I. CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN
5. Sự phân chia thế giới về lãnh thổ giữa các cường quốc đế quốc
Chủ nghĩa tư bản phát triển càng cao, nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng càng lớn. Hơn nữa, thị trường sản phẩm đầu ra là điều kiện sống còn của chủ nghĩa tư bản. Đến giai đoạn độc quyền, do sự phát triển cao của lực lượng sản xuất, thị trường nội địa trở nên hết sức chật hẹp. Để tồn tại và thực hiện mục tiêu lợi nhuận độc quyền cao, việc độc chiếm các lãnh thổ bên ngoài trở thành tất yếu. Nói cách khác, thuộc địa là sự sống còn đối với tư bản độc quyền.
Vào đầu thế kỷ XX, việc phân chia thế giới về lãnh thổ căn bản đã hoàn thành. Nhưng do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, các nước đế quốc ra đời muộn hơn, các nước tư bản trẻ phát triển nhanh chóng bởi những thành tựu khoa học kỹ thuật đã vượt lên so với các nước tư bản già, tiến hành đấu tranh để chia lại thị trường thế giới đã chia xong. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918 và lần thứ hai 1939-1945 chính là xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu đó.
Như vậy, phân chia thế giới về mặt lãnh thổ và tiến hành chiến tranh để phân chia lại thế giới là đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, dưới ảnh hưởng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển trở thành trào lưu mới của thế giới, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa tư bản độc quyền bị tan rã, nhiều dân tộc đã giành độc lập. Điều đó trực tiếp đe doạ sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nhưng trong thời kỳ này, sự lớn mạnh của các lực lượng hoà bình với hệ thống xã hội chủ nghĩa là nòng cốt trở thành nhân tố hết sức quan trọng ngăn chặn các cuộc chiến tranh đế quốc.
Để tồn tại và thực hiện mục tiêu lợi nhuận độc quyền cao, các nước đế quốc đã thực hiện chế độ thực dân kiểu mới thay cho chế độ thực dân cũ trước đó. Chế độ thực dân kiểu mới được thực hiện thông qua việc trao trả “độc lập” cho các thuộc địa cũ, xây dựng chính quyền tay sai, “viện trợ” kinh tế, quân sự cho các nước này... Bằng chế độ thực dân kiểu mới, các nước tư bản hạn chế phong trào đấu tranh của nhân dân các thuộc địa cũ,
ràng buộc các nước này trong vòng lạc hậu, phụ thuộc nhằm đáp ứng lợi ích của tư bản độc quyền.
Hiện nay, mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ nhưng các lực lượng xã hội chủ nghĩa, các lực lượng dân chủ và hoà bình trên thế giới và ở ngay trong lòng các nước tư bản vẫn là sức mạnh to lớn ngăn chặn chiến tranh đế quốc. “Trong quan hệ quốc tế, hoà bình, ổn định và hợp tác để phát triển ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc của các dân tộc và các quốc gia trên thế giới. Các nước dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, coi phát triển kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia; tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết khu vực, liên kết quốc tế về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực hoạt động khác...”.1 Mặc dù bản chất không thay đổi nhưng chủ nghĩa tư bản hiện đại đang phải tìm cách thích ứng với điều kiện lịch sử mới.
Từ năm đặc điểm trên đây có thể rút ra kết luận: chủ nghĩa tư bản hiện đại về mặt kinh tế là sự thống trị của tư bản độc quyền; về mặt chính trị là hiếu chiến, xâm lược.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại, nếu định nghĩa một cách vắn tắt, đó là chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nếu định nghĩa một cách đầy đủ thì chủ nghĩa tư bản hiện đại là tích tụ và tập trung sản xuất cao độ dẫn đến độc quyền; là sự xuất hiện của tư bản tài chính và sự thống trị của nó; xuất khẩu tư bản ngày càng có vai trò quan trọng; sự hình thành các liên minh độc quyền quốc tế và việc phân chia thế giới về mặt kinh tế; các cường quốc đế quốc chia nhau thế giới về lãnh thổ và cuộc đấu tranh để chia phân chia lại thế giới đã phân chia xong.