1. Tư bản thương nghiệp và vai trò của nó
a) Bản chất của tư bản thương nghiệp
Tư bản thương nghiệp đã xuất hiện và hoạt động rất lâu trước chủ nghĩa tư bản, vì nó có chức năng phục vụ việc trao đổi hàng hoá, cần thiết cho lưu thông hàng hoá giản đơn và lưu thông tiền tệ.
Trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, tư bản thương nghiệp là một bộ phận của tư bản công nghiệp tách rời ra, phục vụ cho quá trình lưu thông của tư bản công nghiệp. Như phần trên đã trình bày, tư bản công nghiệp
trong quá trình vận động tuần hoàn đã lần lượt mang ba hình thái và thực hiện ba chức năng của tư bản: tư bản tiền tệ, tư bản sản xuất và tư bản hàng hoá. Sự vận động của tư bản công nghiệp chứa đựng khả năng tách rời nhau giữa ba hình thái ấy. Khả năng này biến thành hiện thực khi có một tập đoàn thương nhân ứng tư bản tiền tệ ra để đảm nhiệm việc chuyển hoá hàng hoá thành tiền thay cho các nhà tư bản công nghiệp, nhằm mục đích thu lợi nhuận. Sự tách rời này là một tất yếu kinh tế do sự phát triển của sản xuất và phân công lao động xã hội, nó đem lại lợi ích cho cả tư bản công nghiệp, tư bản thương nghiệp và cho toàn xã hội.
Vậy, tư bản thương nghiệp là một bộ phận của tư bản công nghiệp tách rời ra để phục vụ quá trình lưu thông của tư bản công nghiệp và hoạt động độc lập trong lĩnh vực lưu thông.
Ra đời từ tư bản công nghiệp, tư bản thương nghiệp vừa phụ thuộc vào tư bản công nghiệp, vừa độc lập với tư bản công nghiệp.
Sự phụ thuộc biểu hiện ở chỗ: tư bản thương nghiệp chỉ là sự vận động của tư bản công nghiệp trong lĩnh vực lưu thông nhằm thực hiện chức năng tư bản hàng hoá của tư bản công nghiệp, vì vậy nếu không có sản xuất thì cũng không có lưu thông. Tính độc lập của tư bản thương nghiệp biểu hiện: sự chuyển hoá cuối cùng của tư bản hàng hoá thành tiền đã trở thành chức năng của một ngành kinh doanh riêng biệt, tách rời các chức năng khác của tư bản công nghiệp; và mặt khác, thương nhân ứng tư bản tiền tệ ra nhằm mục đích mua bán để kiếm lời, nên tư bản của họ không bao giờ mang hình thái tư bản sản xuất, mà bao giờ cũng chỉ đóng khung trong lĩnh vực lưu thông.
b) Vai trò của tư bản thương nghiệp
Do tính độc lập và do những tất yếu kinh tế nói trên, tư bản thương nghiệp đã đóng một vai trò quan trọng đối với quá trình tái sản xuất của tư bản xã hội nói chung và tư bản công nghiệp nói riêng.
- Nhờ có thương nhân chuyên trách việc mua-bán nên lượng tư bản ứng vào lưu thông và chi phí lưu thông sẽ nhỏ hơn khi những người sản xuất trực tiếp đảm nhiệm chức năng này. Một nhà tư bản thương nghiệp có thể phục vụ cho lưu thông hàng hoá của nhiều nhà tư bản trong cùng một lĩnh vực sản xuất hay trong những lĩnh vực sản xuất khác nhau.
- Tạo điều kiện cho người sản xuất có thể tập trung thời gian chăm lo việc sản xuất, giảm dự trữ sản xuất, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị thặng dư.
- Nhờ có tư bản thương nghiệp, thời gian lưu thông được rút ngắn, chu chuyển tư bản tăng nhanh, nhờ đó tăng tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư hàng năm.
- Nhờ có tư bản thương nghiệp, hàng hoáđược sản xuấtra sẽ phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, hợp thị hiếu người tiêu dùng.
2. Lợi nhuận thương nghiệp
Hoạt động trong lĩnh vực lưu thông, các nhà tư bản thương nghiệp vẫn thu được lợi nhuận. Điều đó xuất phát từ chỗ, quá trình tạo ra giá trị thặng dư và phân phối giá trị thặng dư là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thông qua cạnh tranh giữa các ngành, tư bản thương nghiệp đã tham dự vào việc phân chia giá trị thặng dư do tư bản công nghiệp tạo ra.
Rõ ràng là, nếu nhà tư bản công nghiệp tự mình bán lấy hàng hoá, thì anh ta phải bỏ một phần tư bản của mình vào việc mở cửa hàng, thuê người bán hàng và vào các món chi tiêu khác có liên quan đến thương nghiệp. Muốn làm như thế, anh ta phải tăng thêm tư bản ứng trước, hoặc không tăng tư bản ứng trước thì phải giảm bớt qui mô sản xuất. Trong cả hai trường hợp đó, lợi nhuận của anh ta đều bị giảm xuống. Vậy thì, tốt hơn hết là nhà tư bản công nghiệp trao nghiệp vụ bán hàng hoá cho nhà tư bản thương nghiệp rồi nhượng lại cho họ phần lợi nhuận tương ứng với lượng tư bản mà họ bỏ vào hoạt động trong lĩnh vực lưu thông, theo tỷ suất lợi nhuận bình quân. Khi đó, nhà tư bản công nghiệp có điều kiện tập trung toàn bộ sức lực, vốn liếng của mình vào việc đẩy mạnh sản xuất, tăng tốc độ chu chuyển của tư bản, giảm được vốn bỏ vào lưu thông và chi phí lưu thông, do đó mà tăng lợi nhuận. Như vậy, nhà tư bản công nghiệp chia một phần lợi nhuận cho nhà tư bản thương nghiệp là có lợi cho mình. Nhà tư bản công nghiệp bán hàng hoá cho nhà tư bản thương nghiệp theo giá cả thấp hơn giá trị; nhà tư bản thương nghiệp thì lại bán hàng hoá cho người tiêu dùng theo đúng giá trị, do đó mà thu được lợi nhuận.
Để làm rõ lợi nhuận thương nghiệp, chúng ta nghiên cứu ví dụ sau đây:
Giả sử có một tư bản công nghiệp là 1000. Nếu tư bản này đảm nhận cả quá trình sản xuất và quá trình lưu thông thì tư bản phải được đầu tư cho cả hai quá trình đó, chẳng hạn, đầu tư cho sản xuất 900, đầu tư cho lưu thông 100. Nếu cấu tạo hữu cơ của tư bản sản xuất là 4/1 thì tư bản sản xuất 900 sẽ bao gồm 720c + 180v. Với tỷ suất giá trị thặng dư là 100%, giá trị hàng hoá sẽ là 720c + 180v + 180m = 1080 và nhà tư bản công nghiệp sẽ được hưởng toàn bộ 180m. Tỷ suất lợi nhuận P’ = 180m : 1000 = 18%.
Khi nhà tư bản thương nghiệp đảm nhận quá trình lưu thông (giả định chi phí lưu thông bằng không; giá cả = giá trị) thì họ phải ứng tư bản là 100. Lúc này, nhà tư bản công nghiệp chỉ phải đầu tư tư bản 900, lợi nhuận mà nhà tư bản công nghiệp được hưởng căn cứ vào tư bản đầu tư của họ. Do đó, nhà tư bản công nghiệp sẽ bán hàng hoá cho nhà tư bản thương nghiệp với giá cả là: 720c + 180v + (900 x 18%) = 720c + 180v + 162m = 1062. Như vậy, nhà tư bản công nghiệp bán hàng hoá cho nhà tư bản thương nghiệp thấp hơn giá trị. Nhà tư bản thương nghiệp bán hàng hoá theo đúng giá trị và thu được: lợi nhuận thương nghiệp = 1080 - 1062 = 18(m). Lợi nhuận của nhà tư bản thương nghiệp chính là một phần giá trị thặng dư được tạo ra trong quá trình sản xuất.
Vậy, lợi nhuận thương nghiệp là một bộ phận của giá trị thặng dư do công nhân công nghiệp làm thuê taọ ra mà nhà tư bản công nghiệp chia cho nhà tư bản thương nghiệp.
Dưới hình thức lợi nhuận thương nghiệp, nguồn gốc thực sự của giá trị thặng dư bị che lấp. Tư bản thương nghiệp không tham gia sản xuất, công thức vận động của nó là T - H - T’. Ở đây, giai đoạn sản xuất hình như không tồn tại và các mối liên hệ với sản xuất cũng bị cắt đứt. Điều đó làm cho người ta lầm tưởng rằng, lợi nhuận thương nghiệp là do lưu thông sinh ra, hoặc bằng cách bán hàng hoá cao hơn giá trị.
Những giải thích của C.Mác về nguồn gốc, bản chất của lợi nhuận thương nghiệp hoàn toàn phù hợp với lý thuyết giá trị. Lợi nhuận thương nghiệp là một hình thức biểu hiện của giá trị thặng dư.
3. Chi phí lưu thông và lao động thương nghiệp
Quá trình lưu thông hàng hoá đòi hỏi phải có những chi phí nhất dịnh gọi là chi phí lưu thông. Có hai loại chi phí lưu thông: chi phí tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông và chi phí lưu thông thuần tuý.
Chi phí tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông là những chi phí để tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông. Đây là những chi phí có tính chất sản xuất, liên quan đến việc bảo tồn và di chuyển giá trị sử dụng của hàng hoá.
Lao động của công nhân thương nghiệp đảm nhiệm những việc này là lao động sản xuất, tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Những giá trị này được tính vào giá trị hàng hoá. Do đó, chi phí để tiếp tục quá trình sản xuất trong lưu thông được tính thêm vào giá trị hàng hoá. Vì vậy, số công nhân này cũng bị bóc lột như công nhân công nghiệp và giá trị thặng dư của họ tạo ra cũng tham gia vào sự hình thành lợi nhuận bình quân cho tư bản ứng ra trong lĩnh vực lưu thông.
Chi phí lưu thông thuần tuý là những chi phí chỉ liên quan tới việc mua bán hàng hoá, làm biến đổi hình thái giá trị của hàng hoá. Đó là những chi phí về sổ sách, kế toán, thư từ, điện báo, quảng cáo, xây cửa hàng, thuê người bán hàng... Những chi phí này đã tạo ra dịch vụ thương mại, một loại hàng hoá phi vật thể, do đó cũng được tính vào tổng giá giá trị hàng hoá. Vì thế, lao động thương nghiệp làm thay đổi hình thái giá trị hàng hoá cũng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư. Tư bản ứng ra cho lưu thông hàng hoá sẽ được thu hồi trong giá cả dịch vụ.
Vì lao động của nhân viên thương nghiệp cũng tạo ra giá trị và giá trị thặng dư nên họ cũng bị các nhà tư bản thương nghiệp bóc lột. Sức lao động của họ cũng là hàng hoá, thời gian lao động của họ cũng chia làm hai phần: thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư. Trong thời gian lao động cần thiết, họ cung ứng được một lượng dịch vụ, mà giá trị của nó ngang bằng với giá trị sức lao động của họ. Trong thời gian lao động thặng dư, họ cung ứng được một lượng dịch vụ, mà giá trị của nó (chính là giá trị thặng dư) thuộc về nhà tư bản thương nghiệp.