1.1 Tổng quan về hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại các công ty niêm yết
1.1.1 Khái niệm và căn cứ xác định hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính công ty niêm yết
1.1.1.1 Khái niệm hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính công ty niêm yết Trong phân tích tài chính thì chỉ tiêu phân tích chính là đối tượng mà phân tích hướng vào, thông qua việc vận dụng các phương pháp và kỹ thuật để tính toán, phân tích các chỉ tiêu, từ đó làm căn cứ cho việc ra các quyết định khác nhau.
Theo Trần Quý Liên thì “Chỉ tiêu tài chính là một phạm trù kinh tế có nội dung tương đối ổn định, thể hiện kết quả, hiệu quả kinh doanh, cấu trúc tài chính của một doanh nghiệp tại một thời điểm hay trong một thời kỳ” [51]
Mỗi một chỉ tiêu phân tích tài chính đều mang một nội dung kinh tế và phản ánh một khía cạnh nhất định về tài chính của công ty niêm yết. Một chỉ tiêu phân tích tài chính có nội dung tương đối ổn định, phản ánh quá trình và kết quả hoạt động kinh doanh của công ty niêm yết theo thời gian, không gian xác định và có đơn vị đo lường nhất định.
Tập hợp các chỉ tiêu phân tích tài chính hình thành hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính, hệ thống này có thể được sắp xếp theo một trình tự nhất định, phản ánh tình hình và các quan hệ tài chính trong công ty niêm yết. Hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính là công cụ đắc lực giúp các chủ thể quản lý ra các quyết định.
Hệ thống chỉ tiêu phân tích là nội dung cơ bản của hoạt động phân tích tài chính, nó quyết định tới chất lượng của thông tin khi phân tích và ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của công ty niêm yết. Hệ thống chỉ tiêu phân tích không những thể hiện tình trạng tài chính, sức mạnh tài chính, an ninh tài chính, mà còn thể hiện hiệu quả kinh doanh của công ty niêm yết. Do vậy, phân tích tài chính thông qua phân tích hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính là cách tiếp cận khoa học, chính xác. Các nhà khoa học có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính, cụ thể:
Theo Nguyễn Trọng Cơ và Nghiêm Thị Thà thì “Hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính là toàn bộ các chỉ tiêu tài chính có thể tính toán được ở một doanh nghiệp trong kỳ phân tích mà thông qua hệ thống chỉ tiêu đó có thể tiến hành phân tích, đánh giá cũng như dự đoán tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách toàn diện đầy đủ, chính xác làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định của các chủ thể quản lý khác nhau” [14]. Theo quan điểm này thì hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính bao gồm các chỉ tiêu phân tích tài chính có thể tính toán được trong từng kỳ phân tích và phục vụ mục đích đưa ra các quyết định của chủ thể sử dụng. Tuy nhiên tác giả cho rằng nếu không có cụm từ “trong kỳ phân tích” thì quan điểm này sẽ khái quát hơn.
Theo Nguyễn Ngọc Quang – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong luận án tiến sỹ của mình có đưa ra quan điểm về bản chất hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính: “Hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính là tổng thể các chỉ tiêu tài chính sắp xếp theo một trình tự nhất định nhằm đánh giá hoạt động tài chính của doanh nghiệp theo yêu cầu của cấp quản lý” [61]
Theo Trần Quý Liên thì “Hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính là một bảng tổng hợp các chỉ tiêu tài chính nhằm phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu” [51]
Theo quan điểm của tác giả thì “Hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính là tổng thể các chỉ tiêu tài chính mà thông qua đó có thể tiến hành phân tích, đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định của các chủ thể sử dụng để đạt được các mục tiêu nhất định”.
Chủ thể sử dụng có thể là nhà quản lý, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng,... Mỗi đối tượng có mục tiêu khác nhau đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể:
Đối với nhà quản lý: là những người thường xuyên phải đưa ra quyết định quản trị. Và quyết định quản trị tài chính là quyết định quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn đến tình hình và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ là những người quản lý doanh nghiệp, họ có đầy đủ thông tin từ hệ thống kế toán, thông tin kinh tế vĩ mô, thông tin về thị trường,... Vì vậy hệ thống chỉ tiêu phân
tích tài chính đầy đủ nhất là những chỉ tiêu phản ánh nội bộ doanh nghiệp sẽ được các nhà quản trị cần quan tâm và sử dụng để tìm ra các giải pháp làm lành mạnh tình hình tài chính.
Đối với các nhà đầu tư là những người tìm kiếm lợi nhuận bằng cách mua bán, nắm giữ cổ phiếu của công ty niêm yết. Các đối tượng này quan tâm trực tiếp đến khả năng sinh lời của công ty niêm yết. Vì vậy hệ thống chỉ tiêu phân tích mà họ cần là những chỉ tiêu về giá trị cổ phiếu, khả năng sinh lời, rủi ro kinh doanh,...
Đối với tổ chức tín dụng (người cho vay) là những đối tượng cho công ty niêm yết vay vốn để đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh. Khi cho vay, điều mà họ quan tâm nhất chính là khả năng thanh toán của công ty niêm yết đối với các khoản vay và lãi. Do vậy hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính mà các đối tượng này quan tâm thường là khả năng thanh toán, hệ số nợ, ...
Như vậy có thể thấy, nhà quản trị bao giờ cũng là đối tượng đầu tiên và quan tâm tới tất cả các chỉ tiêu phân tích tài chính liên quan đến tình hình tài chính của công ty niêm yết. Họ thường xuyên phải đưa ra các quyết định quản trị như quyết định huy động vốn, quyết định đầu tư (sử dụng vốn) và quyết định phân phối lợi nhuận. Và một hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính đầy đủ sẽ giúp họ đánh giá tình hình tài chính và nhận diện rủi ro tài chính, từ đó có căn cứ thích hợp để đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp nhất.
Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại CTNY phục vụ mục đích quản trị sẽ bao gồm các nhóm chỉ tiêu: phân tích tình hình huy động vốn; phân tích tình hình sử dụng vốn; phân tích tình hình và kết quả kinh doanh; phân tích tình hình lưu chuyển tiền; phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán; phân tích rủi ro tài chính; phân tích tình hình cổ phiếu;
phân tích tình hình tăng trưởng và phát triển bền vững.
1.1.1.2 Căn cứ xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính công ty niêm yết Khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính công ty niêm yết phải dựa trên các căn cứ sau:
Thứ nhất, hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính cần được xây dựng dựa trên nhu cầu thông tin của các chủ thể phân tích hay các đối tượng quan tâm. Mỗi đối
tượng lại có sự quan tâm đến các khía cạnh khác nhau. Ví dụ như các tổ chức tín dụng, người cho vay sẽ quan tâm đầu tiên đến mức độ tự chủ tài chính, khả năng sinh lời của công ty nhằm đảm bảo công ty sẽ tồn tại lâu dài và thanh toán được các khoản nợ dài hạn. Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến giá trị cổ phiếu của công ty, khả năng sinh lời và rủi ro để đảm bảo cho sự đầu tư của họ vào công ty sẽ bền vững và tăng trưởng. Với các nhà cung cấp tín dụng thương mại thường quan tâm đến khả năng thanh toán nợ nhằm đảm bảo khoản nợ của họ có thể thu hồi được,
… Còn nhà quản lý thì thường quan tâm đến tất cả các khía cạnh phân tích để kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính từ đó có cơ sở dự đoán tài chính và đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình tài chính của công ty mình. Do vậy khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính với mục tiêu phục vụ các đối tượng nói trên thì cần phản ánh được tổng quát tình hình tài chính, vừa phải phản ánh chi tiết phù hợp với nhu cầu thông tin của các đối tượng khác nhau.
Thứ hai, hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính cần được xây dựng dựa trên các nội dung phân tích đã đề ra theo yêu cầu quản lý tài chính của công ty. Thông thường các nội dung phân tích tài sản và nguồn vốn, tình hình công nợ và khả năng thanh toán, phân tích luồng tiền, phân tích hiệu quả sử dụng tài sản và phân tích khả năng sinh lời, rủi ro tài chính ... Tuy nhiên với những công ty khác nhau có thể có những yêu cầu khác nhau về nội dung phân tích. Đối với các công ty niêm yết, nội dung phân tích sẽ đi vào: phân tích tình hình huy động vốn; phân tích tình hình sử dụng vốn; phân tích tình hình và kết quả kinh doanh; phân tích tình hình lưu chuyển tiền; phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán;
phân tích rủi ro tài chính; phân tích tình hình cổ phiếu; phân tích tình hình tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thứ ba, hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính được xây dựng dựa trên đặc điểm hoạt động kinh doanh của công ty. Những công ty thuộc các ngành kinh doanh khác nhau có các đặc thù về hoạt động kinh doanh khác nhau thì hệ thống chỉ tiêu PTTC sẽ có những điểm khác nhau. Điều này sẽ giúp người phân tích đánh giá chính xác tình hình tài chính và kết quả hoạt động tài chính của công ty.
Thứ tư, hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính được xây dựng trên cơ sở các loại hình phân tích được lựa chọn theo yêu cầu của quản lý. Phân tích có nhiều loại hình như phân tích toàn diện, phân tích chương, phân tích tổng thể, phân tích bộ phận… Mỗi loại hình phân tích có yêu cầu về loại thông tin khác nhau, mức độ tổng hợp hay chi tiết của thông tin cũng khác nhau. Do đó, hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính cần được xây dựng để có thể vừa phản ánh khái quát tình hình tài chính vừa phản ánh chi tiết theo yêu cầu của các loại hình phân tích cụ thể.
Thứ năm, bên cạnh các căn cứ trên, hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính công ty niêm yết còn cần được xây dựng dựa trên cơ sở chế độ chính sách tài chính kế toán hiện hành. Điều này có thể đảm bảo cho công ty có khả năng đáp ứng yêu cầu về báo cáo các chỉ tiêu phân tích tài chính theo quy định. Mặt khác, điều này sẽ đảm bảo tính khả thi cho việc tính toán các chỉ tiêu dựa trên cơ sở các số liệu kế toán tài chính sẵn có.