6. Khung nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu luận án
6.2 Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận án, tác giả sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính với định lượng.
6.2.1 Phương pháp định tính
* Phương pháp phân tích tài liệu
Tác giả tiến hành thu thập dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu từ các công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến đề tài và tài liệu thu thập trực tiếp tại phòng (ban) kế hoạch tài chính, phòng (ban) kế hoạch thống kê, các báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo kiểm toán, báo cáo ban kiểm soát, báo cáo của hội đồng quản trị, báo cáo của ban giám đốc, báo cáo tài chính năm, bản cáo bạch, báo cáo thường niên, báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, Báo cáo giám sát tài chính, Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, Báo cáo sơ kết, tổng kết. Đồng thời, luận án còn sử dụng các thông tin tài chính công bố bất thường, các báo cáo phân tích tài chính của các công ty chứng khoán, các chuyên gia phân tích.
* Phương pháp phỏng vấn chuyên gia
Tác giả thực hiện phỏng vấn các nhà quản trị và các chuyên gia. Để tìm hiểu nhu cầu của các nhà quản trị đối với hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại các công ty niêm yết thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cũng như ý kiến của các chuyên gia phân tích về hệ thống chỉ tiêu phù hợp với các công ty.
Trong Bảng câu hỏi phỏng vấn sâu, tác giả sử dụng những câu hỏi có sẵn và câu hỏi thêm.
Với câu hỏi có sẵn theo mục đích của tác giả muốn tìm hiểu về thực trạng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại các công ty niêm yết thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để đánh giá tình hình sử dụng của các công ty và thăm dò các chỉ tiêu nào phù hợp với các công ty và được công ty đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, thứ tự câu hỏi có thể thay đổi tùy thuộc vào ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng phỏng vấn.
Đối với các chuyên gia, tác giả đã sử dụng bảng câu hỏi mà tác giả xây dựng thử nghiệm trên cơ sở hiểu biết của tác giả cũng như đúc rút từ các công trình nghiên cứu trước đó. Với mong muốn các chuyên gia sẽ bằng kinh nghiệm của mình, chỉ ra cho tác giả thấy những chỉ tiêu nào là cần thiết nên đưa vào bảng hỏi,
những chỉ tiêu nào nên lược bỏ và cần bổ sung những chỉ tiêu nào. Qua kết quả phỏng vấn, tác giả đã nhận thấy vấn đề phát triển bền vững cũng là một nội dung mà các nhà quản trị của các công ty niêm yết thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần phải quan tâm và đưa ra quyết định kịp thời. Cho nên tác giả đã bổ sung nhóm chỉ tiêu này vào trong nội dung phiếu khảo sát hoàn chỉnh của mình.
Trong quá trình tiến hành phỏng vấn sâu các nhà quản trị, tác giả còn bổ sung thêm những câu hỏi khác do phát sinh thêm những vấn đề mới như có những công ty đã tiến hành phân tích tài chính nhưng họ chưa biết nên sử dụng những chỉ tiêu nào, khi phân tích cần chú trọng điều gì. Với những câu hỏi này, tác giả có thể phát hiện thêm những chỉ tiêu phù hợp với đặc thù ngành của các công ty.
6.2.2 Phương pháp nghiên cứu định lượng
Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua việc lấy phiếu điều tra khảo sát, phỏng vấn các đối tượng như Hội đồng cổ đông hoặc thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, bộ phận quản lý tài chính – kế toán – đây là những người quan trọng nhất trong việc quản lý tài chính tại các công ty. Họ là các nhà quản trị của công ty, người quan tâm tới nhiều khía cạnh nhất về tình hình tài chính doanh nghiệp, am hiểu sâu về tình hình tài chính, có kiến thức về phân tích tài chính. Các ý kiến đề xuất của họ sẽ là cơ sở để tác giả đưa ra giải pháp trong chương 3.
Tác giả tiến hành thu thập thông tin thông qua việc gửi bản câu hỏi khảo sát cho đối tượng được khảo sát bằng 03 cách: đường bưu điện; gửi email và gặp trực tiếp. Khi xây dựng phiếu khảo sát, tác giả xây dựng dựa trên mục tiêu nghiên cứu của đề tài “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại các công ty niêm yết thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam”, cụ thể cho các công ty niêm yết với mục đích quản trị nội bộ. Phiếu khảo sát gồm 18 câu hỏi được chia làm 3 phần: phần 1 (13 câu) dùng để tập hợp các thông tin chung về đối tượng được hỏi và nội dung phân tích trong doanh nghiệp, phần 2 (1 câu hỏi tổng quát) dùng để khảo sát mức độ sử dụng và mức độ quan trọng của các chỉ tiêu phân tích tài chính dùng để phân tích các nội dung khác nhau, phần 3 (4 câu) dùng để tập hợp các ý kiến đánh giá khác của các công ty. Tác giả sử dụng thang
đo Likert 5 điểm cho toàn bộ câu hỏi ở phần 2. Để khảo sát đánh giá mức độ sử dụng các chỉ tiêu phân tích tài chính, tác giả sử dụng thang đo như sau: 1 = “Không sử dụng”; 2 = “Thỉnh thoảng sử dụng”; 3 = “Sử dụng hàng năm”; 4 = “Sử dụng hàng quý”; 5 = “Sử dụng thường xuyên”. Để khảo sát đánh giá mức độ quan trọng của HTCT phân tích tài chính, tác giả sử dụng thang đo: 1 = “Không quan trọng”;
2 = “Ít quan trọng”; 3 = “Bình thường”; 4 = “Quan trọng”; 5 = “Rất quan trọng”.
Với 31 công ty niêm yết thuộc Tập đoàn, tác giả đã gửi tới mỗi công ty 4 phiếu khảo sát trong đó 1 dành cho hội đồng quản trị, 1 dành cho ban giám đốc và 2 dành cho bộ phận tài chính – kế toán; đồng thời gửi phiếu khảo sát tới 10 chuyên gia trong lĩnh vực phân tích. Kết quả điều tra thu được 126/134 phiếu trả lời hợp lệ và đầy đủ câu trả lời, 8 phiếu không trả lời.
Trên cơ sở các dữ liệu đã thu thập được, tác giả sử dụng các tính năng thích hợp trên Excel và SPSS 20 để xử lý. Trong đó, với những câu hỏi có sử dụng thang đo Likert, tác giả tiến hành mã hóa câu hỏi, nhập liệu kết quả vào phần mềm SPSS, dùng “Phương pháp toán thống kê” được tích hợp trên phần mềm SPSS để chạy lệnh và đọc kết quả nghiên cứu. Cụ thể như sau:
Việc mã hóa câu hỏi dựa trên nguyên tắc “đơn giản” và “dễ nhớ” (ví dụ:
câu hỏi về mức độ sử dụng liên quan đến huy động vốn thì đầu mã sẽ là “NV”, liên quan đến rủi ro thì đầu mã sẽ là “RR”,...; câu hỏi về mức độ quan trọng thì ký hiệu tương tự như câu hỏi về mức độ sử dụng nhưng cuối mã có thêm ký tự
“Q”. Để thống kê “Mức độ sử dụng” đối tượng phân tích, tác giả sử dụng lệnh
“Phân tích thống kê mô tả” (Analyze > Descriptive Statistics > Descriptives); để thống kê “Mức độ quan trọng” đối tượng phân tích, tác giả sử dụng lệnh “Phân tích bảng tùy chỉnh” (Analyze > Tables > Custom Tables); để so sánh giá trị bình quân về “Mức độ sử dụng” với “Mức độ quan trọng” của mỗi đối tượng phân tích, tác giả sử dụng lệnh “Phân tích kiểm định một mẫu T” (Analyze > Compare Means > One - Sample T Test).
Trong các bảng tính của SPSS, dấu (.) ở các số liệu đóng vai trò thay dấu
“phẩy”, dùng để phân biệt giữa phần nguyên với phần thập phân.
Trên cơ sở những thông tin đã qua xử lý từ kết quả khảo sát, tác giả đánh giá về thực trạng sử dụng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại các công ty niêm yết
thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Từ đó, tác giả sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại các công ty niêm yết thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.