1. Bản chất của tiền công
Trong chủ nghĩa tư bản, sau một thời gian lao động cho nhà tư bản, người công nhân được nhận một số tiền nhất định, gọi là tiền công. Từ đó, các nhà kinh tế tư sản cho rằng, số tiền công đó là do nhà tư bản trả công lao động cho công nhân, hay nói cách khác, tiền công là giá cả của lao động.
Trong chủ nghĩa tư bản người ta thường lầm tưởng rằng, tiền công là giá cả của lao động và việc mua bán hoàn toàn tự nguyện, nhà tư bản không bóc lột công nhân. Song, biểu hiện bề ngoài đó không phản ánh được bản chất của tiền công, che đậy bản chất thật sự của tiền công, che dấu mối quan hệ giữa tư bản và lao động. Sự thật thì, tiền công là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, là giá cả sức lao động. Tiền công không phải là giá
cả lao động, vì dù lao động tạo ra giá trị hàng hoá nhưng bản thân nó lại không phải là hàng hoá và do đó nó không có giá trị và giá cả, không phải là đối tượng mua bán.
Như vậy, bản chất của tiền công là giá trị hay giá cả của sức lao động nhưng nó lại được biểu hiện ra bên ngoài như là giá trị hay giá cả của lao động. Sở dĩ như vậy là do:
Thứ nhất, nhà tư bản trả công cho công nhân sau khi người công nhân đã lao động.
Thứ hai, tiền công qui định theo thời gian làm việc (giờ, ngày, tuần, tháng) hoặc theo số lượng sản phẩm đã chế tạo ra.
Thứ ba, đối với người công nhân thì lao động là phương tiện kiếm sống của họ.
Vậy là, cái hình thức bề ngoài ấy đã che đậy kín đáo sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Nó biểu hiện quan hệ bóc lột thành quan hệ “thuận mua vừa bán”, “tự do”, “bình đẳng” giữa lao động và tư bản; nó xoá mờ ranh giới của sự phân chia ngày lao động thành thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư.
2. Các hình thức cơ bản của tiền công
Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, tiền công thường được trả theo hai hình thức cơ bản: tiền công tính theo thời gian và tiền công tính theo sản phẩm.
Tiền công tính theo thời gian là hình thức tiền công mà số lượng của nó nhiều hay ít tuỳ thuộc vaò thời gian lao động của công nhân dài hay ngắn. Tiền công theo thời gian thường được áp dụng trong các công việc mà kết quả của lao động không tính được cụ thể.
Thực hành chế độ trả công theo thời gian, nhà tư bản có thể dùng biện pháp tăng cường độ lao động và tăng năng suất lao động để bóc lột công nhân nhiều hơn.
Tiền công tính theo sản phẩm là hình thức tiền công mà số lượng của nó nhiều hay ít tuỳ thuộc ở số lượng sản phẩm được sản xuất ra nhiều hay ít, hoặc số lượng công việc nhất định mà công nhân đã hoàn thành. Tiền công tính theo sản phẩm áp dụng đối với những công việc mà kết quả lao động có thể tính được bằng sản phẩm cụ thể. Mỗi sản phẩm được trả công theo một đơn giá nhất định. Đơn giá tiền công được tính bằng tiền công trung bình một ngày của một công nhân chia cho số lượng sản phẩm của một công nhân sản xuất ra trong một ngày lao động bình thường.
Như vậy, tiền công tính theo sản phẩm cũng chỉ là hình thức biến tướng của tiền công tính theo thời gian. Nó che đậy kín đáo hơn bản chất
tiền công dưới chủ nghĩa tư bản, vì hình thức tiền công này làm cho người ta tưởng rằng người công nhân làm ra được bao nhiêu sản phẩm thì được trả công bấy nhiêu, tức họ không bị bóc lột.
3. Tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế
Tiền công danh nghĩa là số tiền mà người công nhân nhận được do bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Tiền công danh nghĩa nhiều hay ít phụ thuộc và giá trị sức lao động cao hay thấp, vào quan hệ cung - cầu về sức lao động trên thị trường, vào các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội khác.
Tiền công thực tế là số lượng và chất lượng hàng hoá và dịch vụ mà người công nhân mua được bằng tiền công danh nghĩa của mình. Tiền công thực tế có quan hệ thuận chiều với tiền công danh nghĩa và quan hệ ngược chiều với giá cả hàng hoá và dịch vụ. Trong một thời gian nào đó, nếu tiền công danh nghĩa vẫn giữ nguyên, nhưng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ tăng lên hay giảm xuống thì tiền công thực tế sẽ giảm xuống hay tăng lên.
4. Những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến tiền công
Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, tiền công danh nghĩa có xu hướng tăng lên, nhưng mức tăng của nó nhiều khi không theo kịp với mức tăng của giá cả hàng hoá và dịch vụ cần cho tiêu dùng của công nhân, do đó tiền công thực tế của công nhân lại có xu hướng hạ thấp. Đây là một qui luật phổ biến trong xã hội tư bản.
Có hai nhân tố cơ bản làm cho tiền công thực tế giảm xuống:
Một là, xu hướng hạ thấp giá trị sức lao động: Nhân tố tác động làm giảm giá trị sức lao động bao gồm việc hạ thấp giá trị của các hàng hoá, dịch vụ người công nhân tiêu dùng. Khoa học - công nghệ càng phát triển nhanh, càng làm giảm giá trị hàng hoá và dịch vụ, xu hướng này càng thể hiện rõ ràng hơn.
Hai là, xu hướng giá cả sức lao động ngày càng hạ thấp so với giá trị sức lao động. Sở dĩ như vậy là do đội quân thất nghiệp ngày càng đông đảo làm cho cung về sức lao động lớn hơn cầu; do việc sử dụng rộng rãi sức lao động phụ nữ và trẻ em; do hàng hoá sức lao động buộc phải bán trong mọi điều kiện chứ không thể “chờ giá” như các hàng hoá khác.
Bên cạnh những nhân tố làm giảm tiền công thực tế lại có những nhân tố khách quan làm tăng tiền công thực tế. Đó là:
- Nhu cầu của con người tăng lên theo sự phát triển của sản xuất xã hội, trình độ văn minh mà xã hội đạt được, do đó việc xác định tiền công phải thoả mãn được đến mức độ nhất định những nhu cầu đã trở thành tập quán của người công nhân.
- Dưới chủ nghĩa tư bản, kỹ thuật phát triển gắn liền với việc tăng cường độ và chất lượng lao động, điều đó đòi hỏi sự bù đắp về sức lao động phải nhiều hơn. Đồng thời, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, chi phí đào tạo lao động cũng ngày càng tăng, do đó làm tăng tiền lương.
- Các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đòi tăng lương cũng là một nhân tố quan trọng cản trở việc hạ thấp tiền công.
Như vậy, tiền công thực tế hạ thấp là xu hướng vốn có của sự vận động của tiền công dưới chủ nghĩa tư bản. Nhưng đó chỉ là xu hướng thôi, bởi vì sự hạ thấp ấy đã gặp phải những nhân tố chống lại.