Lễ tiết vợ chồng

Một phần của tài liệu 100 lễ tiết cần học hỏi trong cuộc đời (Trang 30 - 31)

Tiêu điểm lễ tiết: Lễ nghĩa vợ chồng gói gọn trong tám mặt quan hệ tương quan đó là: Kính trọng nhau, yêu thương nhau, tin tưởng nhau, trợ giúp nhau, an ủi nhau, động viên nhau, thông cảm nhau.

Lộ trình vận dụng: Quan hệ gia đình chia ra hai loại là quan hệ nhân duyên, quan hệ huyết thống bao giờ cũng ổn định bền chặt hơn, nhưng quan hệ nhân duyên đóng vai trò chủ đạo và là hạt nhân trong cuộc sống gia đình. Vợ chồng trao gửi và gắn bó cuộc đời với nhau, nên tình nghĩa rất mặn nồng khăng khít, muốn duy trì quan hệ nhân duyên tốt đẹp lâu bền thì vợ chồng phải ứng xử với nhau như thế nào?

Kính trọng và thông cảm là nguồn nước mát tưới cho cây tình yêu đâm chồi nảy lộc, mãi mãi tốt tươi, lúc vui sướng hoặc khi đau khổ bất hạnh đều cùng nhau chia sẻ, khi một người mắc lỗi thì người kia sẵn sàng tha thứ. Nếu giữa vợ chồng phát sinh mâu thuẫn xung đột, thì xử lý theo nguyên tắc việc nhỏ thì bỏ qua, việc lớn nên dàn hòa, đối với những vấn đề hệ trọng cần xử lý đúng nguyên tắc, đúng phương pháp khiến cho hai bên đều thỏa mãn chấp nhận, còn những chuyện không đáng kể trong đời thường thì đừng để bụng. Nếu một người nổi nóng thì người kia nên nín nhịn tránh đối kháng, không ai chịu ai, làm cho to chuyện, kể cả trường hợp lẽ phải trong tay mình vẫn cười trừ cho qua, khi nào vui vẻ thì nói lại, một người gặp trắc trở thì người kia phải an ủi động viên. Việc lớn, việc bé trong nhà đều nên bàn bạc, giải quyết trên tinh thần bình đẳng, kể cả cách dạy dỗ con cái vợ chồng cũng phải thống nhất, giữ thể diện cho nhau trước con cái, ai làm sai chủ động nhận lỗi, khi mâu thuẫn thì chủ động hòa giải.

Hai vợ chồng có thể cùng theo đuổi một ngành nghề, hoặc mỗi người một ngành nghề khác nhau, nhưng bao giờ cũng có phần việc chung đó là công việc nội trợ trong gia đình, chồng không nên đùn đẩy hoặc khoán trắng cho vợ theo quan điểm lỗi thời: Bếp núc là chuyện của đàn bà, ngược lại vợ cũng không nên lười nhác ỷ lại. Giữa vợ chồng có thể phân công rành mạch, cũng có thể tự nguyện nhận lấy công việc để làm.

Khá nhiều cặp vợ chồng trước khi cưới thì rất chú ý chải chuốt hình thức, nhưng sau ngày cưới không chú ý hình tượng bên ngoài của mình nữa, họ quan niệm rằng đã là thuộc về nhau thì không cần sức cuốn hút nữa. Thực tình, vợ chồng vẫn cần làm đẹp lòng nhau cả về nội dung lẫn hình thức, như vậy tình yêu càng mặn nồng, mặt khác chú ý hình thức càng tăng thêm lòng tự trọng, tự tin và được người khác tôn trọng.

Quan hệ gia trưởng theo kiểu phong kiến đã qua lâu rồi, ngày nay vợ chồng sống với nhau một cách bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, đàn ông không nên lên mặt đức lang quân, còn phụ nữ không mang nặng tư tưởng nhờ vả nương dựa vào chồng. Người nào cũng cố gắng hoàn thiện nhân cách của mình và tôn trọng nhân cách của người kia, tuy nhiên không đòi hỏi quá cao đối phương hoặc buông lỏng cho mình.

Lời cảnh báo của nhà chuyên môn: Không thể nói vợ chồng thủy chung gắn bó có nghĩa là mọi việc đều thống nhất, không bao giờ phát sinh mâu thuẫn, đôi khi còn xảy ra tranh cãi xô xát, ngay khi xung khắc vẫn nhớ bốn điều cấm kỵ đó là: "Không nói năng tục tĩu, không bới móc chuyện cũ, không bỏ về nhà mẹ đẻ, không động chạm vào thân thể".

Một phần của tài liệu 100 lễ tiết cần học hỏi trong cuộc đời (Trang 30 - 31)