III. QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ
4. Các hình thức giá trị thặng dư
a) Giá trị thặng dư tuyệt đối
Giá trị thặng dư tuyệt đối là giá trị thặng dư thu được do kéo dài tuyệt đối ngày lao động ra khỏi giới hạn của thời gian lao động cần thiết.
Ví dụ: nếu ngày lao động là 8 giờ, thời gian lao động cần thiết là 4 giờ và thời gian lao động thặng dư là 4 giờ, và giả định mỗi giờ người công nhân tạo ra được một giá trị mới là 5.000đ thì tỷ suất giá trị thặng dư là:
4 giờ
m’ = = 100 % 4 giờ
và khối lượng giá trị thặng dư tuyệt đối thu được sẽ là:
M = t’ x 5000đ = 4 giờ x 5.000đ = 20.000đ Muốn bóc lột được nhiều giá trị thặng dư tuyệt đối, nhà tư bản đã kéo dài ngày lao động, ví dụ thêm 2 giờ nữa, và giả định mọi điều kiện khác không thay đổi, thì tỷ suất giá trị thặng dư là:
6 giờ
m’ = = 150(%) 4 giờ
Và khối lượng giá trị thặng dư tuyệt đối thu thêm được là: 2 giờ x 5.000đ = 10.000đ.
Để thu được nhiều giá trị thặng dư, nhà tư bản còn muốn kéo dài ngày lao động thêm mãi. Nhưng việc kéo dài ngày lao động đã gặp phải những giới hạn nhất định. Đó là, công nhân cần phải có thời gian để khôi phục lại thể lực như ăn, ngủ, nghỉ ngơi, nên nhà tư bản không thể kéo dài ngày lao động quá một mức độ nhất định được. Hơn nữa, công nhân ngày càng đấu tranh kiên quyết đòi rút ngắn ngày lao động lại. Tuy nhiên, ngày lao động cũng không thể rút ngắn đến mức chỉ bằng thời gian lao động cần thiết, vì như thế sẽ không có giá trị thặng dư, và không còn chủ nghĩa tư bản.
Giá trị thặng dư tuyệt đối có thể thu được bằng cách tăng cường độ lao động, vì tăng cường độ lao động cũng tương tự như kéo dài thời gian lao động, đều làm tăng hao phí sức lao động của công nhân và do đó làm tăng giá trị thặng dư .
b) Giá trị thặng dư tương đối
Giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được do rút ngắn thời gian lao động cần thiết, do đó mà kéo dài thời gian lao động thặng dư một cách tương ứng, trong khi giới hạn của ngày lao động không thay đổi.
Trở lại ví dụ trên, ngày lao động 8 giờ, với 4 giờ lao động cần thiết và 4 giờ lao động thặng dư, thì m’=100%, và lượng giá trị thặng dư là 20.000đ. Nếu độ dài của ngày lao động không đổi, vẫn 8 giờ, nhưng thời gian cần thiết rút ngắn từ 4 giờ xuống còn 3 giờ, thì thời gian thặng dư do đó kéo dài ra được từ 4 giờ thành 5 giờ, m’ sẽ tăng từ 100% lên 167%:
5 giờ
m’ = = 167 (%) 3 giờ
Thời gian lao động thặng dư tăng thêm 1 giờ, nhà tư bản có thêm 5000đ. Đó chính là giá trị thặng dư tương đối.
Thực chất của việc sản xuất giá trị thặng dư tương đối là sự thay đổi tỷ lệ giữa thời gian lao động cần thiết và thời gian lao động thặng dư. Cụ thể là rút ngắn thời gian lao động cần thiết bằng cách hạ thấp giá trị sức lao động, nhờ đó mà tăng thêm thời gian lao động không công cho nhà tư bản. Vì giá trị sức lao động do giá trị những tư liệu tiêu dùng của công nhân và con cái họ quyết định, cho nên muốn hạ thấp giá trị sức lao động, thì phải dựa vào tăng năng suất lao động trong các ngành sản xuất ra những tư liệu tiêu dùng của công nhân.
Sản xuất giá trị thặng dư tương đối là một phương pháp tinh vi, nó làm cho công nhân không thấy được là mình bị bóc lột. Tuy vậy, giá trị thặng dư tương đối vẫn chưa phải là mục đích trực tiếp của nhà tư bản, vì giá trị sức lao động thì do giá trị của nhiều loại hàng hoá quyết định, cho nên một nhà tư bản cá biệt không thể hạ thấp giá trị sức lao động của công nhân được, vì nó còn phụ thuộc hàng hoá của các nhà tư bản khác. Mục đích trực tiếp của nhà tư bản là giá trị thặng dư siêu ngạch.
c) Giá trị thặng dư siêu ngạch
Giá trị thặng dư siêu ngạch là giá trị thặng dư thu được trội hơn giá trị thặng dư bình thường, do giá trị cá biệt của hàng hoá thấp hơn giá trị xã hội. Đây là hình thái biến tướng của giá trị thặng dư tương đối.
Giá trị thặng dư siêu ngạch có được ở một xí nghiệp cá biệt nào đó là do áp dụng máy móc và phương pháp sản xuất hoàn thiện hơn, làm cho năng suất lao động cao hơn đại đa số xí nghiệp khác cùng ngành.
Như vậy, giữa giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng dư siêu ngạch có cùng một cơ sở chung là tăng năng suất lao động, nhưng khác nhau là giá trị thặng dư tương đối thu được trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội, còn giá trị thặng dư siêu ngạch thì do tăng năng suất lao động cá biệt. Vì vậy, giá trị thặng dư tương đối thì toàn bộ giai cấp tư sản thu được, còn giá trị thặng dư siêu ngạch thì chỉ một nhà tư bản hay một xí nghiệp tư bản thu được mà thôi.
Giá trị thặng dư siêu ngạch chỉ là một hiện tượng tạm thời, mất đi nơi này nhưng lại xuất hiện ở nơi khác, do chỗ các nhà tư bản ra sức cải tiến kỹ thuật, tìm ra những kỹ thuật mới. Nhưng xét chung toàn xã hội, thì giá trị thặng dư siêu ngạch tồn tại thường xuyên.
Việc chạy theo giá trị thặng dư siêu ngạch là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nhà tư bản cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện tổ chức sản xuất và tổ chức lao động để tăng năng suất lao động, làm giảm giá trị cá biệt của hàng hoá. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định nó lại kìm hãm sự phát triển kỹ thuật do “bí mật kinh doanh”.