Tiêu điểm lễ tiết: Lúc mời rượu, thái độ phải nhiệt tình cởi mở, tư thế thân người đứng đắn trang nhã, vững vàng, hai tay nâng cốc để tỏ lòng kính trọng đối phương, chờ đối phương uống xong thì mình mới uống.
Lộ trình vận dụng: Trong các bữa tiệc long trọng, không thể thiếu động tác chúc rượu để chúc sức khỏe, sự nghiệp, hợp tác v.v của nhau và góp phần làm cho bữa tiệc càng thêm tưng bừng náo nhiệt. Khi chúc rượu cần chú ý một số điểm dưới đây.
a. Rót rượu
Khi rót rượu cho khách nên đứng bên phải khách, nếu rót bia thì nên ghé miệng chai sát miệng cốc để hạn chế sủi bọt, nhưng khi rót rượu thì miệng chai không kề sát miệng cốc. Bia thì rót đầy, rượu nên rót vơi và tùy theo loại rượu nặng nhẹ để xác định, rượu nhẹ đầy hơn, rượu nặng vơi hơn, thứ tự rót rượu là khách trước chủ sau, khi có nhiều khách phải phân theo thứ bậc, khách quan trọng, khách cao tuổi rót trước sau đó theo trình tự thấp dần, nếu có cả nam lẫn nữ, thì rót cho khách nữ trước khách nam sau. Chủ nhân đứng dậy nêu lý do và đề nghị mọi người nâng cốc, chạm cốc, theo thông lệ thì thường chỉ có nam chủ nhân đứng lên mời rượu, và cũng không được nhờ người khác đứng ra mời thay, nếu bữa tiệc nhằm mục đích đón chào một vị khách quý nào đó, thì sau khi nam chủ nhân mời rượu, các vị khách khác cùng có thể đứng lên mời. Khi chủ nhân phát biểu thì mọi người tạm ngừng mời rượu và uống rượu chăm chú lắng nghe để tỏ lòng kính trọng chủ nhân, không được nhân cơ hội đó uống rượu, ăn thức ăn hay hút thuốc.
b. Chúc rượu
Thủ tục chúc rượu muôn thuở là nâng cốc, tuyên bố lý do, chạm cốc giữa chủ và khách, giữa tất cả mọi người, không được bỏ sót ai, đôi khi người ta còn chơi trò chéo cốc, đổi cốc cho thêm phần vui vẻ, đợi chủ nhân chúc rượu xong thì mọi người mới được lần lượt chúc. Chủ nhân có thể đi khắp các bàn tiệc để chạm cốc với tất cả quan khách, người được chúc phải đứng dậy chạm cốc và cảm ơn, sau đó cạn chén.
Lễ tiết chạm cốc phải đủ lực để phát ra tiếng kêu, sau đó dùng tay phải hay hai tay giơ cao cốc rượu ngang mắt, nhìn chủ nhân tỏ ý cảm ơn rồi mới uống, uống xong lại nhìn nhau lần nữa để biểu thị lòng thành, cũng có thể mời lại chủ nhân một cốc.
Người ở địa vị thấp hoặc tuổi đời còn ít mời rượu người ở địa vị cao hoặc tuổi đời cao thì khi chạm cốc phải cúi mình thi lễ, khi chạm chú ý để cốc của mình thấp hơn một ít so với cốc của đối phương. Sau khi chủ nhân chúc rượu xong đến lượt khách chúc nhau, chúc rượu đúng lễ nghi tạo ra phong thái và sức hấp dẫn, lời chúc và lời cảm ơn cũng được trau chuốt vừa ngắn gọc vừa ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhau.
Theo thông lệ, người ta chỉ cạn chén bằng rượu sâm banh, rượu vang chứ không cạn chén bằng bia hay nước ngọt, trừ trường hợp người không biết uống đã xin phép và được mọi người thông cảm, thì phải uống một loại giải khát nào đó, chứ không được cười trừ.
Lời cảnh báo của nhà chuyên môn: Mời rượu nhau chỉ nên thể hiện tình nghĩa vừa đủ, không nên ép nhau quá chén say xỉn, không còn biết đường về nhà, phong cách đó thời nay bị coi là thất lễ với khách mời.