Lễ tiết chị dâu, em chồng

Một phần của tài liệu 100 lễ tiết cần học hỏi trong cuộc đời (Trang 33 - 34)

Tiêu điểm lễ tiết: Chị dâu, em chồng muốn duy trì quan hệ tốt với nhau, thì trước hết mỗi người hãy tự đòi hỏi nghiêm khắc với mình, ứng xử phải chăng từ việc nhỏ đến việc lớn, luôn luôn tỏ ra tôn trọng, tin cậy, thông cảm với đối phương.

Lộ trình vận dụng: Người đời quan niệm rằng, quan hệ giữa chị dâu và bà cô em chồng thường là điểm nóng châm ngòi xung đột, cùng là phận gái, nhưng lại được sinh trưởng dạy dỗ trong hai gia đình khác nhau, quan điểm sống và phương châm xử thế khác nhau, giữa họ lại không có tình yêu làm chất xúc tác, ngoài ra còn có thể phát sinh mâu thuẫn về kinh tế nên hay xảy ra bất hòa. Muốn giữ được hòa khí, cả hai bên đều phải biết điều và nhân nhượng nhau.

Chị dâu, em chồng thường là cùng trang lứa, trong thâm tâm có thể coi nhau như bạn bè, tôn trọng thông cảm cho nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tìm hiểu tính cách hoàn cảnh của nhau để nhân nhượng tha thứ, không tranh chấp hơn thua làm gì, đừng đem chuyện riêng tư của nhau đi tuyên truyền ra ngoài, đừng dựa thế chồng để gây sức ép với bà cô. Nếu chị dâu em chồng bất hòa, thì người chồng phải xử sự thật công tâm, không bênh vợ cũng không bênh che cho em gái:

Cô em chồng thường nghĩ rằng trước sau mình cũng phải đi lấy chồng để lại cơ ngơi này cho một người con gái xa lạ, nên không hào hứng chăm lo gia đình như trước, thậm chí nghĩ rằng có xảy ra chuyện gì cũng chẳng liên quan gì đến mình, hay xét nét chị dâu, bêu xấu chị dâu trước mặt bố mẹ, xúi giục bố mẹ gây sự với chị dâu. Đó là cách ứng xử không đẹp, bà cô nên biết bao dung độ lượng, vì sau này về nhà chồng, không chừng sẽ rơi vào tình huống giống như chị dâu bây giờ.

Nếu chị dâu coi cô em chồng như em gái của mình để quan tâm săn sóc, nếu cô em còn ít tuổi đang cắp sách đến trường thì chăm lo về mặt sinh hoạt, nếu cô em đã đi làm thì chăm lo về mặt tình cảm, nếu cô em đã có người yêu hay sắp sửa cưới chồng thì làm tham mưu về mặt ứng xử.

Ngược lại, cô em chồng hãy coi chị dâu như chị gái của mình, nếu bố mẹ không còn thì có thể coi chị dâu như mẹ mình, tỏ ra kính trọng, lễ phép. Bao Chửng đời Tống gọi chị dâu là mẹ, em chồng nên chủ động tiếp xúc gần gũi với chị dâu, đỡ đần công việc nội trợ, chăm sóc cháu nhỏ, bằng hành động thực tế thu phục tình cảm của chị, củng cố quan hệ hai bên, rất có thể còn thân nhau hơn cả chị em ruột.

Lời cảnh báo của nhà chuyên môn: Cùng sống với nhau dưới một mái nhà, không gì vui hơn là hòa thuận êm ấm, muốn được lòng em chồng, thì trước hết chị dâu phải kính yêu bố mẹ chồng, sau nữa quan tâm săn sóc em chồng như em út của mình.

Một phần của tài liệu 100 lễ tiết cần học hỏi trong cuộc đời (Trang 33 - 34)

w