I. CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN
1. Tập trung sản xuất và sự hình thành độc quyền
a) Nguyên nhân hình thành độc quyền
Vào những năm 1860-1870, ở nhiều nước Tây Âu, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do phát triển đến trình độ cao. Trong giai đoạn này đã xuất hiện những hình thức sơ khai đầu tiên chủ nghĩa tư bản độc quyền như : Cooc-ne, Rinh, Cac ten...
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tự do mới thực sự chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền, còn được gọi là Chủ nghĩa đế quốc. Giai đoạn độc quyền là sự kế tục trực tiếp giai đoạn tự do cạnh tranh của cùng một phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền là tất yếu khách quan, do tích tụ và tập trung tư bản, tập trung sản xuất ngày càng cao độ. Tích tụ và tập trung tư bản, tập trung sản xuất diễn ra do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Do cạnh tranh
Cạnh tranh là quy luật kinh tế của sản xuất hàng hoá. Quá trình cạnh tranh tác động rất mạnh đến tích tụ và tập trung tư bản, mà kết quả trực tiếp của cạnh tranh là nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn ít, kỹ thuật kém bị các đối thủ mạnh thôn tính hoặc tự nguyện liên hợp lại. Những xí nghiệp và công ty lớn, tiềm lực kinh tế mạnh trong quá trình cạnh tranh khốc liệt, không phân thắng bại, nẩy sinh xu hướng thoả hiệp, liên minh với nhau, làm cho tư bản và sản xuất được tập trung rất nhanh chóng.
- Do sự phát triển của khoa học - kỹ thuật
Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đã dẫn đến năng suất lao động được nâng cao, giá trị thặng dư tương đối tăng lên và đồng thời làm cho tỷ suất giá trị thặng dư càng được nâng cao... Nhưng để áp dụng tiến bộ kỹ thuật đó đòi hỏi phải có một quy mô sản xuất đủ lớn, với số vốn
rất lớn. Điều đó thúc đẩy tập trung tư bản bằng cách sát nhập các xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, của khoa học - công nghệ làm cho khối lượng giá trị thặng dư tăng nhanh, trên cơ sở đó đẩy mạnh tích tụ tư bản.
Dưới tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại, lực lượng sản xuất phát triển, nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế mới xuất hiện và có trình độ khoa học - công nghệ cao, đòi hỏi tích tụ và tập trung tư bản, tập trung sản xuất ở mức rất cao.
- Do khủng hoảng kinh tế
Khủng hoảng kinh tế là tất yếu dưới chủ nghĩa tư bản. Khủng hoảng kinh tế làm cho nhiều xí nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản. Không gian và thời gian của chu kỳ khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày càng bị thu hẹp. Khủng hoảng kinh tế gây ra những thiệt hại đáng kể cho lực lượng sản xuất. Mỗi lần khủng hoảng, hàng loạt xí nghiệp bị phá sản, bị sát nhập vào các xí nghiệp khác. Các xí nghiệp và công ty muốn tồn tại qua thời kỳ khủng hoảng phải mở rộng quy mô, đổi mới kỹ thuật và công nghệ. Như vậy, khủng hoảng kinh tế là nhân tố thúc đẩy tích tụ và tập trung tư bản, tập trung sản xuất.
Ngoài những nguyên nhân trên đây, sự phát triển của các tổ chức tín dụng tư bản chủ nghĩa trở thành đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ tập trung tư bản, tập trung sản xuất, thúc đẩy hình thành các công ty cổ phần có quy mô hết sức to lớn.
Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, tích tụ và tập trung tư bản, tập trung sản xuất đã đến mức rất cao. Các xí nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 1% tổng số các xí nghiệp nhưng chiếm 3/4 tổng số hơi nước và điện lực, gần1/2 tổng số công nhân và sản xuất ra gần một nửa tổng sản phẩm. Theo V.Lênin, tập trung sản xuất cao độ sẽ dẫn thẳng đến độc quyền. “...tự do cạnh tranh đẻ ra tập trung sản xuất và sự tập trung sản xuất này, khi phát triển tới một mức độ nhất định, lại dẫn tới độc quyền”.1
Độc quyền là sự liên minh giữa các nhà tư bản để chi phối việc sản xuất và tiêu thụ hàng hoá nhằm thu được siêu lợi nhuận (lợi nhuận độc quyền cao).
Sở dĩ tập trung sản xuất cao độ dẫn tới độc quyền vì khi đó quy mô các doanh nghiệp rất lớn nhưng số lượng doanh nghiệp rất ít, các nhà tư bản có thể thoả thuận, liên minh với nhau để chi phối việc sản xuất và trao đổi hàng hoá. Đồng thời, do quy mô doanh nghiệp rất lớn nên cạnh tranh trở nên rất khốc liệt và gây hậu quả to lớn. Điều đó dẫn tới xu hướng thoả hiệp, liên minh giữa các nhà tư bản.
b) Các hình thức tổ chức độc quyền
Độc quyền xuất hiện và không ngừng phát triển, trình độ độc quyền ngày càng cao. Hình thức thể hiện sự phát triển của độc quyền là các tổ chức độc quyền.
Tổ chức độc quyền là sự liên minh giữa những nhà tư bản lớn để nắm trong tay phần lớn những năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong một ngành, một địa phương; cho phép liên minh này giữ vai trò quyết định đến quá trình sản xuất và lưu thông của ngành, địa phương đó.
Những liên minh tư bản độc quyền, thời kỳ đầu xuất hiện theo sự liên kết ngang, tức là liên kết các xí nghiệp trong cùng một ngành dưới những hình thức độc quyền như Cacten, Xanhdica, Tơ rớt.
Cacten là hình thức tổ chức độc quyền mà các xí nghiệp tư bản thành viên ký kết với nhau các hiệp định để thoả thuận với nhau về giá cả, thị trường tiêu thụ, kỳ hạn thanh toán ... Tuy nhiên, các xí nghiệp tư bản thành viên tham gia vẫn độc lập về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm .
Xanhdica là hình thức tổ chức độc quyền mà trong đó các nhà tư bản không chỉ liên minh với nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, mua nguyên vật liệu... (việc mua bán sản phẩm do một ban quản trị chung đảm nhiệm) mà còn thoả thuận với nhau cả về sản lượng hàng hoá cung ứng trên thị trường. Do đó, khả năng chi phối giá cả thị trường của Xanhdica cao hơn Cacten.
Sự độc lập về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Cacten hay sự độc lập về sản xuất của tổ chức độc quyền Xanhdica đã làm cho chính các tổ chức độc quyền này tồn tại không bền vững, dễ bị phá vỡ. Khi tương quan về thế và lực thay đổi, các thành viên của các tổ chức tư bản độc quyền này thường vì lợi ích riêng của mình mà có thể vi phạm các điều khoản đã cam kết; hoặc là các nhà tư bản thành viên cảm thấy bất lợi thì họ có thể rút khỏi tổ chức độc quyền.
Sau Cacten và Xanhdica, hình thức tổ chức độc quyền cao hơn là Tơ- rớt xuất hiện.
Tơ-rớt là hình thức tổ chức độc quyền mà các nhà tư bản thành viên tham gia Tờ-rớt hoàn toàn mất độc lập về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do Hội đồng quản trị tự đảm nhiệm. Tất cả các nhà tư bản thành viên đều trở thành cổ đông, quyền lợi và nghĩa vụ của họ do tỷ lệ vốn mà họ đóng góp vào Tờ-rớt quyết định.
Hình thức tư bản độc quyền phát triển ngày càng cao khi có sự liên kết dọc. Không những chỉ có các xí nghiệp lớn tư bản liên minh với nhau mà còn có các Tờ-rớt cùng tham gia; không những chỉ các thành viên trong một ngành sản xuất mà cả trong nhiều ngành khác nhau có liên quan đến kinh tế và kỹ thuật.
Công-xooc-xi-om là hình thức tổ chức tư bản độc quyền ra đời tiêu biểu cho đặc trưng đó. Đây là tổ chức độc quyền có quy mô rất lớn ở các nước tư bản chủ nghĩa. Đồng thời, sự tồn tại của hình thức tổ chức độc quyền này cũng vững chắc hơn Cácten, Xanhdica, Tơ-rớt. Do đa dạng hoá sản phẩm, Công-xoóc-xi-om hạn chế được rất nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Sự phát triển của các hình thức tổ chức độc quyền chính là biểu hiện sự phát triển ngày càng cao của độc quyền.
Do có sức mạnh kinh tế to lớn, các tổ chức tư bản độc quyền có khả năng định giá bán cao hơn giá cả sản xuất (giá cả độc quyền cao) và định giá mua dưới giá cả sản xuất (giá cả độc quyền thấp), đối với nguyên, nhiên vật liệu, sức lao động... nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao.
Việc thực hiện chính sách giá cả độc quyền cũng gặp phải những hạn chế về kinh tế, mà trước hết là sự cạnh tranh. Mặc dù độc quyền ra đời từ cạnh tranh tự do nhưng sự xuất hiện các tổ chức độc quyền không thủ tiêu được cạnh tranh, mà tồn tại song song với cạnh tranh. Những hình thức cạnh tranh chủ yếu là: cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với nhau; cạnh tranh trong nội bộ các tổ chức độc quyền; cạnh tranh giữa tổ chức độc quyền và tổ chức không độc quyền. Hơn thế nữa, cạnh tranh có xu hướng gay gắt thêm trong nội bộ ngành và giữa các ngành sản xuất với nhau vì quy mô và sức mạnh to lớn của các lực lượng tham gia cạnh tranh.
Mặc dù độc quyền thay thế tự do cạnh tranh nhưng bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi. Cơ sở kinh tế của chúng chính là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, dựa trên sự chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất.
Trên cơ sở quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, các quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản vẫn hoạt động và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, trong chủ nghĩa tư bản độc quyền các quy luật này có những hình thức biểu hiện mới. Quy luật giá trị thặng dư biểu hiện thành quy luật lợi nhuận độc quyền cao. Do có thể định giá cả độc quyền, lợi nhuận của các nhà tư bản độc quyền giờ đây không thuần tuý là lao động không được trả công của công nhân, mà còn bao gồm cả một phần lao động của các tầng lớp lao động khác (nông dân, thợ thủ công, những người sản xuất hàng hoá nhỏ ...) ở trong nước và ở các nước thuộc địa; một phần giá trị của các tầng lớp xã hội khác (công chức, những người hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, làm nghề tự do...).
Từ những năm giữa thế kỷ XX trở lại đây, sự thống trị của độc quyền có biểu hiện mới: sự xuất hiện của các công ty độc quyền xuyên quốc gia bên cạnh sự phát triển của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Tích tụ và tập trung sản xuất vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô ngày càng lớn làm cho độc quyền có bước phát triển mới. Trước hết, đó là sự hình thành tổ chức độc quyền mới Công-gơ-lô-mê-rát. Đây là hình thức tổ chức độc quyền đa ngành, thâu tóm nhiều công ty, xí nghiệp thuộc những ngành công nghiệp khác nhau. Công-xoóc-xi-om và Công-gơ-lô-mê-rát phát triển vượt ra ngoài phạm vi quốc gia trở thành các công ty độc quyền quốc tế. Hiện nay trên thế giới, Công -gơ -lô -mê -rát có quy mô hết sức to lớn, có chi nhánh ở nhiều nước, có số vốn hàng trăm tỷ đô la, sử dụng hàng vạn công nhân ...
Lênin đã chỉ ra là, độc quyền có xu hướng kìm hãm tiến bộ kỹ thuật. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Bởi vậy, ở nhiều nước tư bản phát triển, nhà nước cũng phải hạn chế độc quyền bằng các đạo luật chống độc quyền, hoặc chống hạn chế cạnh tranh. Do đó, hiện tượng độc quyền thuần tuý của một công ty (monopoly) được thay thế bằng sự thống trị của vài ba công ty độc quyền (oligopoly). Trong một số ngành, lĩnh vực, một nhóm công ty độc quyền (polypoly) giữ vai trò thống trị. Sự xuất hiện của phương thức độc quyền mới này vừa hạn chế được cạnh tranh vô chính phủ, vừa hạn chế được tiêu cực của tình trạng độc quyền thuần tuý.
Bên cạnh sự thống trị của các công ty độc quyền khổng lồ, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng lên. Điều đó xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, do phân công lao động xã hội phát triển hết sức sâu sắc, các công ty độc quyền rất cần các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh cho
mình trong việc cung cấp các chi tiết sản phẩm. Điều đó có ý nghĩa rất to lớn trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, trong giai đoạn hiện nay, thị trường chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, xã hội ...và vì vậy rất dễ biến động, thay đổi. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có khả năng thích ứng rất tốt với những thay đổi đó. Do quy mô nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tìm kiếm thị trường mới, tìm kiếm những “khoảng trống” ngay trong thị trường của các nước tư bản phát triển.
Thứ ba, tiến bộ về công nghệ trong giai đoạn hiện nay diễn ra hết sức nhanh chóng. Điều đó làm cho việc đổi mới công nghệ của các công ty lớn rất khó khăn vì phải chịu chi phí rất lớn. Trong khi đó, việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn rất nhiều, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập mới có thể tiếp thu ngay được công nghệ hiện đại nhất.
Thứ tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều ưu thế trong tạo việc làm cho người lao động, một vấn đề bức xúc với hầu hết các quốc gia. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần vốn lớn nên dễ thành lập và cũng không nhất thiết phải sử dụng công nghệ hiện đại. Vì vậy, khả năng tạo việc làm của các doanh nghiệpvừa và nhỏ rất to lớn.
Như vậy, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên không phải là xu hướng phi tập trung hoá, hoàn toàn không mâu thuẫn với tích tụ và tập trung sản xuất. Đây chính là biểu hiện mới của tích tụ và tập trung sản xuất trong giai đoạn hiện nay.