Lễ tiết hàng xóm láng giềng

Một phần của tài liệu 100 lễ tiết cần học hỏi trong cuộc đời (Trang 37 - 38)

Tiêu điểm lễ tiết: Tục ngữ có câu: "Bán anh em xa mua láng giềng gần", xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp thân thiết với hàng xóm không những làm cho cuộc sống thêm phong phú rôm rả, mà những lúc bất hạnh, hiểm nguy sẽ nhận được sự trợ giúp kịp thời.

Lộ trình vận dụng: Người ta hay nói làng xóm chính là người thân, ngày xưa dân cư thường quần tụ trong một khu khuôn viên gồm nhiều căn hộ bao quanh một khoảng sân rộng, mọi người gắn bó mật thiết, sớm tối bên nhau, ngọt bùi chia sẻ.

Hàng xóm có công to việc lớn hay gặp rủi ro hoạn nạn, thì nhiệt tình chủ động giúp đỡ, trong đời sống thường nhật cần giữ chữ tín với nhau. Tránh thói xấu cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, hoặc cố tình lừa đảo làm hại nhau. Khi túng thiếu vay mượn, thì người có sẵn sàng cho vay mượn, nhưng người vay mượn nhớ trả đúng hẹn, nếu làm hỏng hoặc lỡ hẹn phải xin lỗi, bồi thường.

Tuy rằng quan hệ láng giềng không thể so sánh với bà con họ hàng, ai lo phận nấy, nhưng cũng không nên hoàn toàn coi nhau như người dưng ngoài đường. Đi ra đi vào gặp nhau nên niềm nở chào hỏi, lúc rảnh rỗi hoặc ngày lễ Tết nên đến thăm nhau, nhỡ ra có va chạm nho nhỏ thì sẵn sàng xí xóa, trong chòm xóm có nhà chơi thân với nhau, đối với các gia đình khác cũng nên giữ quan hệ thân tình. Khi không vừa ý với nhau thì gặp mặt trao đổi, đừng chửi đổng hoặc nói xấu sau lưng, nếu hàng xóm đưa ra yêu cầu phi lý thì lựa lời chối khéo đừng để mất hòa khí, chỉ khi nào gặp hoạn nạn thì mới thấm thía tình làng nghĩa xóm đáng trân trọng đến mức nào.

Nếu không chơi với nhau, thì cũng đừng dò la thóc mách chuyện riêng của hàng xóm, đừng đơm đặt thị phi cho người ta, cho dù thật sự có chuyện không hay, cũng chẳng nên kháo nhau chê bai bình phẩm, nếu thấy ai gây gổ với nhau thì cố gắng đứng ra hòa giải, góp phần củng cố khối đoàn kết trong chòm xóm.

Làng xóm hoặc ngõ phố có nhiều công trình công cộng, ai cũng cần nêu cao ý thức bảo vệ tôn tạo, giữ sạch. Không chiếm dụng nơi công cộng như đường đi, sân chơi để phục vụ lợi ích riêng nhà mình, nếu muốn sử dụng phải xin phép tập thể, ví dụ có đám tang, đám cưới cần dựng lên lán, chỉ cần nói một câu mọi người sẽ thông cảm ủng hộ. Hiện nay, nhiều nơi đã thành lập tổ dân phố hay thôn bản để điều hành xử lý quan hệ cư xử và những sự vụ chung, đề ra nội quy cho mọi người cùng thực hiện.

Sống gần nhau cần tôn trọng người khác bằng những hành động thực tế, ví dụ không mở ca nhạc to quá, không gây mùi khó ngửi, không sử dụng chất dễ nổ, dễ cháy đe dọa đến an toàn chung, mọi người đều tích cực góp phần duy trì an toàn, trật tự an ninh cho công cộng.

Sang chơi nhà hàng xóm nên chọn thời gian thích hợp, tránh giờ nghỉ, giờ ngủ, tránh bữa ăn, tránh khi nhà hàng xóm có khách, tốt nhất là nên hẹn trước, chỉ đến vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, khi hàng xóm gặp chuyện buồn như có người ốm đau, chết chóc thì chủ động đến thăm, động viên an ủi, nhà hàng xóm có chuyện vui như cưới xin, con thi đậu vào đại học, nói chung cũng nên đến chúc mừng.

Lời cảnh báo của nhà chuyên môn: ứng xử với hàng xóm láng giềng phải chân tình và công tâm, không vụ lợi, không phân biệt sang hèn, thái độ nhiệt tình, lễ độ, văn minh lịch sự.

Một phần của tài liệu 100 lễ tiết cần học hỏi trong cuộc đời (Trang 37 - 38)