản tài chính, đặc biệt là đầu sỏ tài chính, có đủ khả năng chi phối không những các hoạt động kinh tế, mà còn chi phối cả các chính

sách kinh tế, chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước tư sản. Đó cũng chính là vai trò của tư bản tài chính.

Trong giai đoạn hiện nay, tư bản tài chính có biểu hiện mới. Đó là sự thay đổi trong các hình thức tổ chức và cơ chế thống trị của tư bản tài chính.

Do sự phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học - công nghệ, cơ cấu các ngành kinh tế của các nước tư bản phát triển có những thay đổi quan trọng: khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP; các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học cao xuất hiện và có vai trò ngày càng to lớn trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, tư bản tài chính không chỉ là sự liên kết, thâm nhập lẫn nhau giữa tư bản độc quyền ngân hàng và tư bản độc quyền công nghiệp mà còn là sự liên kết, dung hợp của tư bản độc quyền trong nhiều lĩnh vực khác nhau, làm xuất hiện các tập đoàn tài chính mới như: ngân hàng - công nghiệp - quân sự; ngân hàng - công nghiệp - xây dựng - dịch vụ...

Cơ chế thống trị của tư bản tài chính cũng có những thay đổi quan trọng. Hình thức công ty cổ phần trở nên phổ biến hơn, số lượng cổ phiếu phát hành lớn hơn, mệnh giá nhỏ hơn ...làm cho người lao động, kể cả lao động làm thuê cũng có thể mua được cổ phiếu, trở thành các cổ đông. Điều đó đã làm cho bộ mặt của tư bản tài chính “sạch sẽ” hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, các tập đoàn tài chính các nước còn liên kết với nhau để thành lập các tổ chức tài chính quốc tế nhằm chi phối đời sống kinh tế quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ...

Một phần của tài liệu Giao trinh KTCT T1 doc (Trang 114 - 116)